Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định 03 đề mục: Thi hành án dân sự; Động viên công nghiệp; Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu
Sign In

Tình hình thực hiện pháp điển

Bộ Tư pháp tổ chức họp thẩm định 03 đề mục: Thi hành án dân sự; Động viên công nghiệp; Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

Ngày 20/9/2017, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định 03 đề mục: Thi hành án dân sự (Đề mục số 6 thuộc chủ đề số 25); Động viên công nghiệp (Đề mục số 2 thuộc Chủ đề số 30); Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (Đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 41). Cuộc họp do đồng chí Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham dự của các thành viên Hội đồng thẩm định gồm đại diện các cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển; các bộ, ngành liên quan và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo kết quả pháp điển đối với 03 đề mục, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao về chất lượng kết quả pháp điển cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành tham gia thực hiện pháp điển 03 đề mục này. Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện pháp điển các đề mục bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định; Hồ sơ kết quả pháp điển các đề mục bảo đảm đầy đủ; cơ bản đầy đủ, chính xác của các QPPL trong các đề mục; việc sắp xếp vị trí các điều, thực hiện ghi chú, chủ dẫn theo quy định. Cụ thể:

- Về trình tự, thủ tục pháp điển của các đề mục: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện xác định danh mục văn bản QPPL sử dụng để pháp điển vào đề mục, ban hành kế hoạch thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục, pháp điển văn bản QPPL thuộc nội dung đề mục theo thẩm quyền.
- Về tính chính xác, đầy đủ của QPPL trong các đề mục: Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát bảo đảm các QPPL đang còn hiệu lực có nội dung thuộc đề mục để đưa vào pháp điển; rà soát, xác định các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo để xử lý, kiến nghị xử lý trước khi thực hiện pháp điển theo quy định. Theo đó, đề mục Động viên công nghiệp bao gồm 03 văn bản có nội dung thuộc đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Quốc phòng) và 07 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục; đề mục Thi hành án dân sự bao gồm 25 văn bản có nội dung thuộc đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính) và 04 văn bản có nội dung liên quan đến đề mục; đề mục Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu bao gồm 04 văn bản có nội dung thuộc đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và 35 văn bản có nội dung liên quan.

- Về sự phù hợp của vị trí QPPL trong các đề mục: về cơ bản, các đại biểu tham dự đánh giá vị trí điều trong Dự thảo kết quả pháp điển của các đề mục đã bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Đối với trường hợp một điều quy định chi tiết, hướng dẫn nhiều điều hoặc nhiều điều cùng áp dụng một phụ lục, biểu mẫu thì được thực hiện chỉ dẫn theo quy định.
Tại cuộc họp, thành viên Hội đồng thẩm định cũng đã phân tích thêm một số QPPL có nội dung liên quan đến các đề mục chưa được chỉ dẫn cần được xác định cụ thể và chỉ dẫn theo quy định.
Tham gia ý kiến thêm tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL thông tin đây là 03 đề mục đầu tiên được Hội đồng thẩm định xem xét, đánh giá, thẩm định trên Phần mềm pháp điển. Nhiều kỹ thuật thực hiện pháp điển được tự động hóa trên Phần mềm nên đã hạn chế các lỗi về ghi chú, chỉ dẫn, sắp xếp các QPPL… Đây là bước đi tiến bộ trong công tác xây dựng Bộ pháp điển.

Kết luận cuộc họp, Đ/c Hoàng Xuân Hoan - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL thay mặt Hội đồng thẩm định đánh giá cao cũng như thống nhất các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và thông qua kết quả pháp điển 03 đề mục trên. Hội đồng thẩm định đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện Kết quả pháp điển theo quy định.
 
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang