Bộ Tư pháp tổ chức thành công Hội nghị Sơ kết 05 năm triển khai, thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL
Sign In

Tin hoạt động

Bộ Tư pháp tổ chức thành công Hội nghị Sơ kết 05 năm triển khai, thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL

Ngày 26/6/2018, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 05 năm triển khai, thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL). Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì Hội nghị cùng với sự tham gia đầy đủ đại diện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương có liên quan.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL đã báo cáo với toàn thể Hội nghị về kết quả 05 năm triển khai, thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL. Cụ thể: (1) Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, Bộ Tư pháp cùng một số bộ, ngành đã thực hiện trước tiến độ một số đề mục. Cụ thể, đến nay, Chính phủ đã thông qua kết quả pháp điển 67/265 đề mục và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet (vượt hơn 300% so với tiến độ theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển); Bộ Tư pháp đang tổng hợp và dự kiến trình Chính phủ xem xét thông qua tiếp theo là 27/265 đề mục; dự kiến hết năm 2018 hoàn thành pháp điển thêm 23/265 đề mục. Như vậy, còn 171/265 đề mục chưa được pháp điển xong. Với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” (phấn đấu hoàn thành vào năm 2020). Với kết quả như vậy, vừa qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ghi nhận công tác xây dựng Bộ pháp điển là một trong 10 sự kiện nổi bật của Ngành Tư pháp năm 2017. Hay, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Cục Kiểm tra văn bản, đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp đã phát biểu là rất ấn tượng với kết quả đạt được trong công tác này. Qua đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều Bằng khen đối với các tập thể, cá nhân làm công tác pháp điển của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác (trong đó, Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL của Cục Kiểm tra văn bản mới được thành lập hơn 4 năm cũng đã được Bộ trưởng tặng 03 Bằng khen). (2) Qua việc pháp điển 94/265 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được gần 3 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 10 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực; (3) Để có kết quả đạt được như trên, phải kể đến sự tích cực, chủ động triển khai, thực hiện của một số bộ, ngành như: Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã pháp điển xong 06/06 đề mục; Bộ Quốc phòng pháp điển xong 14/16 đề mục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch pháp điển xong 09/15 đề mục; Bộ Tư pháp pháp điển xong 31/39 đề mục; Bộ Y tế pháp điển xong 06/12 đề mục; Bộ Tài chính pháp điển xong 08/24 đề mục… (4) Về việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển: Bộ Tư pháp đã có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Qua đó, Bộ pháp điển đã bước đầu được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Đặc biệt, một số luật sư, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước đã thường xuyên khai thác, sử dụng và coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc; đến nay có hơn 1 triệu lượt truy cập vào Bộ pháp điển (trung bình mỗi ngày có gần 3 nghìn lượt truy cập); (5) Về việc bố trí các điều kiện bảo đảm phục vụ công tác xây dựng Bộ pháp điển: hệ thống thể chế tương đối đầy đủ và toàn diện; nhân sự, kinh phí được bố trí kịp thời, phù hợp cho các đơn vị thuộc bộ, ngành; về cơ bản, các bộ, ngành đã và đang tập trung triển khai thực hiện công tác pháp điển hệ thống QPPL một cách chủ động, đồng đều, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả…
 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong Báo cáo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cũng chỉ ra những hạn chế cần khắc phục để góp phần bảo đảm xây dựng thành công Bộ pháp điển như: (1) Việc bố trí nhân sự tại các đơn vị thuộc bộ, ngành làm công tác pháp điển còn hạn chế; (2) Việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về kỹ thuật pháp điển và sử dụng Phần mềm pháp điển gặp nhiều khó khăn; (3) Quy trình, trình tự thực hiện pháp điển theo đề mục phức tạp gây tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí; (4) Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật chưa hoàn thiện gây khó khăn cho việc sử dụng văn bản để pháp điển vào đề mục; (5) Kinh phí hỗ trợ cho công tác pháp điển còn hạn chế, chưa ngang tầm với khối lượng công việc được giao. Thậm chí, một số bộ, ngành rất khó khăn trong việc bố trí  kinh phí thực hiện dẫn đến việc triển khai thực hiện pháp điển các đề mục bị chậm.
 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận và đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như đồng tình với những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Qua đó, các đại biểu cũng đã có nhiều đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả xây dựng Bộ pháp điển trong thời gian tới như: (1) Bộ Tư pháp cần nghiên cứu để đề xuất sửa đổi Pháp lệnh pháp điển theo hướng một đầu mối xây dựng Bộ pháp điển hoặc vẫn tiếp tục thực hiện pháp điển như hiện nay nhưng việc cập nhất QPPL mới ban hành thì nên giao cho Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện toàn bộ. Đồng thời sửa thể chế để nâng cao giá trị của Bộ pháp điển trong áp dụng pháp luật; (2) Cần thiết kế lại các đề mục cho phù hợp hơn. Hiện nay nhiều đề mục có lượng văn bản sử dụng để pháp điển ít và có đề mục thì rất nhiều - không tương xứng; (3) Trong thời gian chưa sửa thể chế, các đại biểu mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Bộ Tư pháp như trong thời gian qua để góp phần sớm hoàn thành các đề mục cũng như sớm xây dựng xong Bộ pháp điển; (4) Bộ Tư pháp cần có Công văn gửi Thủ trưởng các bộ, ngành về việc đề nghị quan tâm trong thực hiện pháp điển cũng như trong chỉ đạo khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và cài đặt Bộ pháp điển trên Công thông tin điện tưt của bộ, ngành; (5) Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện pháp điển tốt hơn nữa cho các công chức làm công tác pháp điển của các bộ, ngành.
 

Cũng tại Hội nghị, được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng đã đọc Quyết định số 1010/QĐ-BTP ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho một số tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác pháp điển.
 

Tổng kết lại ý kiến của các đại biểu, đồng chí Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu trong việc trong việc tham gia góp ý cũng như ghi nhận tinh thần, trách nhiệm các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện pháp điển trong thời gian qua. Đồng chí Hoàng Xuân Hoan ghi nhận toàn bộ ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu tiếp thu thực hiện trong thẩm quyền cũng như ghi nhận để báo cáo Bộ trưởng đề xuất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc sửa Pháp lệnh pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu tra cứu, áp dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đồng chí Hoàng Xuân Hoan mong muốn các bộ, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện công tác pháp điển có trách nhiệm mà cụ thể là quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho các công chức làm pháp điển tại các bộ, ngành để góp phần bảo đảm kết quả pháp điển được chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang