Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Đa dạng sinh học
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Đa dạng sinh học

Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Đa dạng sinh học (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 21). Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Đa dạng sinh học, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Môi trường”.
Đề mục Đa dạng sinh học có cấu trúc được xây dựng theo cấu trúc của Luật đa dạng sinh học năm 2008 gồm 08 chương với 78 điều. Theo đó, đề mục Đa dạng sinh học được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 14 văn bản (01 Luật, 04 Nghị định, 02 Quyết định và 07 Thông tư, Thông tư liên tịch), cụ thể như sau: Luật 20/2008/QH12 Đa dạng sinh học; Nghị định 65/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học; Nghị định 69/2010/NĐ-CP Về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen và Nghị định 108/2011/NĐ-CP Sửa đổi một số điều Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen; Nghị định 160/2013/NĐ-CP Về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nghị định 59/2017/NĐ-CP Về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; Quyết định 79/2007/QĐ-TTg Phê duyệt "Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học"; Quyết định 102/2007/QĐ-TTg Về việc phê duyệt "Đề án tổng thể tăng cường năng lực quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen và sản phẩm, hàng hoá có nguồn gốc từ sinh vật biến đổi gen từ nay đến năm 2010 thực hiện Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học"; Thông tư 09/2012/TT-BTNMT Quy định việc cung cấp, trao đổi thông tin và dữ liệu về sinh vật biến đổi gen; Thông tư 08/2013/TT-BTNMT Quy định trình tự, thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận an toàn sinh học đối với cây trồng biến đổi gen; Thông tư 13/2013/TT-BTNMT Quy định Quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật trong phát hiện sinh vật biến đổi gen bằng phương pháp phân tích định tính, định lượng axít deoxyribonucleic; Thông tư 14/2013/TT-BTNMT Quy định về quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế-kỹ thuật thiết kế, xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng tại hệ sinh thái đất ngập nước ven biển; Thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT Quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại; Thông tư 25/2016/TT-BTNMT Hướng dẫn mẫu đơn đăng ký, giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và mẫu báo cáo tình trạng bảo tồn loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Thông tư 50/2016/TT-BTNMT Quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định loài động vật hoang dã, thực vật hoang dã thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Đa dạng sinh học” như  sau:
- Chương I gồm 07 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học: Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân. Kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học; giữa bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý đa dạng sinh học với việc xóa đói, giảm nghèo. Bảo tồn tại chỗ là chính, kết hợp bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ. Tổ chức, cá nhân hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng đa dạng sinh học phải chia sẻ lợi ích với các bên có liên quan; bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học; Chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học: Ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái, bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; bảo đảm kiểm soát việc tiếp cận nguồn gen. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động điều tra cơ bản, quan trắc, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học của Nhà nước; bảo đảm sự tham gia của nhân dân địa phương trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Khuyến khích và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, tri thức truyền thống vào việc bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học. Phát triển du lịch sinh thái gắn với việc xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; phát triển bền vững vùng đệm của khu bảo tồn. Phát huy nguồn lực trong nước, ngoài nước để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; Trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; Những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học.
- Chương II gồm 02 mục với 08 điều quy định về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, cụ thể như sau: Mục 1 quy định về quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước như: Căn cứ lập quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; Nội dung quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước; Lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của bộ, cơ quan ngang bộ; Công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Mục 2 quy định về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như: Căn cứ lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Nội dung quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Lập, thẩm định, thông qua, điều chỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Chương III gồm 02 mục với 21 điều quy định bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên. Cụ thể, Mục 1 quy định về khu bảo tồn như: Khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn; Vườn quốc gia; Khu dự trữ thiên nhiên; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh; Khu bảo vệ cảnh quan; Nội dung của dự án thành lập khu bảo tồn; Lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia; Quyết định thành lập khu bảo tồn cấp quốc gia; Lập, thẩm định dự án thành lập khu bảo tồn và quyết định thành lập khu bảo tồn cấp tỉnh; Sử dụng đất trong khu bảo tồn; Phân khu chức năng và ranh giới khu bảo tồn; Trách nhiệm quản lý khu bảo tồn; Tổ chức quản lý khu bảo tồn; Quyền và trách nhiệm của Ban quản lý, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn; Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong khu bảo tồn; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn; Quản lý vùng đệm của khu bảo tồn; Báo cáo về hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn. Mục 2 quy định về phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên như: Điều tra, đánh giá và xác lập chế độ phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên; Phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên vùng đất ngập nước tự nhiên; Phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên trên vùng núi đá vôi và vùng đất chưa sử dụng không thuộc hệ sinh thái rừng.
- Chương IV gồm 03 mục với 18 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, cụ thể như sau:
+ Mục 1 quy định về bảo vệ loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như: Loài được đưa vào Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bao gồm loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Giống cây trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm nguy cấp, quý, hiếm; Đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Thẩm định hồ sơ đề nghị đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Quyết định loài được đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: Khu vực có loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 37 của Luật đa dạng sinh học sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa phải được điều tra, đánh giá để lập dự án thành lập khu bảo tồn. Nhà nước thành lập hoặc giao cho tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học để bảo tồn loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Việc đưa loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào nuôi, trồng tại cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và việc thả loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ từ cơ sở cứu hộ vào nơi sinh sống tự nhiên của chúng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đưa loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ vào cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học hoặc thả vào nơi sinh sống tự nhiên của chúng.
+ Mục 2 quy định về phát triển bền vững các loài sinh vật như: Thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên; Nuôi, trồng loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, tặng cho, lưu giữ, vận chuyển các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và mẫu vật di truyền, sản phẩm của chúng; Cứu hộ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Bảo vệ giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng; Bảo vệ loài vi sinh vật và nấm đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe doạ tuyệt chủng.
+ Mục 3 quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại như: Điều tra và lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại; Kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại, sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai; Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại; Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại; Công khai thông tin về loài ngoại lai xâm hại.
- Chương V gồm 03 mục với 14 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền. Cụ thể, Mục 1 quy định về quản lý, tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ nguồn gen như: Quản lý nguồn gen; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý nguồn gen; Trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn gen; Hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; Giấy phép tiếp cận nguồn gen; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen; Chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen. Mục 2 quy định về lưu giữ, bảo quản mẫu vật di truyền; đánh giá nguồn gen; quản lý thông tin về nguồn gen; bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen như: Lưu giữ và bảo quản mẫu vật di truyền; Điều tra, thu thập, đánh giá, cung cấp, quản lý thông tin về nguồn gen; Bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen. Mục 3 quy định về quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học như: Trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học; Lập, thẩm định báo cáo đánh giá rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học; cấp giấy chứng nhận an toàn của sinh vật biển đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biển đổi gen đối với đa dạng sinh học; Công khai thông tin về mức độ rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học; Quản lý cơ sở dữ liệu về sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen liên quan đến đa dạng sinh học.
- Chương VI gồm 02 điều quy định hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học, cụ thể như sau: Hợp tác quốc tế và việc thực hiện điều ước quốc tế về đa dạng sinh học: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cam kết thực hiện điều ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và mở rộng hợp tác về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học với các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài; Hợp tác quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học được thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục đích bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, bảo đảm cân bằng sinh thái ở Việt Nam và trên trái đất; Hợp tác với các nước có chung biên giới với Việt Nam.
- Chương VII gồm 05 điều quy định về cơ chế, nguồn lực bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học như: (1) Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, quản lý thông tin, số liệu về đa dạng sinh học: Nhà nước đầu tư cho việc điều tra cơ bản hệ sinh thái tự nhiên, loài hoang dã, giống cấy trồng, giống vật nuôi, vi sinh vật và nấm, nguồn gen có giá trị phục vụ công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học. Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ công tác bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội; (2) Báo cáo về đa dạng sinh học: Báo cáo về đa dạng sinh học là một phần của Báo cáo môi trường quốc gia. Báo cáo về đa dạng sinh học phải có các nội dung chủ yếu sau đây: Hiện trạng và diễn biến của các hệ sinh thái tự nhiên chủ yếu; Hiện trạng, vùng phân bố, số lượng cá thể ước tính, đặc điểm của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, sinh vật biến đổi gen và  loài ngoại lai xâm hại; Thực trạng bảo tồn đa dạng sinh học; áp lực, thách thức đối với đa dạng sinh học; Yêu cầu đặt ra đối với đa dạng sinh học; Đánh giá lợi ích của bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học đối với phát triển kinh tế - xã hội; Giải pháp và kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng báo cáo về đa dạng sinh học; (3) Tài chính cho việc bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học; (4) Dịch vụ môi trường liên quan đến đa dạng sinh học; (5) Bồi thường thiệt hại về đa dạng sinh học.
- Chương VIII gồm 03 điều quy định về điều khoản thi hành như: quy định chuyển tiếp; hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Đa dạng sinh học còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Đa dạng sinh học đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Đa dạng sinh học đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Qua đó có thể thấy hệ thống pháp luật về Đa dạng sinh học đã và đang từng bước được hoàn thiện và ổn định./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang