Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Bộ đội biên phòng
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Bộ đội biên phòng

Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Quốc phòng là đơn vị được giao chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Bộ đội biên phòng (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 25 Quốc phòng). Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo chủ đề “Quốc phòng”.
Đề mục Bộ đội biên phòng có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng năm 1997 gồm 07 Chương, 33 Điều. Bên cạnh đó, đề mục Bộ đội biên phòng còn được pháp điển từ các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 12 văn bản, bao gồm: (1) Pháp lệnh về Bộ đội Biên phòng ngày 29/3/1997; (2) Nghị định số 78-CP ngày 18/6/1997 của Chính phủ Quy định quân hiệu, cấp hiệu, lễ phục, quân kỳ, phù hiệu kiểm soát, biển công tác, cờ hiệu, giấy chứng minh của Bộ đội Biên phòng; (3) Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 06/01/1998 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; (4) Nghị định số 89/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về hoạt động đối ngoại biên phòng; (5) Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 03/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện  biên phòng điện tử cảng biển; (6) Thông tư số 2866/1998/TT-BQP ngày 12/9/1998 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thi hành Nghị định 02/1998/ NĐ-CP ngày 6/01/1998 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; (7) Thông tư liên tịch số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 08/7/1998 của Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội-Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số chế độ chính sách đối với Bộ đội Biên phòng và Thông tư liên tịch số 35/2004/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 24/3/2004 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính về Sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Thông tư liên tịch số 2076/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 08/7/1998 của Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội-Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số chế độ chính sách đối với Bộ đội Biên phòng; (8) Chỉ thị 558/1998/CT-BQP ngày 05/5/1998 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tổ chức thực hiện Pháp lệnh và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng; (9) Thông tư số 02/2012/TT-BQP ngày 13/01/2012 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 89/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về hoạt động đối ngoại biên phòng; (10) Thông tư số 49/2017/TT-BQP ngày 08/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg ngày 03/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển; (11) Quyết định số 2512/2001/QĐ-BQP ngày 17/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Ban hành Quy định quan hệ giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ Tư lệnh Hải quân; giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, Hải đoàn Biên phòng với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố, Bộ Chỉ huy Vùng Hải quân trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tác chiến; (12) Quyết định số 182/2008/QĐ-BQP ngày 27/12/2008 của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện chế độ đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ tăng cường các xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Bộ đội biên phòng” như  sau:
- Chương I gồm 04 điều quy định về các vấn đề chung như: Xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, là nghĩa vụ của toàn dân; Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới; Bộ đội Biên phong đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là đảng uỷ quân sự Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng; Bộ đội biên phòng hoạt động theo pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và theo các điều ước Quốc tế có liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam ký kết tham gia; Cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và góp phần xây dựng Bộ đội biên phòng vững mạnh.
- Chương II quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội biên phòng. Chương này gồm 13 Điều quy định về những nội dung cơ bản như sau: (1) Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới Quốc gia, hệ thống dấu hiệu mốc quốc giới; đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, vượt biển, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trộm tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, gây hại đến môi trường ở khu vực biên giới; chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu; (2) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên khu vực biên giới đất liền, các hải đảo, vùng biển mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; kiểm soát việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới; (3) Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, các bọn phản cách mạng, gián điệp, thổ phỉ, hải phỉ, biệt kích, các tội phạm khác xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển; (4) Bộ đội biên phòng phối hợp với các đơn vị khác của các lục lượng vũ trang nhân dân và dựa vào nhân dân xây dượng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới vững mạnh; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống gây xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược; (5) Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ trực tiếp và phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển theo quy định của pháp luật; (6) Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới; (7) Bộ đội biên phòng được bố trí lực lượng và cơ động trong khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu; được trang bị và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ an ninh, các loại phương tiện, vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ và xây dựng các công trình bảo vệ biên giới quốc gia theo yêu cầu nhiệm vụ; (8) Bộ đội biên phòng tiến hành hoạt động điều tra tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; (9) Trong trường hợp chiến đấu truy, truy lùng, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội, cấp cứu người bị nạn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng được sử dụng các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, kể cả người điều khiển phương tiện của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân; trừ phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt nam; (10) Để đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn tính mạng của nhân dân, ngăn chặn dịch bệnh lan truyền, theo quyền hạn do Chính phủ quy định, người chỉ huy Bộ đội biên phòng được quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động cũng như việc qua lại biên giới ở những khu vực nhất định, trừ trường hợp luật có quy định khác và phải báo cáo ngay lên cấp có thẩm quyền, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định đó; (11) Trong khi thi hành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Bộ đội biên phòng có quyền: (i) Trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy sâu vào nội địa; (ii) Truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trong nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia; (12) Bộ đội biên phòng được quan hệ, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương nước tiếp giáp theo quy định của Chính phủ để thi hành các điều ước Quốc tế về biên giới, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị; đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa các nước có chung biên giới và xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hào Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; (13) Ngoài trường hợp trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng khi đang thi hành nhiệm vụ được nổ súng trong các trường hợp sau: (i) Để bắt giữ người có hành vi phạm tội mà chạy chốn; (ii) Để bắt giữ người có hành vi phạm tội đang bị dẫn giải, bị giữ, bị giam mà chạy trốn; (iii) Để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng và công dân bị người khác dùng vũ khí và các hung khí khác uy hiếp trực tiếp đến tính mạng.
- Chương III quy định về Tổ chức của Bộ đội biên phòng. Chương này gồm 05 Điều quy định những nội dung cơ bản như sau: (1) Tổ chức của Bộ đội biên phòng do Chính phủ quy định; (2) Bộ đội biên phòng gồm có sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức Quốc phòng; (3) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ, phong, thăng, giáng và tước cấp bậc, quân hàm Bộ đội biên phòng được thực hiện như sau: (i) Đối với sĩ quan thực hiện theo Luật về sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; (ii) Đối với quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo Luật nghĩa vụ quân sự; (iii) Đối với công nhân, viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật; (4) Chế độ phục vụ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong Bộ đội biên phòng thực hiện theo các văn bản pháp luật quy định đối với Quân đội Nhân dân Việt nam và các văn bản pháp luật liên quan; (5) Quân kỳ quyết thắng, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, băng, biển công tác; trang phục, giấy chứng minh của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong Bộ đội biên phòng do Chính phủ quy định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Chương IV quy định về Quản lý nhà nước đối với Bộ đội biên phòng. Chương này bao gồm 05 Điều quy định về những nội dung cơ bản như sau:(1) Nội dung quản lý Nhà nước đối với Bộ đội biên phòng; (2) Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về Bộ đội biên phòng; (3) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội biên phòng, kết hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế nhằm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh; (4) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn dược Chính phủ phân cấp, có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng và hoạt động của Bộ đội biên phòng, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới, các ngành, các cơ quan cấp mình thực hiện những nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động của Bộ đội biên phòng và góp phần xây dựng Bộ đội biên phòng; (5) Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội có trách nhiệm giáo dục, động viên hội viên, đoàn viên và toàn dân tham gia cùng Bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; giám sát việc thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động và xây dựng Bộ đội biên phòng theo quy định của Pháp lệnh này.
- Chương V gồm 02 Điều quy định về Chế độ, chính sách đối với Bộ đội biên phòng. Cụ thể Chương này quy định những nội dung cơ bản như sau: Chế dộ, chính sách dối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức Quốc phòng trong Bộ đội biên phòng thực hiện theo các văn bản pháp luật quy định đối với Quân đội Nhân dân Việt nam và các văn bản pháp luật liên quan; Nhà nước có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động của Bộ đội biên phòng như sau: (1) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ phục vụ ở các đồn, trạm biên phòng và đơn vị cơ động; (2) Phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo; (3) Phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo; (4) Chế độ, chính sách thương binh, bệnh binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng trực tiếp bảo vệ biên giới, hải đảo ở những nơi đăc biệt khó khăn; (5) Chế độ, chính sách khen thưởng đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng hoạt động bảo vệ biên giới, hải đảo lâu năm; (6) Tuyển chọn con em dân tộc ít người và người ở nơi khác đến định cư ở khu vực biên giới, hải đảo để đào tạo, phục vụ trong Bộ đội biên phòng; (7) Chế độ, chính sách đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng đến định cư ở khu vực biên giới, hải đảo và chính sách hậu phương đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng.
- Chương VI và Chương VII gồm 04 điều quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm, hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện của các văn bản được sử dụng để pháp điển vào đề mục Bộ đội biên phòng.
Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Bộ đội biên phòng còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển đề mục Bộ đội biên phòng, đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Bộ đội biên phòng đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang