Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Đề mục 7 Chủ đề 28. Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước). Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 của Quốc hội), gồm 10 chương với 66 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bộ Tài chính xác định có 21[1] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Quốc phòng; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Tài nguyên và Môi trường) và 42 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định các vấn đề chung gồm có phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; Mục tiêu đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Nguyên tắc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hình thức đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp;  Đại diện chủ sở hữu nhà nước; Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
- Chương II gồm 04 mục quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, cụ thể:
+ Mục 1 quy định về đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như:  Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp (Đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp thuộc phạm vi sau đây: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế; Chính phủ quy định chi tiết việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp và cơ chế đặt hàng của Nhà nước đối với doanh nghiệp có chức năng hỗ trợ điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước quy định); Thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp; Trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp.
+ Mục 2 quy định về đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đang hoạt động như: Phạm vi đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động; Thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động; Trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp đang hoạt động.
+ Mục 3 quy định về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên như: Phạm vi đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Thẩm quyền quyết định đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Trình tự, thủ tục đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
+ Mục 4 quy định về đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ  doanh nghiệp như: Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp; Thẩm quyền quyết định đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp;  Trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp.
- Chương III quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như: Vốn điều lệ (Nguyên tắc xác định vốn điều lệ: Không thấp hơn mức vốn pháp định của ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; Căn cứ quy mô, công suất thiết kế đối với ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển của doanh nghiệp, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh; Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phê duyệt vốn điều lệ và đầu tư đủ vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo quy định; Nguồn đầu tư vốn điều lệ để thành lập doanh nghiệp và bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp đang hoạt động từ các nguồn hình thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp); Huy động vốn; Đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định; Quản lý, sử dụng tài sản cố định; Quản lý nợ phải thu; Quản lý nợ phải trả; Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; Đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp; Quản lý của doanh nghiệp đối với công ty con do doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn góp của doanh nghiệp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; Chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; Tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động; Tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý doanh nghiệp; Nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; Bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp.
- Chương IV quy định về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: Căn cứ phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp quy định tại Điều 10 của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Chính phủ quy định lộ trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành; Chuyển đổi sở hữu và sắp xếp lại doanh nghiệp; Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp;  Chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
- Chương V quy định về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước như: Quyền, trách nhiệm của Chính phủ; Quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ; Quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Chương VI quy định về người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp như: Tiêu chuẩn người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; Cử người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; Quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước; Quyền, trách nhiệm của người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; Tiền lương, thù lao, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.
- Chương VII gồm 02 mục quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cụ thể:
+ Mục 1 quy định về nội dung giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: Giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; Giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Mục 2 quy định về tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: Giám sát của Quốc hội; Kiểm tra, thanh tra của Chính phủ; Giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu; Giám sát nội bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Chương VIII quy định về đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai hoạt động của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ như: Đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, đánh giá người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên (Việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chí sau đây: Mức độ thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp; Khả năng thanh toán nợ, nợ phải trả quá hạn của doanh nghiệp; Việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch; Việc chấp hành chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan; Việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên căn cứ vào kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp và việc thực hiện quyền, trách nhiệm được giao); Báo cáo hoạt động của doanh nghiệp; Công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.
- Chương IX quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm như: Khen thưởng (Khen thưởng tổ chức, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ sau đây: Hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu trong hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao; có giải pháp, sáng kiến trong hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp; Phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng lãng phí, thất thoát vốn nhà nước; vốn, tài sản của doanh nghiệp; Nguồn khen thưởng: Nguồn tiền thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng; Nguồn quỹ khen thưởng của người lao động, quỹ thưởng của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên; Xử lý vi phạm (Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính, chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật).
- Chương XI quy định về điều khoản thi hành như:  Điều khoản chuyển tiếp; Hiệu lực thi hành (Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015); Quy định chi tiết (Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014).
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
 
 
[1] Ngoài ra có 05 văn bản sửa đổi, bổ sung.
Chung nhan Tin Nhiem Mang