Hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng

Thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp đã thực hiện pháp điển đối với đề mục “Công chứng” thuộc chủ đề “Bổ trợ tư pháp” theo quy định. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực và đóng dấu theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề để trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 10 chương (giữ nguyên cấu trúc của Luật số 53/2014/QH13 ngày 20/6/2014 của Quốc hội), 183 điều, được pháp điển từ 05 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Luật Công chứng; Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng; Thông tư số 06/2015/TT-BTP ngày 15/06/2015 của  Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng; Thông tư số 11/2012/TT-BTP ngày 30/10/2012 của Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; Thông tư số 04/2015/TT-BTP ngày 15/4/2015 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng. Như vậy, đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng đang còn hiệu lực. Cụ thể:  
- Về công chứng viên: đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn công chứng viên, đào tạo nghề công chứng, miễn đào tạo nghề công chứng, tập sự hành nghề công chứng, bổ nhiệm công chứng viên, những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên, tạm đình chỉ hành nghề công chứng, miễn nhiệm công chứng viên, bổ nhiệm lại công chứng viên, quyền và nghĩa vụ của công chứng viên.
- Về tổ chức hành nghề công chứng: đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật về nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, Phòng công chứng, thành lập Phòng công chứng, chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng, Văn phòng công chứng, thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng, cung cấp thông tin về nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng, đăng báo nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng, thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng, chuyển nhượng Văn phòng công chứng, thu hồi quyết định cho phép thành lập, chấm dứt hoạt động Văn phòng công chứng, quyền của tổ chức hành nghề công chứng, nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng.
- Về hành nghề công chứng: đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật về hình thức hành nghề của công chứng viên, đăng ký hành nghề, thẻ công chứng viên, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên.
- Về thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch: đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật về công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn, công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản, thời hạn công chứng, địa điểm công chứng, chữ viết trong văn bản công chứng, lời chứng của công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng, việc ghi trang, tờ trong văn bản công chứng, sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch, người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản, công chứng hợp đồng ủy quyền, công chứng di chúc, công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, công chứng văn bản khai nhận di sản, công chứng văn bản từ chối nhận di sản, nhận lưu giữ di chúc, công chứng bản dịch.
- Về cơ sở dữ liệu công chứng và lưu trữ hồ sơ công chứng: đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật về cơ sở dữ liệu công chứng, hồ sơ công chứng, chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng, cấp bản sao văn bản công chứng.
- Về phí, thù lao công chứng, quản lý nhà nước về công chứng, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp: đề mục này được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật về phí công chứng, thù lao công chứng và chi phí khác, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về công chứng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng, xử lý vi phạm đối với công chứng viên, xử lý vi phạm đối với tổ chức hành nghề công chứng, xử lý vi phạm đối với người có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức hành nghề công chứng bất hợp pháp, xử lý vi phạm đối với người yêu cầu công chứng, giải quyết tranh chấp.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực công chứng đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực công chứng nói riêng. 
Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng Phòng Pháp điển hệ thống QPPL
Chung nhan Tin Nhiem Mang