Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển 02 đề mục: Công nghiệp quốc phòng và Đê điều
Sign In

Tình hình thực hiện pháp điển

Bộ Tư pháp tổ chức Họp thẩm định kết quả pháp điển 02 đề mục: Công nghiệp quốc phòng và Đê điều

Chiều ngày 05/5/2016, trên cơ sở Quyết định số 897/QĐ-BTP ngày 22/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển các đề mục Công nghiệp quốc phòng và đề mục Đê điều, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả pháp điển 02 đề mục trên. Cuộc họp do đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì, cùng với sự tham dự của 06 thành viên đại diện cho các Bộ, ngành liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Triển khai thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Bộ Quốc phòng đã thực hiện pháp điển đối với đề mục số 3. Công nghiệp quốc phòng thuộc chủ đề số 25. Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện pháp điển đối với đề mục số 3. Đê điều thuộc chủ đề số 24. Nông nghiệp, nông thôn theo quy định.  
 

Theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg, đề mục Công nghiệp quốc phòng thuộc chủ đề có thời hạn hoàn thành trong giai đoạn 3 (2021 - 2023), tuy nhiên Đề mục này có số lượng văn bản ít, tính ổn định cao, vì vậy Bộ Quốc phòng đã chủ động thực hiện pháp điển sớm trước thời hạn (ngày 08/4/2016 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 1387/QĐ-BQP về Kế hoạch triển khai thực hiện pháp điển hệ thống QPPL đối với đề mục Công nghiệp quốc phòng trong chủ đề Quốc phòng thuộc trách nhiệm pháp điển của Bộ Quốc phòng). Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, xác định có 06 văn bản thuộc nội dung đề mục Công nghiệp quốc phòng (đều thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Quốc phòng) và 03 văn bản có nội dung liên quan. Cấu trúc của đề mục bảo đảm xây dựng theo cấu trúc của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng năm 2008 (gồm 27 điều thuộc 07 chương). Về cơ bản, đề mục Công nghiệp quốc phòng bảo đảm chính xác, đầy đủ các QPPL thuộc nội dung đề mục.
Tương tự như đề mục Công nghiệp quốc phòng, đề mục Đê điều cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trước thời hạn trong giai đoạn 3 (2021 - 2023) theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg. Đề mục này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, xác định có 14 văn bản thuộc nội dung đề mục Đê điều và 20 văn bản có nội dung liên quan. Trong số 14 văn bản thuộc nội dung Đề mục, có 13 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 01 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện pháp điển theo thẩm quyền và hoàn thiện Kết quả pháp điển đề mục Đê điều theo quy định. Cấu trúc của đề mục Đê điều bảo đảm xây dựng theo cấu trúc của Luật Đê điều năm 2006 (gồm 47 điều thuộc 08 chương). Trong quá trình thực hiện pháp điển, các cơ quan thực hiện pháp điển chưa phát hiện có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế trong các văn bản sử dụng để pháp điển.
 
Phát biểu tại Cuộc họp, một số thành viên Hội đồng thẩm định đã có ý kiến về: Vị trí hợp lý sắp xếp các điều trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; việc pháp điển và xác định quy phạm pháp luật liên quan đối với văn bản không bố cục theo điều… Tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất nhận định về cơ bản, các kết quả pháp điển theo đề mục bảo đảm chất lượng và có thể thông qua.
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba thay mặt Hội đồng thẩm định nhận định kết quả pháp điển 02 đề mục: Công nghiệp quốc phòng và Đê điều cơ bản bảo bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 10 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì pháp điển (Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với cơ quan có liên quan (Bộ Tài chính) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định. Đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp sắp xếp vào chủ đề và trình Chính phủ thông qua theo quy định./.
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang