Hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp


Thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tư pháp đã thực hiện pháp điển đối với đề mục “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp” theo quy định. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định và hoàn thiện theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ thông qua.
Đề mục này được pháp điển từ 02 văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc đề mục gồm: Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2010 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010, của liên Bộ Tài chính - Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đề mục này có 02 văn bản có nội dung liên quan là Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 5 chương, 22 điều quy định về các nội dung cơ bản như: (1) Về nguyên tắc trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại Nghị định này được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động; Hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện bằng các hình thức phù hợp. Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng, ngành, lĩnh vực và nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. (2) Về hình thức, nội dung, nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp; Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật; Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp; Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật; Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. (3) Về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động nắm bắt nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp và chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định; Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định; Các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật,phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý theo quy định; Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Ngoài ra, Đề mục này có hẳn một chương riêng quy định về việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ. Việc pháp điển này giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, đồng thời qua đó góp phần nâng cao năng lực cũng như nhận thức của chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp.
 
Nguyễn Duy Thắng - Trưởng Phòng Phòng Pháp điển hệ thống QPPL
Chung nhan Tin Nhiem Mang