13. Bổ sung chủ đề, đề mục mới, pháp điển và cập nhật quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển
Sign In

Hướng dẫn nghiệp vụ

13. Bổ sung chủ đề, đề mục mới, pháp điển và cập nhật quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển

      1. Bổ sung chủ đề mới
      - Điều 7 Pháp lệnh pháp điển đã xác định Bộ pháp điển gồm có 45 chủ đề điều chỉnh 45 nhóm quan hệ xã hội. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh pháp điển quy định "Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề mới theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp".
      - Trường hợp bổ sung chủ đề mới: Điều 1 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định "Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội chưa thuộc các chủ đề đã có trong Bộ pháp điển thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề. Chủ đề bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau chủ đề cuối cùng đã có trong Bộ pháp điển".
       2. Bổ sung đề mục mới
       - Việc bổ sung đề mục mới vào Bộ pháp điển là trường hợp khi Bộ pháp điển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đấy chưa có đề mục đó (Danh mục các đề mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014), chẳng hạn như việc một luật mới, một pháp lệnh mới hay “một nghị định không đầu” được ban hành mà chưa có trong hệ thống pháp luật. Khi đó, theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, cơ quan thực hiện pháp điển (các cơ quan được quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh) đề xuất tên đề mục, vị trí của đề mục mới trong Bộ pháp điển gửi Bộ Tư pháp để xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung đề mục và phân công cơ quan thực hiện.
      - Hồ sơ đề nghị bổ sung đề mục mới bao gồm:
      +) Tên gọi của đề mục (xác định dựa trên tên văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định);
      +) Danh mục các văn bản dự kiến đưa vào đề mục được sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư số 13/2014/TT-BTP;
      +) Đề xuất sắp xếp đề mục vào chủ đề nào trong Bộ pháp điển. Vị trí, số thứ tự của đề mục mới được cơ quan thực hiện pháp điển sắp xếp, tính theo số thứ tự tiếp theo của đề mục có số thứ tự lớn nhất trong chủ đề.
      - Thời hạn lập đề nghị xây dựng đề mục mới: Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP, chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản mới được thông qua hoặc ban hành, cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm đề nghị xây dựng đề mục mới gửi Bộ Tư pháp
      - Trình tự, thủ tục thực hiện pháp điển đối với đề mục mới: Cơ quan thực hiện pháp điển đề mục mới theo quy định tại các điều 9, 10, 11 của Pháp lệnh và theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP. Cấu trúc của đề mục được xây dựng dựa theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất có tên gọi làm tên gọi của đề mục.
      - Bộ Tư pháp thực hiện việc cập nhật kết quả pháp điển đề mục mới vào Bộ pháp điển.
      3. Thực hiện pháp điển và cập nhật quy phạm pháp luật mới
      Quy phạm pháp luật mới ban hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh pháp điển là các quy phạm pháp luật được ban hành sau ngày có kết luận của Hội đồng thẩm định đối với kết quả pháp điển theo đề mục (Điều 16 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP). Việc pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP trong các trường hợp cụ thể như sau: 
      - Trường hợp có văn bản mới ban hành sửa đổi, bổ sung nội dung trong phạm vi từng điều của văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung của điều trong Bộ pháp điển được sửa đổi, bổ sung; vị trí và nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
      - Trường hợp có văn bản bổ sung điều mới vào văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí, nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP).
      - Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã được pháp điển hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ trong Bộ pháp điển và ghi rõ lý do hủy bỏ, bãi bỏ.
      - Trường hợp có văn bản mới thay thế toàn bộ văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển, xây dựng lại đề mục theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP).
      - Trường hợp có văn bản mới thay thế văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và các nội dung trong Bộ pháp điển bị thay thế; vị trí và nội dung của các quy phạm pháp luật mới trong Bộ pháp điển, đánh số, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định các quy phạm pháp luật có liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 63/2013/NĐ-CP).
      - Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục bị bãi bỏ toàn bộ mà không có văn bản thay thế thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển và đề nghị Bộ Tư pháp loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển. Lưu ý: Việc loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển khi văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục bị bãi bỏ toàn bộ mà không có văn bản thay thế vẫn không làm ảnh hưởng đến số thứ tự của các đề mục khác cùng chủ đề trong Bộ pháp điển (cơ quan thực hiện pháp điển ghi chú về lý do loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 13/2014/TT-BTP ngày 29/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật).
      Việc cập nhật quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh pháp điển. Cụ thể như sau:
      - Trong trường hợp có quy phạm pháp luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc có quy phạm pháp luật bị bãi bỏ thuộc đề mục đã có trong chủ đề thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định quy phạm pháp luật tương ứng trong Bộ pháp điển, thực hiện pháp điển quy phạm pháp luật mới và gửi hồ sơ đến Bộ Tư pháp.
      - Bộ Tư pháp kiểm tra hồ sơ, cập nhật quy phạm pháp luật mới vào Bộ pháp điển hoặc loại bỏ quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển.
Chung nhan Tin Nhiem Mang