Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư - một số quy định còn mẫu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư - một số quy định còn mẫu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp

Việc ban hành Luật Đầu tư năm 2005 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Cùng với Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực thi hành vào cùng một thời điểm (1/7/2006), đây là đầu tiên sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Những quy định của Luật Đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Sau 9 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Đến năm 2014, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư mới thay thế Luật Đầu tư năm 2005. So với Luật Đầu tư năm 2005, Luật Đầu tư năm 2014 có nhiều điểm mới, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở vững chắc cho Nhà nước quản lý hiệu quả hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, sau gần 01 năm triển khai thực hiện, Luật Đầu tư năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Và đến năm 2016, Quốc hội lại thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2014.
Để triển khai thi hành Luật Đầu tư, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, góp phần đưa Luật sớm đi vào cuộc sống. Với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay cơ bản đã đầy đủ, hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư được hiệu quả. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vẫn còn là một trong những hoạt động còn mới trong nền kinh tế của Viêt Nam và trong bối cảnh nước ta đang mở cửa về kinh tế, đẩy nhanh tiến độ hội nhập toàn cầu thì các quy định về đầu tư cũng cần thường xuyên phải thay đổi cho phù hợp. Hơn nữa, hệ thống pháp luật nói chung của chúng ta vẫn chưa được hoàn thiện, nhiều quy định trong Luật Đầu tư với các luật chuyên ngành khác còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn nhau, thậm chí có quy định còn lạc hậu, không còn phù hợp với thực tế…
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư hiện nay, ngoài Luật Đầu tư quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài thì có 04 Nghị định và 07 Thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này. Cụ thể:
- Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội và Luật số 03/2016/QH14 ngày 22/11/2016 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư;
- Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài; Thông tư 09/2015/TT-BKHĐT ngày 23/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài;
- Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư; Thông tư 09/2016/TT-BKHĐT ngày 30/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về công tác theo dõi, kiểm tra và đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT ngày 18/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định biểu mẫu thực hiện thủ tục đầu tư và báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam; Thông tư số 22/2015/TT-BKHĐT ngày 18/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định quy định về mẫu báo cáo và giám sát và đánh giá đầu tư; Thông tư 83/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;
- Nghị định 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; Thông tư 105/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghỉệp kinh doanh bảo hiểm; Thông tư 10/2016/TT-NHNN ngày 29/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Ngoài ra, còn có nhiều luật hay nghị định, thông tư khác có quy định liên quan đến hoạt động đầu tư. Đặc biệt là các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Về cơ bản, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực đầu tư cơ bản đầy đủ, bảo đảm cho hoạt động đầu tư kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, thông qua việc pháp điển đề mục Đầu tư, chúng ta nhận thấy rõ một số quy định trong Luật Đầu tư có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với Luật khác, thậm chí có quy định không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật như:
Thứ nhất, các nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Bộ luật Hàng hải Việt Nam
Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với lĩnh vực “xây dựng và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không” tại khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư là chưa rõ ràng cụ thể dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện (Điều 31. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định: Trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo pháp luật về đầu tư công và các dự án quy định tại Điều 30 của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sau đây:
1. Dự án không phân biệt nguồn vốn thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác;
b) Xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không;
c) Xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia;
d) Thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí;
đ) Hoạt động kinh doanh cá cược, đặt cược, casino;
e) Sản xuất thuốc lá điếu;
g) Phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế;
h) Xây dựng và kinh doanh sân gôn;”).
Trong khi đó, phạm vi xây dựng, kinh doanh cảng hàng không, sân bay; dự án kinh doanh vận tải hàng không bao gồm nhiều hoạt động như: thành lập hãng hàng không, thuê, mua tàu bay, khai thác bảo dưỡng tàu bay, bán vé, đặt chỗ.... Do đó, nếu bất kỳ dự án nào liên quan đến “xây dựng và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không” cũng phải xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và sửa chữa nâng cấp công trình của doanh nghiệp. Mặt khác, việc Luật Đầu tư quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án chuyên ngành là chưa phù hợp vì các dự án này gắn liền với hệ thống quy hoạch chuyên ngành, nhu cầu đầu tư và nguồn lực phát triển của ngành.
Theo quy định tại Điều 34 Luật Đầu tư thì thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ đang do cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư thực hiện dự án đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam thì Bộ Giao thông vận tải là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thực hiện việc kiểm tra, đánh giá sự đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Điều 110 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định việc xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ trước khi cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không là do Bộ Giao thông vận tải thực hiện. Như vậy, để tuân thủ pháp luật về đầu tư và pháp luật về hàng không dân dụng, Nhà đầu tư phải thực hiện 02 loại thủ tục hành chính để xin chấp thuận chủ trương của Thủ tướng chính phủ (thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư kinh doanh vận tải hàng không) (Luật Đầu tư) và thủ tục xin cấp thuận chủ trương cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam).
Tương tự như lĩnh vực hàng không thì hiện nay, Điều 31 của Luật Đầu tư cũng đang quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ đối với việc xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam thì hiện nay không có khái niệm cảng biển quốc gia, cảng biển được phân loại thành các loại: cảng biển đặc biệt, cảng biển loại I, cảng biển loại II, cảng biển loại III. Như vậy, dự án “xây dựng và kinh doanh cảng biển” thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ tại Luật Đầu tư cần phải được xác định rõ trên cơ sở các nội dung quy định tại Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Về lĩnh vực kinh doanh vận tải biển: Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư thì Thủ tướng chính phủ có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đối với các dự án trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển. Hiện nay, theo quy định của hệ thống pháp luật hàng hải thì kinh doanh vận tải biển bao gồm vận tải biển nội địa và vận tải biển quốc tế. Hơn nữa, theo quy định của Bộ Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 thì quyền vận tải biển nội địa là quyền được ưu tiên và phải đáp ứng các điều kiện do chính phủ quy định nhằm bảo hộ các đội tàu trong nước. Mặt khác kinh doanh vận tải biển (trừ vận tải nội địa) đã được mở trong cam kết WTO, như vậy quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật Đầu tư là chưa rõ ràng.
Thứ hai, nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh vào doanh nghiệp
Quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư là doanh nghiệp nhà nước tại điểm e, khoản 1 Điều 55 Luật Đầu tư quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài gồm: Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 57 của Luật này.
Điều 29 Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh vào doanh nghiệp quy định: “Trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội thì Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, trường hợp dự án đầu tư ra nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng chính phủ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư sau khi Thủ tướng chính phủ quyết định chủ trương đầu tư”. Quy định này dẫn đến sự mâu thuẫn về thành phần hồ sơ trình Thủ tướng chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Đầu tư với Điều 29 Luật Quản lý sử dụng vốn đầu tư sản xuất kinh doanh vào doanh nghiệp.
Thứ ba, nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Khoa học và công nghệ
 Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các tổ chức khoa học và công nghệ quy định khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư 2014: “Dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài”. Tuy nhiên, Luật Khoa học và công nghệ quy định việc thành lập tổ chức khoa học và công nghệ thuộc thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học công nghệ.
Thứ tư, nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường
Quy định chưa đồng bộ về trình tự thủ tục thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 quy định khác nhau về thời điểm thực hiện thủ tục phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Luật bảo vệ môi trường yêu cầu phải có phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, Luật Đầu tư không yêu cầu phải có quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trong hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Thứ năm, nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Đất đai năm 2014
Thời hạn tối đa được gia hạn đối với dự án đầu tư theo Điều 48 Luật Đầu tư là (24 tháng) và thời hạn gia hạn sử dụng đất theo Điều 64 Luật Đất đai là (48 tháng). Như vậy, có sự không thống nhất về việc gia hạn đối với dự án đầu tư tại Luật Đầu tư và Luật Đất đai.
Luật Đầu tư quy định các dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư gồm: Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đầu thầu và nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất. Nội dung này cần xem xét lại về sự cần thiết đối với các dự án chủ đầu tư thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án sử dụng đất tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, Khu đô thị…đã có quy hoạch phê duyệt. Vì vậy, cần sửa đổi quy định các dự án chủ đầu tư thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án sử dụng đất tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, Khu đô thị...đã có quy hoạch được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư.
Thứ sáu, nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở năm 2014
Luật nhà ở năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 có quy định không thống nhất về thẩm quyền và yêu cầu hồ sơ thực hiện dự án đầu tư. Luật Đầu tư năm 2014 quy định Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định dự án đầu tư nhưng Luật Nhà ở lại quy định là Sở Xây dựng là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thẩm định dự án đầu tư xây dựng nhà ở với quy định hồ sơ khác nhau.   
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 170 Luật Nhà ở “Đối với dự án xây dựng nhà ở khác thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật đầu tư. Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ”. Như vậy, quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở là không phù hợp.
Điều 171 của Luật Nhà ở quy định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở bổ sung một số loại tài liệu so với quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, bao gồm: (i) Văn bản chấp thuận chủ trương dự án xây dựng nhà ở, (ii) bản vẽ quy hoạch chi tiết khu vực có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Quy định này không thống nhất với Luật Đầu tư.
Thứ bảy, nội dung không thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật đất đai, Luật Đầu thầu Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất
 Quy định đối với dự án sử dụng đất thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án, quyết định chủ trương đầu tư, các quy định của Luật đầu tư, đất đai và đầu thầu không tương thích. Luật đất đai chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất; Luật đấu thầu chỉ quy định các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất; Luật đầu tư chỉ quy định các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, khi xem xét dự án, cơ quan nhà nước ở địa phương gặp khó khăn khi quyết định áp dụng hình thức nào trong các hình thức đấu giá, đấu thầu hay quyết định chủ trương đầu tư.       
Ngoài ra, còn một số quy định không phù hợp với thực tế gây khó khăn cho hoạt động đầu tư như: (1) Theo Luật Đầu tư năm 2014, quy định giãn tiến độ đầu tư chỉ áp dụng “Đối với dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư,…” và việc điều chỉnh dự án đầu tư được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do đó, đối với các dự án đã thực hiện đầu tư thuộc trường hợp không cần phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (theo Khoản 1 Điều 74 Luật Đầu tư năm 2014, thì Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư được xem như Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) theo Khoản 2 Điều 45 Luật Đầu tư năm 2005 (được cấp trước ngày Luật Đầu tư năm 2014 có hiệu lực thi hành) hoặc Khoản 2 Điều 74 Luật Đầu tư năm 2014, nay nhà đầu tư có yêu cầu giãn tiến độ đầu tư hoặc điều chỉnh dự án đầu tư thì cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư lại không có cơ sở pháp lý thực hiện. Bên cạnh đó, quy định về giãn tiến độ đầu tư không được hướng dẫn cụ thể trong Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn; do đó, thời gian qua, việc áp dụng quy định “Tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư” theo Khoản 3 Điều 46 Luật Đầu tư năm 2014 còn vướng mắc, bất cập, không thống nhất. Đó là, nhiều cơ quan quản lý về đầu tư chỉ cho phép nhà đầu tư thực hiện 01 lần giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng; có nơi lại cho phép nhà đầu tư thực hiện 02 đến 03 lần (thậm chí nhiều hơn 3 lần) giãn tiến độ với tổng thời gian không quá 24 tháng. Hơn nữa, thời gian giãn tiến độ 24 tháng đối với một dự án đầu tư là tương đối dài, song thực tiễn trong công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng,… của nhiều dự án phải kéo dài đến hơn 24 tháng. Do đó, quy định về giãn tiến độ đầu tư như trên là chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, ảnh hưởng đến công tác quản lý đầu tư của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giảm hiệu quả dự án đầu tư. (2) Khoản 1 Điều 62 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định “Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương được cấp trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 33 Nghị định này tại Cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…”. Như vậy, khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì “…Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương…” còn giá trị pháp lý hay không? Nếu còn, thì được sử dụng như thế nào? Còn không còn giá trị pháp lý thì có bị thu hồi không? Và cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền thu hồi trong khi hiện nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định hay hướng dẫn cụ thể.
Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL
Chung nhan Tin Nhiem Mang