Tọa đàm trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển đề mục Doanh nghiệp
Sign In

Tin hoạt động

Tọa đàm trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển đề mục Doanh nghiệp

Nằm trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 05/10/2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Tọa đàm trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển đề mục Doanh nghiệp. Tọa đàm do Đ/c Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với sự tham gia của các đại biểu là cán bộ pháp chế tại các các bộ, ngành; một số sở, ban, ngành và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; văn phòng luật; các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Đ/c Đồng Ngọc Ba đã nêu rõ với khoảng 10.000 văn bản QPPL do Trung ương ban hành như hiện nay thì việc xây dựng Bộ pháp điển để tập hợp các QPPL vào một chỗ đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 265 Đề mục. Đến nay các bộ, ngành đã thực hiện xong 70/265 đề mục trong đó có đề mục Doanh nghiệp - đề mục có khối lượng văn bản tương đối lớn (35 văn bản) và đặc biệt liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Hiện nay, đề mục Doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua và cho phép chính thức đưa vào khai thác, sử dụng. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu kết quả pháp điển đề mục Doanh nghiệp là một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà đối tượng đầu tiên cần được biết đến là các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.   

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe Đ/c Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL giới thiệu về ý nghĩa, quá trình xây dựng và kết cấu của Bộ pháp điển. Đồng thời, Đ/c cũng tập trung giới thiệu về Bộ pháp điển điện tử đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển. Theo đó, Bộ pháp điển điện tử gồm 02 cấu phần chính: cấu phần thứ nhất là về cấu trúc của Bộ pháp điển gồm tên, vị trí các chủ đề, đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục và điều của Bộ pháp điển; cấu phần thứ hai là về nội dung của điều, tiểu mục, mục, chương, phần trong Bộ pháp điển. Ngoài ra, các đại biểu tham dự còn được Đ/c hướng dẫn về tính năng tìm kiếm, cách thức tra cứu các quy phạm pháp luật trong Bộ pháp điển, cụ thể là các quy định tại đề mục Doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đã được Đ/c Trần Thanh Loan - Chuyên viên Cục Kiểm tra văn bản QPPL giới thiệu tổng quan về kết quả pháp điển đề mục Doanh nghiệp. Theo đó, đề mục Doanh nghiệp được pháp điển từ 35 văn bản QPPL (gồm 01 Luật, 23 Nghị định, 03 Quyết định Thủ tướng Chính phủ, 09 Thông tư và Thông tư liên tịch) điều chỉnh trong lĩnh vực này và có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất là Luật Doanh nghiệp năm 2014. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển) còn thực hiện bổ sung thêm Chương VIII Hộ kinh doanh vào cấu trúc đề mục Doanh nghiệp. Đồng thời, Đ/c Trần Thanh Loan cũng nêu ra một số vấn đề trong quá trình thực hiện pháp điển đề mục Doanh nghiệp như: việc không thực hiện pháp điển những văn bản QPPL về điều lệ tổ chức và hoạt động của các công ty thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hoặc việc thành lập, chuyển đổi tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước; các văn bản QPPL liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp thuộc đề mục khác sẽ được pháp điển vào đề mục chuyên ngành như quản lý sử dụng vốn Nhà nước; lao động; tiền lương… và thực hiện xác định QPPL có nội dung liên quan đến đề mục Doanh nghiệp.

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đánh giá cao vai trò quan trọng của Bộ pháp điển đặc biệt là kết quả pháp điển đề mục Doanh nghiệp trong hoạt động tra cứu, tìm kiếm các QPPL đang còn hiệu lực. Qua đó góp phần nâng cao năng lực, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ đắc lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số đại biểu còn băn khoăn với việc duy trì Bộ pháp điển bởi hoạt động cập nhật văn bản QPPL mới, loại bỏ những văn bản QPPL đã hết hiệu lực kịp thời là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Kết thúc Tọa đàm, Lãnh đạo Cục Kiểm tra văn bản QPPL đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến rất trách nhiệm của các đại biểu tham dự, đồng thời tin tưởng đề mục Doanh nghiệp sau khi đưa vào khai thác, sử dụng sẽ hữu ích đối với nhu cầu tra cứu tìm hiểu về văn bản QPPL của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. 
Nguyễn Thị Trà
Chung nhan Tin Nhiem Mang