Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Du lịch
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Du lịch

Triển khai thực hiện công tác pháp điển theo quy định của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Du lịch (Đề mục số 5 thuộc Chủ đề số 41). Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Du lịch và Đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉnh sửa kết quả pháp điển Đề mục, cũng như sự thay đổi văn bản trong danh mục văn bản quy phạm pháp luật đã thu thập để thực hiện pháp điển Đề mục Du lịch theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và ký xác thực, đồng thời hoàn thiện hồ sơ kết quả pháp điển gửi Bộ Tư pháp tập hợp hồ sơ trình Chính phủ xem xét thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Du lịch có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ban hành ngày 19/6/2017 (Luật này gồm 09 chương với 78 điều) và không có bổ sung thêm cấu trúc vào Đề mục (không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật). Theo đó, Đề mục Du lịch được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 04 văn bản (01 Luật, 01 Nghị định và 02 Thông tư), cụ thể như sau: Luật Du lịch số 09/2017/QH14; Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch; Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của Đề mục Du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện pháp điển như sau:
- Chương I gồm 15 điều là các quy định chung, như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ (trong đó nên chú ý một số thuật ngữ như: Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc để nhận thu nhập ở nơi đến; Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch; Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch,  nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch; Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch; Hướng dẫn du lịch là hoạt động cung cấp thông tin, kết nối dịch vụ, dẫn khách du lịch, hỗ trợ khách du lịch sử dụng các dịch vụ theo chương trình du lịch; Hướng dẫn viên du lịch là người được cấp thẻ để hành nghề hướng dẫn du lịch; Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi; Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường; Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại); Nguyên tắc phát triển du lịch (ví dụ một số nguyên tắc cần lưu ý như: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng; Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch); Các chính sách phát triển du lịch; Quy định về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch (như: Cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi ích hợp pháp từ hoạt động du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa địa phương; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường; Cộng đồng dân cư được tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, khôi phục và phát huy các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian, ngành, nghề thủ công truyền thống, sản xuất hàng hóa của địa phương phục vụ khách du lịch); Về tổ chức xã hội – nghề nghiệp du lịch; Về bảo vệ môi trường du lịch; Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch (ví dụ: Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật; Phân biệt đối xử với khách du lịch, thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch; tranh giành khách du lịch, nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; Quảng cáo không đúng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận...)
- Chương II gồm 05 điều là các quy định cơ bản về các vấn đề liên quan đến khách du lịch như: Các loại khách du lịch (khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài); Quyền của khách du lịch (ví dụ như: Được yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp thông tin về chương trình, dịch vụ, điểm đến du lịch theo hợp đồng đã ký kết; Được tạo điều kiện thuận lợi về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, hải quan, lưu cư trú, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Kiến nghị với tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch; Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật); Nghĩa vụ của khách du lịch (Tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi đến du lịch; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam; Thực hiện nội quy của khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch; Thanh toán tiền dịch vụ theo hợp đồng, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật; Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự); Bảo đảm an toàn cho khách du lịch; Giải quyết kiến nghị của khách du lịch (như: Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, quản lý khu du lịch, điểm du lịch tổ chức tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch trong phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kiến nghị của khách du lịch).
- Chương III gồm 03 mục với 16 điều quy định các vấn đề về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch. Cụ thể như sau:
+ Mục 1 gồm các quy định cơ bản về tài nguyên du lịch như: Các loại tài nguyên du lịch; Điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch (căn cứ kết quả điều tra, tài nguyên du lịch được đánh giá về giá trị, sức chứa, mức độ hấp dẫn, phạm vi ảnh hưởng và khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch; phân loại thành tài nguyên du lịch cấp quốc gia và tài nguyên du lịch cấp tỉnh); Trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch.
+ Mục 2 gồm các quy định cơ bản về phát triển sản phẩm du lịch như: Về xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch (Chính phủ có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo đối với từng vùng và trong phạm vi toàn quốc theo từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu của thị trường trên cơ sở đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; Tổ chức, cá nhân có quyền sáng tạo, phát triển, kinh doanh các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và phù hợp với quy định của pháp luật); Sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; Biện pháp bảo đảm an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Phát triển du lịch cộng đồng (Cá nhân, hộ gia đình nơi phát triển du lịch cộng đồng được ưu đãi, khuyến khích cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống và hướng dẫn khách du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa, nếp sống tại cộng đồng; sản xuất hàng hóa, hàng thủ công truyền thống và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch; Tổ chức, cá nhân khai thác, phát triển du lịch cộng đồng có trách nhiệm tôn trọng văn hóa, nếp sống và chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch với cộng đồng).
+Mục 3 gồm các quy định cơ bản về quy hoạch du lịch như: Nguyên tắc lập quy hoạch về du lịch; Nội dung quy hoạch về du lịch; Lập, quản lý và thực hiện quy hoạch về du lịch.

- Chương IV gồm 10 điều quy định về điểm du lịch, khu du lịch như: Điều kiện công nhận điểm du lịch; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận điểm du lịch; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch; Điều kiện công nhận khu du lịch (trong đó, gồm có các điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh và các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia); Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch cấp tỉnh; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận khu du lịch quốc gia; Quản lý khu du lịch.

          - Chương V gồm 04 mục với 63 điều quy định về hoạt động kinh doanh du lịch. Cụ thể như sau:
+ Mục 1 gồm các quy định về dịch vụ lữ hành như: Phạm vi kinh doanh dịch vụ lữ hành; Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành; Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành (Mức ký quỹ và phương thức ký quỹ; Nộp tiền ký quỹ và cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ; Quản lý, sử dụng tiền ký quỹ); Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành du lịch; Tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; Cấp đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; Thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ lữ hành; Hợp đồng lữ hành (trong đó, hợp đồng lữ hành phải có các nội dung sau: Mô tả rõ ràng số lượng, chất lượng, giá dịch vụ, thời gian, cách thức cung cấp dịch vụ trong chương trình du lịch; Giá trị hợp đồng và phương thức thanh toán; Điều khoản loại trừ trách nhiệm trong trường hợp bất khả kháng; Điều kiện và trách nhiệm tài chính liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng; Điều khoản về bảo hiểm cho khách du lịch); Kinh doanh đại lý lữ hành; Hợp đồng đại lý lữ hành (trong đó, hợp đồng đại lý lữ hành phải có các nội dung sau: Tên, địa chỉ của bên giao đại lý và bên nhận đại lý; Chương trình du lịch, giá bán chương trình du lịch được giao cho đại lý, mức hoa hồng đại lý, thời điểm thanh toán; Quyền và trách nhiệm của các bên; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng đại lý); Trách nhiệm của bên giao đại lý lữ hành (Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng của bên nhận đại lý lữ hành; Tổ chức thực hiện chương trình du lịch do bên nhận đại lý lữ hành bán; chịu trách nhiệm với khách du lịch về chương trình du lịch giao cho bên nhận đại lý lữ hành; Hướng dẫn, cung cấp cho bên nhận đại lý lữ hành thông tin liên quan đến chương trình du lịch); Trách nhiệm của đại lý lữ hành (Thông báo cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh, địa điểm kinh doanh, thông tin về doanh nghiệp giao đại lý lữ hành; Thực hiện việc bán chương trình du lịch đúng nội dung và đúng giá như hợp đồng đại lý, không được tổ chức thực hiện chương trình du lịch; Lập và lưu giữ hồ sơ về chương trình du lịch đã bán cho khách du lịch theo quy định của pháp luật; Treo biển đại lý lữ hành ở vị trí dễ nhận biết tại trụ sở đại lý); Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.
+ Mục 2 gồm các quy định về vận tải khách du lịch như: Kinh doanh vận tải khách du lịch (trong đó, có các quy định về: Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch đường bộ; Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ; Quy định đối với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa; Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa; Trách nhiệm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải; Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh); Cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch (theo đó, có các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp biển hiệu phương tiện vận tải khách du lịch; Cấp đổi biển hiệu; Cấp lại biển hiệu; Thu hồi biển hiệu); Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải khách du lịch.
+ Mục 3 gồm các quy định về lưu trú du lịch như: Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch (có các loại hình lưu trú du lịch sau đây: Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch; Tàu thủy lưu trú du lịch; Nhà nghỉ du lịch; Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; Bãi cắm trại du lịch; Các cơ sở lưu trú du lịch khác); Điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch (cụ thể các điều kiện đối với từng loại hình lưu trú du lịch); Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch; Công bố, kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú du lịch; Thu hồi quyết định công nhận hạng, thay đổi hạng cơ sở lưu trú du lịch; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch.
+ Mục 4 gồm các quy định về dịch vụ du lịch khác như: Các loại dịch vụ du lịch khác (Dịch vụ ăn uống; Dịch vụ mua sắm; Dịch vụ thể thao; Dịch vụ vui chơi, giải trí; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch); Phát triển các loại dịch vụ du lịch khác; Công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (theo đó, có các quy định tiêu chuẩn cụ thể: Tiêu chuẩn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Tiêu chuẩn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Tiêu chuẩn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Tiêu chuẩn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Tiêu chuẩn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch); Quyền và nghĩa vụ của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Chương VI gồm 14 điều quy định về hướng dẫn viên du lịch như: Quy định về hướng dẫn viên du lịch, thẻ hướng dẫn viên du lịch; Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; Tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch quốc tế; Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; Tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch; Nội dung kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm; Cấp đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch; Khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế; Cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch; Thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch; Quyền và nghĩa vụ của hướng dẫn viên du lịch; Trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch.
- Chương VII gồm 02 mục với 07 điều quy định một số vấn đề cơ bản về xúc tiến du lịch và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể:
+ Mục 1 gồm các quy định như: Nội dung xúc tiến du lịch; Hoạt động xúc tiến du lịch; Thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan du lịch nước ngoài, tổ chức du lịch quốc tế và khu vực.

+ Mục 2 gồm các quy định như: Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Nguồn hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Nguyên tắc hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

  - Chương VIII gồm 03 điều quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước như: Trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của Chính phủ; Trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của Ủy ban nhân dân các cấp.

          - Chương IX gồm 12 điều là các quy định về trách nhiệm thi hành, tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được pháp điển vào Đề mục Du lịch như đã nêu ở trên.
 
Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Du lịch còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được thực hiện chỉ dẫn trong nội dung của Đề mục Du lịch để người sử dụng thuận tiện hơn khi tra cứu.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Du lịch đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành quy định về lĩnh vực du lịch đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào cùng một nơi giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu, khai thác, sử dụng cũng như góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, phổ biến, tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực du lịch, đồng thời góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật và ý thức chấp hành, thực hiện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân./.
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang