Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo định kỳ công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật Quý I năm 2016
Sign In

Tin hoạt động

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo định kỳ công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật Quý I năm 2016

Sáng ngày 22/4/2015, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội thảo định kỳ công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật Quý I/2016. Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, đồng chí Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì Hội thảo với sự tham gia của đại diện tổ chức pháp chế các bộ, ngành và đại diện Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp là đầu mối về xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.

Theo Báo cáo công tác pháp điển hệ thống QPPL Quý I/2016 của Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp, đến nay, đã có 20 đề mục được thực hiện pháp điển và thẩm định xong; 03 đề mục đã pháp điển xong và đang chuẩn bị tổ chức thẩm định; 33 đề mục đang được triển khai thực hiện và 66 đề mục mới chỉ ở giai đoạn đầu triển khai công tác pháp điển như xây dựng Kế hoạch đề mục hay rà soát, tập hợp văn bản. Như vậy, có thể thấy khối lượng công việc trong năm 2016 và 2017 là rất lớn, các bộ, ngành phải tập trung triển khai và hoàn thiện 102 đề mục để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đã đề ra.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc như: Công chức làm công tác pháp điển tại đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, ngành chủ yếu không được đào tạo bài bản về pháp luật nên việc nắm bắt kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ làm công tác pháp điển gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tình trạng điều chuyển công chức của các cơ quan, đơn vị là thường xuyên nên việc trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ pháp điển cho đội ngũ làm công tác pháp điển cũng gặp nhiều khó khăn; Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP quy định ngân sách nhà nước bố trí tối đa 30 triệu cho thực hiện pháp điển 01 đề mục. Đây là mức kinh phí hỗ trợ và phù hợp với các đề mục đơn giản. Đối với những đề mục phức tạp đòi hỏi phải được bố trí thêm kinh phí (có thể kinh phí lên tới hàng trăm triệu mới đủ bảo đảm cho việc thực hiện pháp điển); công tác pháp điển là một công việc mới, khó, bao gồm nhiều hoạt động ở nhiều công đoạn khác nhau, được giao theo hướng tản việc đến từng Bộ, ngành và các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, ngành do đó, việc phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của công tác pháp điển nói chung và kết quả pháp điển theo từng đề mục nói riêng; thể chế về kỹ thuật thực hiện pháp điển đã bắt đầu bộc lộ một số hạn chế. Nhiều trường hợp đặc thù chưa được hướng dẫn kỹ thuật pháp điển cụ thể dẫn đến việc các bộ, ngành tùy nghi thực hiện và cũng có trường hợp được quy định cụ thể nhưng không phù hợp với thực tế kỹ thuật cần pháp điển làm giảm tính linh hoạt, gây khó khăn trong tìm kiếm, tra cứu các QPPL.
 

Bên cạnh đó, một khó khăn mới gặp phải là Phần mềm pháp điển hệ thống QPPL được xây dựng xong và đưa vào sử dụng, theo đó, việc thu thập văn bản sử dụng để pháp điển được lấy từ một nguồn duy nhất là Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật (Cơ sở dữ liệu này được xây dựng theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ). Theo quy định, các bộ, ngành có trách nhiệm cập nhật các văn bản QPPL đang còn hiệu lực do cơ quan mình chủ trì soạn thảo hoặc ban hành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật trước và hoàn thành trước ngày 30/6/2016. Tuy nhiên, đến nay, nhiều văn bản QPPL đang còn hiệu lực vẫn chưa được cập nhật hoặc các văn bản đã được cập nhật trước ngày Nghị định số 52/2015/NĐ-CP có hiệu lực chưa được kiểm duyệt chặt chẽ bảo đảm tính chính xác của văn bản gây khó khăn cho việc thực hiện pháp điển các đề mục.
Ngoài những khó khăn gặp phải nêu trên, trong thực tiễn triển khai thực hiện pháp điển tại các bộ, ngành cho thấy việc giao thẩm quyền thực hiện pháp điển tản việc theo Điều 4 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL chưa thực sự hiệu quả, mất nhiều thời gian, công sức, tốn kém mà chất lượng không cao. Để khắc phục hạn chế này, đồng chí Lê Trọng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ cho rằng cần thiết nghiên cứu giao một đầu mối tổ chức thực hiện pháp điển bảo đảm. Ví dụ: Có thể thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổ trưởng, Bộ Tư pháp làm cơ quan thường trực và các bộ, ngành có trách nhiệm cử đại diện tham gia Tổ công tác để thực hiện pháp điển trong thời gian thực hiện pháp điển các văn bản do cơ quan mình chủ trì soạn thảo hoặc ban hành.
 

Kết thúc Hội thảo, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Đồng Ngọc Ba ghi nhận sự phối hợp, đóng góp ý kiến và sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành đã tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình. Đồng thời nhấn mạnh các đầu mối trong công tác pháp điển hệ thống QPPL tại các bộ, ngành cần chủ động tham mưu với Lãnh đạo cơ quan, đơn vị có sự quan tâm đúng mức, theo dõi sát sao việc triển khai thực hiện các công tác này. Trong quá trình triển khai thực hiện, Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Bộ Tư pháp luôn sẵn sàng hướng dẫn, trợ giúp, phối hợp với các bộ, ngành để bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ.
 
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang