Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong lĩnh vực An ninh quốc gia
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong lĩnh vực An ninh quốc gia

Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công an là đơn vị được giao chủ trì thực hiện pháp điển đề mục An ninh quốc gia (Đề mục số 01 thuộc Chủ đề số 01 An ninh quốc gia). Đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục An ninh quốc gia, đồng thời đề mục này cũng đã được tổ chức họp thẩm định theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và trình Bộ Tư pháp để kiểm tra, sắp xếp vào Chủ đề trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Đề mục An ninh quốc gia có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật An ninh quốc gia năm 2004 gồm 05 Chương, 36 Điều. Bên cạnh đó, đề mục An ninh quốc gia còn được pháp điển từ các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 12 văn bản, bao gồm: Nghị định số 16/2006/NĐ-CP Quy định về việc khôi phục danh dự, đền bù, trợ cấp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do tham gia bảo vệ an ninh quốc gia; Nghị định số 38/2006/NĐ-CP Về Bảo vệ dân phố; Nghị định số 127/2006/NĐ-CP Quy định về bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 35/2011/NĐ-CP  Về biện pháp pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Nghị định số 06/2013/NĐ-CP Quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Nghị định số 06/2014/NĐ-CP Về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/04/2006 của Chính phủ về Bảo vệ dân phố; Thông tư số 46/2014/TT-BCA Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Thông tư số 08/2016/TT-BCA Quy định trang phục cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA Hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA Quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính.
Đề mục An ninh quốc gia quy định về chính sách an ninh quốc gia; nguyên tắc, nhiệm vụ, biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia. Nội dung cụ thể trong mỗi chương của đề mục An ninh quốc gia như sau:
Chương I bao gồm các điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ của các văn bản được sử dụng để pháp điển vào đề mục An ninh quốc gia. Ngoài ra, Chương này còn quy định về Chính sách an ninh quốc gia (Chính sách về an ninh quốc gia của Nhà nước CHXHCN Việt Nam được quy định như sau: (i)Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị, mở rộng giao lưu và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. (ii) Nhà nước có chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng, đối ngoại vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị để bảo đảm an ninh quốc gia); Nguyên tắc hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia (Bảo vệ an ninh quốc gia được thực hiện theo các nguyên tắc như sau: (i). Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (ii) Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia làm nòng cốt; (iii) Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; phối hợp có hiệu quả hoạt động an ninh, quốc phòng và đối ngoại; (iv) Chủ động phòng ngừa, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia); Xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia (Lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm: lực lượng công an xã, dân quân tự vệ, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ dân phố, dân phòng); Bảo đảm điều kiện cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia; Trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia; Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia (bao gồm  các chế độ như: Khôi phục danh dự, đền bù, trợ cấp; Quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại; Thiệt hại về tài sản được đền bù; Trợ cấp cho người bị thiệt hại về sức khoẻ; Trợ cấp cho trường hợp người bị thiệt hại về tính mạng; Chế độ chính sách đối với Bảo vệ dân phố;  Chế độ, chính sách đối với nhân viên bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị; Chế độ, chính sách của nhân viên bảo vệ tại cơ quan, doanh nghiệp khác; Chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự); Tuyên truyền, giáo dục bảo vệ an ninh quốc gia; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia; Chính sách xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; Các hành vi bị nghiêm cấm (Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm: (1). Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, khống chế, kích động, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo người khác nhằm chống chính quyền nhân dân, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chia cắt đất nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. (2). Nhận nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tham gia, giúp sức, cung cấp tài chính, vũ khí, phương tiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. (3) Thu thập, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tiết lộ, cung cấp, tán phát trái phép tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước. (4) Xâm phạm mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia; (5) Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; (6) Lợi dụng việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; (7) Hành vi khác xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Bộ luật hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan).
Chương II quy định về Bảo vệ an ninh quốc gia. Chương này gồm 08 Điều quy định về những nội dung cơ bản  như sau: Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; Các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia (Các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang); Xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong bảo vệ an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong bảo vệ an ninh quốc gia; Bảo vệ an ninh quốc gia khi có tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh; Áp dụng một số biện pháp cần thiết khi có nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp.
Chương III quy định về Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia. Chương này bao gồm 07 Điều quy định những nội dung cơ bản như sau: Các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia (Các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia bao gồm:a) Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh vệ Công an nhân dân;b) Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị bảo vệ an ninh quân đội, tình báo Quân đội nhân dân;c) Bộ đội biên phòng, cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và khu vực biên giới trên biển); Nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; Quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia;  Quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; Trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; Chế độ quản lý thông tin, tài liệu, đồ vật về bảo vệ an ninh quốc gia (Thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia hoặc do cơ quan này thu thập được thuộc bí mật nhà nước và được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước); Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia (Cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia được tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, được phong, thăng hàm, cấp lực lượng vũ trang nhân dân và hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật).
Chương IV gồm 06 Điều quy định về Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia. Cụ thể Chương này quy định những nội dung cơ  bản như sau:  Nội dung quản lý nhà nước về an ninh quốc gia (bao gồm các nội dung như: (i) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia; ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia. (ii) Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia. (iii) Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia. (iv) Tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, đào tạo cán bộ làm công tác bảo vệ an ninh quốc gia; bồi dưỡng kiến thức bảo vệ an ninh quốc gia cho cán bộ chủ chốt của các cơ quan, tổ chức; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về bảo vệ an ninh quốc gia; xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia. (v)  Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. (vi) Hợp tác quốc tế về bảo vệ an ninh quốc gia); Thống nhất quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia; Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về an ninh quốc gia.
Chương V bao gồm các quy định về hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; trách nhiệm thi hành; tổ chức thực hiện của các văn bản được sử dụng để pháp điển vào đề mục An ninh quốc gia.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xác định danh mục các văn bản có nội dung liên quan đến đề mục An ninh quốc gia như: Luật Phòng cháy, chữa cháy 205, Bộ luật Tố tụng hình sự 2003; Luật Công an nhân dân 2014; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008; Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước 2000; Nghị định số 25/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Nghị định số 31/2013/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Thông tư số 20/2010/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23-4-2009 quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan….
Có thể nói, thông qua việc pháp điển đề mục An ninh quốc gia, đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về An ninh quốc gia đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. 
Nguyễn Thị Trà
Chung nhan Tin Nhiem Mang