Cấu trúc của Bộ pháp điển
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cấu trúc của Bộ pháp điển

Về cơ bản, Pháp lệnh pháp điển và các văn bản quy định chi tiết thi hành như: Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Thông tư số 13/2014/TT-BQP ngày 29/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ để và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển đã quy định một cách cụ thể về cấu trúc của Bộ pháp điển. Qua đó, có thể khai quát cấu trúc Bộ pháp điển như sau:
Điều 6 Pháp lệnh pháp điển quy định Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Trong mỗi đề mục, tùy theo nội dung có thể có phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm. Trong Bộ pháp điển, đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều được đánh số thứ tự, trường hợp có liên quan đến nội dung khác của Bộ pháp điển thì phải được chỉ dẫn. Các điều trong Bộ pháp điển được ký hiệu để phân biệt hình thức văn bản quy phạm pháp luật và được ghi chú để nhận biết điều của văn bản quy phạm pháp luật được pháp điển.
Trong đó:
Thứ nhất: Chủ đề là bộ phận cấu thành của Bộ pháp điển, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực (trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục). Tên mỗi chủ đề được xác lập theo quy định tại Điều 7 Pháp lệnh pháp điển (được sắp xếp theo trật tự alfabe).
Ví dụ: Pháp lệnh pháp điển quy định các chủ đề được sắp xếp theo thứ tự như sau: Chủ đề số 1: An  ninh, quốc gia; Chủ đề số 2: Bảo hiểm; Chủ đề số 3: Bưu chính, viễn thông…
Trong đó, Chủ đề số 2 “Bảo hiểm” chứa đựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội về bảo hiểm như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh doanh bảo hiểm.
Ngoài 45 chủ đề theo quy định hiện nay thì trong một số trường hợp có thể thêm hoặc bớt các đề mục. Cụ thể, Khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh pháp điển và Điều 1 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội chưa thuộc các chủ đề đã có trong Bộ pháp điển thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề. Chủ đề bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau chủ đề cuối cùng đã có trong Bộ pháp điển.
Thứ hai, Đề mục là bộ phận cấu thành chủ đề, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội thuộc chủ đề. Theo tên gọi của từng đề mục, các đề mục trong mỗi chủ đề được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt và được đánh số theo chữ số Ả rập, bắt đầu từ số 1.
Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục (265 đề mục thuộc 45 chủ đề).
Ví dụ: Trong chủ đề “Dân sự” (chủ đề số 9) có các đề mục sau: (1) Đề mục “Dân sự” (thứ tự 1): tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Bộ luật Dân sự; (2) Đề mục “Đăng ký giao dịch bảo đảm” (thứ tự số 2): tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm; (3) Đề mục “Giao dịch bảo đảm”: tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.
Ngoài 265 đề mục theo Quyết định số 843/QĐ-TTg thì Khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh pháp điển quy định: Trong trường hợp có quy phạm pháp luật mới được ban hành chưa thuộc đề mục đã có trong Bộ pháp điển, cơ quan được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh pháp điển đề xuất tên đề mục, vị trí của đề mục gửi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung đề mục và phân công cơ quan thực hiện.
Thứ 3, Phần, chương, mục, tiểu mục là bộ phận cấu thành của đề mục, chứa đựng các điều của Bộ pháp điển. Các phần, chương, mục, tiểu mục của đề mục cơ bản được cấu trúc theo các phần, chương, mục, tiểu mục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cấu trúc của đề mục (các Phần, chương, mục, tiểu mục) có thể thay đổi như: (1) Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ một phần của của bản làm thay đổi cấu trúc ban đầu của văn bản được sửa đổi, bổ sung; (2) Trường hợp các điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không sắp xếp được theo quy định tại Điều 11 của Nghị định Nghị định số 63/2013/NĐ-CP thì có thể bổ sung thêm cấu trúc tương ứng cho phù hợp (Phần, chương, mục, tiểu mục). Vị trí phần, chương, mục bổ sung được sắp xếp ngay sau phần, chương, mục có nội dung liên quan nhất.
Ví dụ: Đề mục Kinh doanh bảo hiểm được pháp điển bởi 24 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và các văn bản dưới luật quy định về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24/11/2010 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2011. Trường hợp này, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 không làm thay đổi cấu trúc của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Do vậy, cấu trúc của đề mục được lấy cấu trúc 09 Chương của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (cũng như cấu trúc từ văn bản hợp nhất Luật số 24/2000/QH10 kinh doanh bảo hiểm ngày 09/12/2000 của Quốc hội và Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24/11/2010 của Quốc hội gồm: Chương I Những quy định chung; Chương II Hợp đồng bảo hiểm; Chương III Doanh nghiệp bảo hiểm; Chương IV Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; Chương V Tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính; Chương VI Doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài; Chương VII Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; Chương VIII Khen thưởng và xử lý vi phạm; Chương IX Điều khoản thi hành.
Tuy nhiên, trong các văn bản có nội dung thuộc đề mục Kinh doanh bảo hiểm thì có một số văn bản quy định về bảo hiểm bắt buộc trong các lĩnh vực cụ thể như: Nghị định số 130/2006/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ; Nghị định 214/2013/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Nghị định số 102/2011/NĐ-CP về trách nhiệm bảo hiểm trong khám, chữa bệnh; Thông tư số 13/2012/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về bảo hiểm bắt buộc bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường đối với tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ; Thông tư số 115/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về chính sách bảo hiểm trong lĩnh vực thủy sản; Nghị định số 119/2015/NĐ-CP quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Trong trường hợp này, việc bổ sung thêm một Chương là cần thiết để pháp điển các văn bản quy định về bảo hiểm bắt buộc trong các lĩnh vực cụ thể vào. Như vậy, ở đề mục Kinh doanh Bảo hiểm đã bổ sung 01 Chương (Chương 8 Bảo hiểm bắt buộc trong các lĩnh vực). Khi đó, Chương 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm thành Chương 9 của đề mục; Chương 9 của Luật Kinh doanh bảo hiểm thành Chương 10 của đề mục.
Thứ tư, Điều là bộ phận cấu thành của phần, chương, mục, tiểu mục trong Bộ pháp điển; nội dung của mỗi điều trong Bộ pháp điển là nội dung của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển. Số của điều trong Bộ pháp điển được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP. Các điều trong Bộ pháp điển được ghi chú để chỉ rõ điều của văn bản quy phạm pháp luật được pháp điển. Điều có cấu trúc gồm: số Điều; tên Điều; nội dung của Điều; ghi chú và chỉ dẫn trong Điều. Trong đó:
- Số của Điều: các điều của văn bản khi đưa vào Bộ pháp điển được ghi lại số theo quy định tại Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP “Số thứ tự của chủ đề; dấu chấm; số thứ tự của đề mục; dấu chấm; ký hiệu về hình thức của văn bản được pháp điển; dấu chấm; số thứ tự của văn bản đối với văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (nếu có); dấu chấm; số của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển; dấu chấm”.
- Tên của Điều: Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định tên gọi của điều trong Bộ pháp điển là tên gọi của điều tương ứng trong văn bản được pháp điển.
Ví dụ:  Điều 12.1.NĐ.15.8. Thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty  
 Trong đó:
12 là số Chủ đề
1 là số Đề mục
NĐ là ký hiệu văn bản
15 là số thứ tự của văn bản
8 là số của Điều trong văn bản
Thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty: tên của Điều trong văn bản
- Ghi chú của Điều: là việc ghi rõ từng điều của Bộ pháp điển tương ứng với điều nào trong văn bản sử dụng để pháp điển. Tại điều đầu tiên của mỗi văn bản được pháp điển thì phải ghi chú đầy đủ các thành phần quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP; đối với các điều tiếp theo, thì chỉ ghi chú số thứ tự của điều; số, ký hiệu, thời điểm có hiệu lực của văn bản. Trường hợp nội dung của điều trong văn bản được pháp điển bị sửa đổi, bổ sung thì bổ sung phần ghi chú về nội dung sửa đổi, bổ sung, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực của văn bản. Ghi chú được đặt trong ngoặc đơn ở dòng kế tiếp sau dòng về tên gọi của điều trong Bộ pháp điển bằng chữ in nghiêng, có cỡ chữ nhỏ hơn cỡ chữ của điều được ghi chú.
Ví dụ:
+ Đối với Điều đầu tiên của văn bản được pháp vào đề mục thì ghi chú: (Điều 1 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP về việc quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức bảo hiểm tương hỗ ngày 24/02/2005 của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2005);
+ Đối với Điều thứ 2 trở đi của văn bản được pháp vào đề mục thì ghi chú: (Điều 1 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2005);
+ Đối với Điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung thì ghi chú: (Điều 5 Nghị định số 18/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2005, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định số 1 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014)
+ Đối với Điều bị hủy bỏ/bãi bỏ một phần nội dung thì được ghi chú: (Điều n Nghị định số 18/2005/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/3/2005, có nội dung được hủy bỏ/bãi bỏ bởi Điều m Nghị định số 1 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2014)
+ Đối với Điều bị hủy bỏ/bãi bỏ toàn bộ nội dung của Điều thì việc ghi chú được chia ra thành các trường hợp như: (1) Đối với Điều được pháp điển từ văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong đề mục thì Điều đó trong Bộ pháp điển được giữ nguyên số, tên Điều và bỏ toàn bộ nội dung. Sau số, tên Điều thì được ghi chú  (Điều n Luật số 24/2000/QH10 kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành ngày 01/4/2001 được hủy bỏ/bãi bỏ bởi Điều m Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ngày 24/11/2010 của Quốc hội, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2011). (2) Đối với Điều được pháp điển từ văn bản không phải là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong đề mục thì Điều được loại bỏ toàn bộ cả số Điều, tên Điều, nội dung của Điều ra khỏi Bộ pháp điển và không được ghi chú.
- Chỉ dẫn các Điều có nội dung liên quan đến nhau: Các điều quy định về cùng một nội dung nhưng không được sắp xếp với nhau mà được sắp xếp vào các vị trí xa nhau, các đề mục khác nhau thì các điều này được chỉ dẫn là “có nội dung liên quan”. Điều 6 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định Chỉ dẫn là việc chỉ ra các đề mục, phần, chương, mục hoặc điều của Bộ pháp điển có nội dung liên quan trực tiếp đến nhau, tùy từng trường hợp, việc chỉ dẫn được thực hiện giữa các đề mục, phần, chương, mục hoặc điều của Bộ pháp điển. Chỉ dẫn được đặt trong ngoặc đơn, ngay sau nội dung được chỉ dẫn bằng chữ in nghiêng, có cỡ chữ nhỏ hơn cỡ chữ của nội dung được chỉ dẫn. Như vậy, việc chỉ dẫn là sự xác định các nội dung trong Bộ pháp điển có liên quan đến nhau. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các bộ, ngàng đang tiến hành xây dựng Bộ pháp điển. Tức là còn nhiều văn bản chưa được đưa vào Bộ pháp điển. Do đó, Điều Điều 13 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định: (1) Trường hợp phần, chương, mục, điều của các văn bản được pháp điển có nội dung liên quan đến phần, chương, mục, điều của văn bản khác thì cơ quan thực hiện pháp điển ghi rõ số thứ tự, tên gọi của phần, chương, mục, điều, số, ký hiệu, tên gọi, ngày tháng năm ban hành của văn bản khác đó bằng chữ in nghiêng và được đặt trong ngoặc đơn vào cuối phần, chương, mục, điều của văn bản được pháp điển. (2) Trường hợp phần, chương, mục hoặc điều của văn bản được pháp điển có nội dung liên quan đến phần, chương, mục hoặc điều của đề mục đã có trong Bộ pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển ghi rõ số thứ tự, tên gọi của phần, chương, mục hoặc điều của đề mục đó bằng chữ in nghiêng và được đặt trong ngoặc đơn, ở cuối phần, chương, mục, điều của văn bản được pháp điển.
Ví dụ:
+ Đối với trường hợp liên quan đến điều trong văn bản chưa được pháp điển thì ghi chú: (Điều này có nội dung liên quan đến Điều 9. Bảo hiểm cháy, nổ của Luật 27/2001/QH10 Phòng cháy và chữa cháy ban hành ngày 29/6/2001)
+ Đối với trường hợp liên quan đến điều trong văn bản đã được pháp điển thì ghi chú: (Điều này có nội dung liên quan đến Điều 2.3.NĐ.40. Thủ tục phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm)
- Nội dung của Điều: Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh pháp điển quy định nguyên tắc thực hiện pháp điển “Không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển”. Tức là ta đưa nguyên nội dung của điều trong văn bản được sử dụng để đưa vào Bộ pháp điển mà không được chỉnh sửa. Hay có thể thể hiểu nội dung của Điều trong Bộ pháp điển là nội dung của Điều tương ứng trong văn bản sử dụng để pháp điển.
Thứ năm, cách viết tên Phần, Chương, Mục, Tiểu mục:
- Chữ Bộ pháp điển được viết in hoa, đậm: BỘ PHÁP ĐIỂN
- Tên Chủ đề được ghi số thứ tự (chữ số Ả Rập) của Chủ đề, viết chữ thường và in đậm: Chủ đề số 1: An ninh quốc gia
- Tên Đề mục được ghi số thứ tự (chữ số Ả Rập) của Đề mục, viết chữ thường: Đề mục số 7: Cơ yếu
- Tên của Phần được ghi số thứ tự của Phần, viết chữ thường, in đậm: Phần Thứ ba:....
- Tên của Chương được ghi số thứ tự (chữ số La Mã) của Chương, viết chữ hoa: Chương I QUY ĐỊNH CHUNG
- Tên của Mục được ghi số thứ tự (chữ số Ả Rập) của Mục, viết chữ hoa: Mục 1 ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
- Tên của Tiểu mục được ghi số thứ tự (chữ số Ả Rập) của Tiểu mục, viết chữ hoa: Tiểu mục 1 ....
Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL
Chung nhan Tin Nhiem Mang