Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công an là đơn vị được giao chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Đề mục số 8 thuộc Chủ đề số 1). Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và được tổ chức họp thẩm định, chờ trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Đề mục Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam  có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của  Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 ngày 16/06/2014 gồm 09 chương với 55 điều và không có thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bên cạnh đó, đề mục Ban hành văn bản QPPL còn được pháp điển từ các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 10 văn bản khác (01 Nghị quyết của Quốc hội; 05 Nghị định của Chính phủ và 04 Thông tư), bao gồm: (1) Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; (2) Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 09/04/2011 về cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin về hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không; (3) Nghị định số 75/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 sửa đổi Nghị định số 27/2011/NĐ-CP ngày 09/4/2011 của Chính phủ về cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin về hành khách trước khi nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không; (3) Nghị định số 64/2015/NĐ-CP ngày 06/08/2015 quy định cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (4) Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/09/2015 về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam; (5) Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25/01/2017 quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; (6) Thông tư số 21/2011/TT-BCA ngày 25/04/2011 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; (7) Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 quy định mẫu giấy tờ liên quan đến việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (8) Thông tư số 31/2015/TT-BCA ngày 06/07/2015 hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam; (9) Thông tư số 04/2016/TT-BNG ngày 30/6/2016 hướng dẫn thủ tục cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao; (10) Thông tư số 53/2016/TT-BCA ngày 28/12/2016 quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Các nội dung cơ bản của đề mục “Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam” như sau:
- Chương I gồm 28 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú;  Nguyên tắc khai thác, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu API; Các hành vi bị nghiêm cấm; Thu hồi, huỷ bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Thu hồi, hủy bỏ giấy miễn thị thực.
Theo đó, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật này áp dụng đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan.
Các nguyên tắc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú: (1) Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (2) Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bình đẳng trong quan hệ quốc tế; (3) Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người nước ngoài; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (4) Người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
Các hành vi bị nghiêm cấm: (1) Cản trở người nước ngoài và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (2) Đặt ra thủ tục, giấy tờ, các khoản thu trái với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; sách nhiễu, gây phiền hà trong việc làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; (3) Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú trái phép tại Việt Nam; làm giả, sử dụng giấy tờ giả để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; (4) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; (5) Lợi dụng việc nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam để chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (6) Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, tẩy, xóa, sửa chữa nội dung giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú để người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.
- Chương II gồm 33 điều quy định về nội dung thị thực, cụ thể:  Giá trị sử dụng và hình thức của thị thực;  Ký hiệu thị thực; Thời hạn thị thực; Điều kiện cấp thị thực; Các trường hợp được cấp thị thực rời; Các trường hợp được miễn thị thực; Điều kiện miễn thị thực; Thời hạn, giá trị và hình thức của giấy miễn thị thực; Lệ phí cấp giấy miễn thị thực; Hồ sơ đề nghị cấp giấy miễn thị thực; Đơn phương miễn thị thực Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài; Thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao; Thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; Thủ tục, thẩm quyền giải quyết đề nghị cấp thị thực; Cấp thị thực điện tử; Cấp thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài; Cấp giấy miễn thị thực tại cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài; Cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế; Cấp thị thực tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao; Cấp giấy miễn thị thực tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của người nước ngoài; Trình tự, thủ tục cấp thị thực điện tử theo đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh; Nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử và danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử; Áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo đó, Thị thực là loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, cho phép người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.Thị thực có giá trị một lần hoặc nhiều lần và không được chuyển đổi mục đích. Thị thực được cấp riêng cho từng người, trừ trường hợp trẻ em dưới 14 tuổi được cấp chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ. Thị thực được cấp vào hộ chiếu hoặc cấp rời.
Điều kiện được cấp thị thực: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; Có cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam mời, bảo lãnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều  21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Các trường hợp sau đây đề nghị cấp thị thực phải có giấy tờ chứng minh mục đích nhập cảnh: (1) Người nước ngoài vào đầu tư phải có giấy tờ chứng minh việc đầu tư tại Việt Nam theo quy định của Luật đầu tư; (2) Người nước ngoài hành nghề luật sư tại Việt Nam phải có giấy phép hành nghề theo quy định của Luật luật sư; (3) Người nước ngoài vào lao động phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật lao động; (4) Người nước ngoài vào học tập phải có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục của Việt Nam.
- Chương III gồm 20 điều quy định về hoạt động nhập cảnh, cụ thể: Điều kiện nhập cảnh; Các trường hợp chưa cho nhập cảnh; Thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh; Đăng ký mạng truyền và cung cấp dữ liệu API; Thời hạn và chế độ cung cấp dữ liệu API; Cơ quan được phép khai thác, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu API; Thông báo về việc cung cấp dữ liệu API; Tiếp nhận và truyền thông tin, dữ liệu API; Khai thác, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu API; Trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc cung cấp thông tin, dữ liệu API; Bảo đảm điều kiện thực hiện việc cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu API; Bảo đảm kinh phí cho việc khai thác, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu API; Xử lý vi phạm pháp luật khi thực hiện việc cung cấp, khai thác, xử lý, sử dụng thông tin, dữ liệu API; Tiếp nhận văn bản thông báo về quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; Về thời hạn áp dụng quyết định, việc gia hạn và hiệu lực thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; Nội dung, cách thức thông báo quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; Kiểm tra, bổ sung thông tin liên quan tới việc thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; Nhập dữ liệu và thông báo để thực hiện quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; Thi hành quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh; Về việc giải tỏa quyết định chưa cho nhập cảnh, chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh.
Theo đó, Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;  Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng; Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực; Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực; Vì lý do phòng, chống dịch bệnh; Vì lý do thiên tai; Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội).
- Chương IV gồm 04 điều quy định về hoạt động quá cảnh, cụ thể: Điều kiện quá cảnh; Khu vực quá cảnh; Quá cảnh đường hàng không; Quá cảnh đường biển.
Theo đó, người nước ngoài được quá cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; Vé phương tiện phù hợp với hành trình đi nước thứ ba; Thị thực của nước thứ ba, trừ trường hợp được miễn thị thực.
- Chương V gồm 04 điều quy định về hoạt động xuất cảnh, cụ thể: Điều kiện xuất cảnh; Các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh; Thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, giải tỏa tạm hoãn xuất cảnh; Buộc xuất cảnh.
Theo đó, người nước ngoài được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây: Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; Chứng nhận tạm trú hoặc thẻ tạm trú, thẻ thường trú còn giá trị; Không thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
- Chương VI gồm 02 muc với 22 điều quy định về hoạt động tạm trú và thường trú của người nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể:
+) Mục 1 Tạm trú quy định về các nội dung: Chứng nhận tạm trú; Cấp chứng nhận tạm trú; Cơ sở lưu trú; Khai báo tạm trú; Truy cập Trang thông tin điện tử để nhận tài khoản khai báo; Tiếp nhận thông tin tạm trú; Khai và chuyển Phiếu khai báo tạm trú; Tiếp nhận Phiếu khai báo tạm trú; Tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu vực biên giới và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Gia hạn tạm trú; Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú; Thủ tục, thẩm quyền giải quyết đề nghị cấp thẻ tạm trú; Thủ tục cấp thẻ tạm trú; Thời hạn thẻ tạm trú.
Theo đó, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định.
+) Mục 2 Thường trú quy định về các nội dung: Các trường hợp được xét cho thường trú; Điều kiện xét cho thường trú; Thủ tục giải quyết cho thường trú; Giải quyết thường trú; Giải quyết cho thường trú đối với người không quốc tịch; Cấp đổi, cấp lại thẻ thường trú.
Theo đó, các điều kiện xét cho thường trú gồm: Người nước ngoài quy định tại Điều 39 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.Người nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị. Người nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.
- Chương VII gồm 04 điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người nước ngoài; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam, cụ thể:
Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam có các quyền sau đây: Được bảo hộ tính mạng, danh dự, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam trong thời gian cư trú trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Người có thẻ tạm trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; được bảo lãnh vợ, chồng, con dưới 18 tuổi ở cùng trong thời hạn thẻ tạm trú nếu được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người đó đồng ý; Người có thẻ thường trú được bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con vào Việt Nam thăm; Người đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam, được kết hợp du lịch, thăm người thân, chữa bệnh không phải xin phép; trường hợp vào khu vực cấm hoặc khu vực hạn chế đi lại, cư trú thực hiện theo quy định của pháp luật; Thuyền viên trên các tàu, thuyền nhập cảnh Việt Nam được đi bờ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu, thuyền neo đậu; trường hợp đi ra ngoài phạm vi trên hoặc xuất cảnh khỏi lãnh thổ Việt Nam qua các cửa khẩu khác thì được xét cấp thị thực; Vợ, chồng, con cùng đi theo nhiệm kỳ của thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, cơ quan đại diện tổ chức liên chính phủ được lao động nếu có giấy phép lao động, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; được học tập nếu có văn bản tiếp nhận của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục; Người đang học tập tại các trường hoặc cơ sở giáo dục theo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế được kết hợp lao động nếu có văn bản cho phép của nhà trường hoặc cơ sở giáo dục; Người không quốc tịch thường trú ở nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam du lịch, thăm người thân; Người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam có nhu cầu xuất cảnh được Bộ Công an xem xét cấp giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam có các nghĩa vụ sau đây: Tuân thủ pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam; Hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh; Khi đi lại phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Người nước ngoài thường trú nếu xuất cảnh đến thường trú ở nước khác phải nộp lại thẻ thường trú cho đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các quyền sau đây: Cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam được mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực hoạt động; Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được mời, bảo lãnh ông, bà, cha, mẹ của vợ hoặc chồng; vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột là người nước ngoài vào Việt Nam thăm; Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được bảo lãnh cha, mẹ, vợ, chồng, con là người nước ngoài xin thường trú hoặc xin cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh có các trách nhiệm sau đây: Làm thủ tục mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Hướng dẫn, giải thích cho người nước ngoài chấp hành quy định của pháp luật và tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam; Thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người nước ngoài đã mời, bảo lãnh; Phối hợp với cơ quan chức năng về quản lý hoạt động của người nước ngoài theo đúng mục đích nhập cảnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam; phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài; Làm thủ tục với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, nghề, lĩnh vực quy định phải xin phép trước khi mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để hoạt động trong các ngành, nghề, lĩnh vực đó; Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc người nước ngoài được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn thời hạn nhưng không còn nhu cầu bảo lãnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam và phối hợp với cơ quan chức năng yêu cầu người nước ngoài xuất cảnh.
- Chương VIII gồm 29 điều quy định về trách nhiệm cửa các cơ quan, tổ chức về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài, cụ thể:
 +) Trách nhiệm của Chính phủ: Thống nhất quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Quy định cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
+) Trách nhiệm của Bộ Công an: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan thực hiện quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Chủ trì xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Cấp giấy tờ cho phép nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu quốc tế theo quy định của pháp luật; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Ban hành các loại mẫu giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Thống kê nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Thực hiện hợp tác quốc tế theo thẩm quyền, đề xuất cơ quan có thẩm quyền việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
+) Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao: Phối hợp với Bộ Công an thực hiện hoạt động quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Thực hiện cấp, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thị thực; cấp, hủy bỏ thẻ tạm trú; gia hạn tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quy định của pháp luật liên quan đến nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Đề xuất cơ quan có thẩm quyền việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
+) Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng: Phối hợp với Bộ Công an thực hiện hoạt động quản lý về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại cửa khẩu theo quy định của pháp luật; cấp, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ thị thực, cấp chứng nhận tạm trú theo quy định của Luật này.
+) Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ: Bộ, cơ quan ngang bộ không thuộc quy định tại Điều 48 và Điều 49 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng thực hiện hoạt động quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
+) Trách nhiệm của ủy ban nhân dân các cấp: Tổ chức thực hiện pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở địa phương; Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thực hiện việc quản lý cư trú của người nước ngoài ở địa phương theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Phổ biến, giáo dục pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài ở địa phương; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài ở địa phương; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc nắm tình hình hoạt động của cơ sở lưu trú và quản lý việc cư trú, hoạt động của người nước ngoài ở địa phương.
+) Trách nhiệm của Ủy banMặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận: Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện các quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Giám sát việc thi hành pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Chương IX gồm 26 điều quy định về: Điều khoản thi hành, hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành, điều khoản chuyển tiếp.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển đề mục Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có yếu tố nước ngoài dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. 
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang