Hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực “Nghệ thuật thứ 7”
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực “Nghệ thuật thứ 7”

Điện ảnh – “Nghệ thuật thứ 7” là lĩnh vực nghệ thuật duy nhất có quy phạm pháp luật điều chỉnh ban hành bằng văn bản luật của Quốc hội và được quan tâm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho sự hoạt động và phát triển. Luật điện ảnh 62/2006/QH11 ngày 29/06/2006 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007 (gọi tắt là Luật điện ảnh) đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18/06/2009 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2009. Hiện nay, Luật điện ảnh được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bởi 01 nghị định, 02 quyết định và 06 thông tư của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong đó có 01 quyết định đã được sửa đổi, bổ sung). Như vậy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tương đối ít, ổn định và thống nhật. Do đó, triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì pháp điển xong đề mục “Điện ảnh” (Đề mục số 06) thuộc chủ đề “Văn hóa, thể thao, du lịch” (Chủ đề số 41). Đến nay, đề mục này đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định thông qua ngày 13/01/2017 và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện, đang chờ trình Chính phủ thông qua để chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 08 chương theo cấu trúc của Luật điện ảnh và được pháp điển từ 09 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, cụ thể: (1) Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21/05/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/07/2010; (2) Quyết định số 14/2007/QĐ-BVHTTDL ngày 25/10/2007 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Ban hành Quy chế tuyển chọn phim tham dự Giải thưởng OSCAR dành cho phim nói tiếng nước ngoài, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/11/2007; (3) Quyết định số 49/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 09/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/08/2008, được sửa đổi bởi Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2016; (4) Thông tư số 08/2010/TT-BVHTTDL ngày 18/08/2010 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định phim của đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2010; (5) Thông tư số 11/2011/TT-BVHTTDL ngày 19/09/2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn thực hiện một số quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện ảnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011; (6) Thông tư số 16/2013/TT-BVHTTDL ngày 25/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Rạp chiếu phim, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/02/2014; (7) Thông tư số 20/2013/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2013 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định một số nội dung quản lý đối với hoạt động phổ biến phim có sử dụng hiệu ứng đặc biệt tác động đến người xem phim, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2014; (8) Thông tư số 08/2015/TT-BVHTTDL ngày 23/10/2015 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy đinh hoạt động của Đội chiếu phim lưu động thuộc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng hoặc Trung tâm Điện ảnh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. (9) Thông tư số 15/2016/TT-BVHTTDL ngày 27/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định kịch bản văn học đối với phim sử dụng ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2017.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Điện ảnh” như sau:
- Chương I Những quy định chung: Chương này bao gồm quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng của các văn bản quy phạm pháp luật trong Đề mục; các quy định về giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, bảo hộ quyền tác giả; quyền sở hữu tác phẩm; nội dung quản lý nhà nước về điện ảnh; cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh; khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điện ảnh; những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
- Chương II Cơ sở điện ảnh: Chương này bao gồm quy định về cơ sở điện ảnh; thành lập và quản lý doanh nghiệp điện ảnh; điều kiện thành lập doanh nghiệp điện ảnh; tiêu chuẩn và điều kiện làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp điện ảnh; đăng ký thành lập doanh nghiệp điện ảnh; tạm ngừng kinh doanh, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản doanh nghiệp điện ảnh.
- Chương III Sản xuất phim: Chương này bao gồm quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất phim; quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim; quyền và trách nhiệm của biên kịch; đạo diễn và các thành viên khác trong đoàn làm phim; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim, quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp dịch vụ sản xuất phim; cấp giấy phép hợp tác; liên doanh sản xuất phim; cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức cá nhân nước ngoài, sản xuất phim đặt hàng; sản xuất phim truyền hình.
- Chương IV Phát hành phim: Chương này bao gồm quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành phim; quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc doanh nghiệp phát hành phim; bán, cho thuê phim, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim; hộ gia đình in sang, nhân bản, bán, cho thuê phim.
- Chương V Phổ biến phim: Chương này bao gồm quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở chiếu phim; quyền và trách nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc cơ sở chiếu phim; chiếu phim lưu động; phát sóng phim trên hệ thống truyền hình; phổ biến phim trên Internet; khai thác phim từ vệ tinh; giấy phép phổ biến phim; thẩm quyền cấp giấy phép phổ biến phim; hội đồng thẩm định phim; quảng cáo phim; tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim; tổ chức liên hoan phim truyền hình; văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài.
- Chương VI Lưu chiểu phim, lưu trữ phim: Chương này bao gồm các quy định về lưu chiểu phim; lưu trữ phim; quyền và nghĩa vụ của cơ sở lưu trữ phim.
- Chương VII Thanh tra và xử lý vi phạm: Chương này bao gồm quy định về thanh tra điện ảnh; hành vi vi phạm trong sản xuất phim; cung cấp dịch vụ sản xuất phim; hành vi vi phạm trong phát hành phim; hành vi vi phạm trong phổ biến phim; hành vi vi phạm trong lưu chiểu phim, lưu trữ phim; xử lý vi phạm pháp luật về điện ảnh.
- Chương VIII Điều khoản thi hành: Chương này bao gồm quy định về tổ chức thực hiện; hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp của các văn bản quy phạm pháp luật trong Đề mục.
Nhìn chung, các quy định về điện ảnh đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong hội nhập, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào điện ảnh tại Việt Nam; thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế với các chuẩn mực chung, phù hợp. Với cơ chế pháp luật rõ ràng, mang tính quốc tế, đảm bảo cho hoạt động điện ảnh hòa nhập với xu hướng phát triển chung của quốc tế nhưng vẫn giữ chủ quyền quốc gia, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, một số chính sách dành cho ngành điện ảnh hiện nay chưa được quan tâm thích đáng và cần thay đổi.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực điện ảnh đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần hoàn hiện, nâng cao hệ thống pháp luật.
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang