Các QPPL mới được cập nhật vào đề mục Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Các QPPL mới được cập nhật vào đề mục Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác

Ngày 05/10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 104/2017/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2017). Đây là văn bản có nội dung thuộc đề mục Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.

Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy đinh chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Tài chính đã thực hiện việc cập QPPL mới ban hành trong Thông tư số 104/2017/TT-BTC theo quy định. Theo đó, đề mục Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được pháp điển thêm các quy định có nội dung chính như sau:
(1) Chế độ khám sức khỏe định kỳ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể khi còn sống:  Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi còn sống được hưởng chế độ khám sức khỏe định kỳ;  Người đã hiến bộ phận cơ thể người được cơ sở khám sức khỏe định kỳ xác nhận thời gian thực hiện khám sức khỏe định kỳ để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn (nếu có); Người đã hiến bộ phận cơ thể người khi đi khám sức khỏe định kỳ phải xuất trình giấy ra viện (trong đó ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”) hoặc một loại giấy tờ chứng minh về việc đã hiến bộ phận cơ thể và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân.
(2) Chế độ tổ chức tang lễ, mai táng di hài đối với người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác: Trường hợp thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác có nhu cầu tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác được hỗ trợ mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở. Thân nhân của người hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác phải xuất trình với cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến giấy tờ chứng minh là thân nhân của người đã hiến bộ phận cơ thể người sau khi chết, hiến xác để nhận chế độ tổ chức tang lễ và mai táng di hài theo quy định tại Khoản này; Trường hợp cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến tổ chức tang lễ và mai táng được thanh toán chi phí theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 10 tháng lương cơ sở.
(3) Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn kinh phí thực hiện chế độ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
(4) Trách nhiệm chi trả: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người có trách nhiệm chi trả kinh phí để thực hiện đầy đủ chế độ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư này; Cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho thân nhân người hiến để tổ chức tang lễ và mai táng di hài cho người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư này.
(5) Lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí: Việc lập dự toán, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ đối với người đã hiến bộ phận cơ thể người, hiến xác quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn; Thông tư này hướng dẫn việc hỗ trợ kinh phí đối với trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người đã hiến bộ phận cơ thể người; cơ sở y tế, cơ sở tiếp nhận và bảo quản xác của người hiến trong năm phát sinh nhưng chưa có trong dự toán ngân sách được giao.
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang