Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Y tế đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Đề mục số 8 thuộc Chủ đề số 45. Y tế, Dược). Đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Y tế sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Y tế, dược”.
Đề mục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có cấu trúc được xây dựng theo cấu trúc của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội gồm 06 chương với 64 điều và không bổ sung thêm cấu trúc chương, mục vào Đề mục. Theo đó, đề mục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 27 văn bản (01 Luật, 04 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 19 Thông tư và Thông tư liên tịch).
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Phòng, chống bệnh truyền nhiễm” như sau:
- Chương I gồm 53 điều quy định về các vấn đề chung như: quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; chống dịch; các điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm ở người...
- Chương II gồm 06 Mục quy định về người được trợ giúp pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, cụ thể như sau:
+ Mục 1: Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm bao gồm: Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Nguyên nhân, đường lây truyền, cách nhận biết bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Hậu quả của bệnh truyền nhiễm đối với sức khoẻ, tính mạng con người và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mọi người đều được tiếp cận với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, những người trong gia đình họ và các đối tượng trong vùng có dịch, vùng có nguy cơ dịch được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
+ Mục 2 quy định về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm với các nội dung cơ bản như sau: Cơ sở giáo dục phải xây dựng ở nơi cao ráo, sạch sẽ, xa nơi ô nhiễm, đủ nước sinh hoạt, công trình vệ sinh; phòng học phải thông thoáng, đủ ánh sáng; thực phẩm sử dụng trong cơ sở giáo dục phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm giáo dục cho người học về vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm bao gồm vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong sinh hoạt, lao động và vệ sinh môi trường. Đơn vị y tế của cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh; kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Nước sạch phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cơ sở cung cấp nước sạch có trách nhiệm áp dụng các biện pháp kỹ thuật, giữ gìn vệ sinh môi trường, tự kiểm tra để bảo đảm chất lượng nước sạch.Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra chất lượng nước sạch do các cơ sở cung cấp; kiểm tra việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp nước sạch. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho việc cung cấp nước sạch. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn vệ sinh, không để ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
+ Mục 3 bao gồm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiềm: Giám sát các trường hợp mắc bệnh, bị nghi ngờ mắc bệnh và mang mầm bệnh truyền nhiễm bao gồm thông tin về địa điểm, thời gian, các trường hợp mắc bệnh, tử vong; tình trạng bệnh; tình trạng miễn dịch; đặc điểm chủ yếu về dân số và các thông tin cần thiết khác.Trong trường hợp cần thiết, cơ quan y tế có thẩm quyền được lấy mẫu xét nghiệm ở người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để giám sát.
Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bao gồm các thông tin liên quan về chủng loại, đặc tính sinh học và phương thức lây truyền từ nguồn truyền nhiễm.Giám sát trung gian truyền bệnh bao gồm các thông tin liên quan đến số lượng, mật độ, thành phần và mức độ nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm của trung gian truyền bệnh. Báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện bằng văn bản; trong trường hợp khẩn cấp, có thể thực hiện việc báo cáo thông qua fax, thư điện tử, điện tín, điện thoại hoặc báo cáo trực tiếp và trong thời hạn 24 giờ phải gửi báo cáo bằng văn bản.Chế độ báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm: a) Báo cáo định kỳ; b) Báo cáo nhanh và c) Báo cáo đột xuất.Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) bao gồm: Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có thực hiện hoạt động kiểm dịch y tế. Viện khu vực bao gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Quy trình thông tin, báo cáo được quy định như sau: Tổ chức kiểm dịch y tế biên giới tỉnh thông tin, báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện khu vực thuộc địa bàn phụ trách đồng thời gửi thông tin, báo cáo cho Sở Y tế. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh khi phát hiện trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tại khu vực cửa khẩu ngoài việc thực hiện thông tin, báo cáo về Cục Y tế dự phòng, Viện khu vực thuộc địa bàn phụ trách và Sở Y tế còn phải thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
+ Mục 4 quy định về an toàn trong xét nghiệm bao gồm các nội dung cơ bản sau: Phòng xét nghiệm phải bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học phù hợp với từng cấp độ và chỉ được tiến hành xét nghiệm trong phạm vi chuyên môn sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học. Phân loại cơ sở xét nghiệm theo cấp độ an toàn sinh học quy định: Cơ sở xét nghiệm được phân loại theo 04 cấp độ an toàn sinh học như sau: Cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp I và các sản phẩm từ vi sinh vật thuộc nhóm khác nhưng đã được xử lý và không còn khả năng gây bệnh; Cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp II được thực hiện xét nghiệm đối với các loại vi sinh vật thuộc nhóm 1 và nhóm 2; Cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp III được thực hiện xét nghiệm đối với các loại vi sinh vật thuộc nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 và các sản phẩm từ vi sinh vật thuộc nhóm 4 nhưng đã được xử lý phù hợp với điều kiện của cơ sở xét nghiệm an toàn sinh học cấp III; Cơ sở quy định tại các điểm a, b, c khoản này được phép bảo quản, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi và tiêu hủy mẫu máu, huyết thanh, huyết tương, nước tiểu, phân, dịch  tiết cơ thể người, các mẫu khác từ người có chứa hoặc có khả năng chứa tác nhân gây bệnh truyền nhiễm cho người, các chủng vi sinh vật, mẫu có chứa vi sinh vật có khả năng gây bệnh cho người nếu có các trang thiết bị bảo quản mẫu bệnh phẩm và các quy định về thực hành chuẩn liên quan đến việc lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi và tiêu hủy mẫu bệnh phẩm. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cấp độ an toàn sinh học phù hợp với kỹ thuật xét nghiệm.
+ Mục 5 quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh bao gồm các nội dung sau: Nguyên tắc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế: Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 36 của Luật dược; Vắc xin, sinh phẩm y tế được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc; Vắc xin, sinh phẩm y tế phải được sử dụng đúng mục đích, đối tượng, thời gian, chủng loại và quy trình kỹ thuật sử dụng; Vắc xin, sinh phẩm y tế phải được sử dụng tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện. Mọi người có quyền sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho cộng đồng; Nhà nước hỗ trợ và khuyến khích công dân tự nguyện sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế...
+ Mục 6 bao gồm các quy định về phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định các biện pháp cơ bản phòng, lây bệnh truyền nhiễm; Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm; Trách nhiệm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Chương III quy định về kiểm dịch y tế biên giới: Đối tượng phải kiểm dịch y tế biên giới bao gồm: Người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam; Hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam; Thi thể, hài cốt, mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam. Kiểm dịch y tế biên giới được thực hiện tại các cửa khẩu. Nội dung kiểm dịch y tế biên giới: Kiểm tra y tế bao gồm kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế và kiểm tra thực tế. Kiểm tra thực tế được tiến hành trong trường hợp đối tượng xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Xử lý y tế được thực hiện khi đã tiến hành kiểm tra y tế và phát hiện đối tượng phải kiểm dịch y tế có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Trường hợp nhận được khai báo của chủ phương tiện vận tải hoặc có bằng chứng rõ ràng cho thấy trên phương tiện vận tải, người, hàng hoá có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì phương tiện vận tải, người, hàng hoá trên phương tiện đó phải được cách ly để kiểm tra y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh, nhập khẩu, quá cảnh; nếu không thực hiện yêu cầu cách ly của tổ chức kiểm dịch y tế biên giới thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cách ly.
- Chương IV quy định về chống dịch bao gồm 03 mục chứa các quy định cơ bản về: Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch; Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm; Nội dung công bố dịch: Tên bệnh dịch; Thời gian, địa điểm và quy mô xảy ra dịch;  Nguyên nhân, đường lây truyền, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch; Các biện pháp phòng, chống dịch; Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc tiếp nhận, điều trị người mắc bệnh truyền nhiễm.
- Chương V quy định về các điều kiện bảo đảm để phòng, chống dịch; giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vị trí, thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, thiết bị và nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh truyền nhiễm. Nhà nước thực hiện việc dự trữ quốc gia về kinh phí, thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để phòng, chống dịch. Việc xây dựng, tổ chức, quản lý, điều hành và sử dụng dự trữ quốc gia để phòng, chống dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia. Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để hỗ trợ điều trị, chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm và các hoạt động phòng, chống dịch khác. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp thuộc lĩnh vực phòng, chống bệnh truyền nhiễm và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang