Cập nhật QPPL mới của Đề mục XLVPHC (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP; Nghị định số 120/2021/NĐ-CP và Thông tư số 14/2021/TT-BTP)
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới của Đề mục XLVPHC (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP; Nghị định số 120/2021/NĐ-CP và Thông tư số 14/2021/TT-BTP)

Ngày 13/11/2020, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022). Ngày 23/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022). Ngày 24/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022). Ngày 30/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 14/2021/TT-BTP hướng dẫn Nghị định 19/2020/NĐ-CP kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022).
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Tư pháp cập nhật các QPPL mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Nghị định số 118/2021/NĐ-CP; Nghị định số 120/2021/NĐ-CP và Thông tư số 14/2021/TT-BTP vào Đề mục Xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Cụ thể, một số các QPPL của Đề mục Xử lý vi phạm hành chính được cập nhật cần lưu ý như sau:
I. Kết quả cập nhật QPPL mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020
Điều 39.13.LQ.3. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính
(Điều 3 Luật số 15/2012/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;
b) Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;
c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;
đ) Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;
e) Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
2. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:
a) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các điều 90, 92, 94 và 96 của Luật này;
b) Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;
d) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Điều 39.13.LQ.4. Thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
(Điều 4 Luật số 15/2012/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định các nội dung sau đây:
a) Hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước;
b) Chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. 
2. Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
3. Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Điều 39.13.LQ.6. Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính
(Điều 6 Luật số 15/2012/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2013, có nội dung được sửa đổi, có nội dung được bổ sung bởi Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. 
Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
d) Trong thời hạn được quy định tại điểm a và điểm b khoản này mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
2. Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:
a) Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều 90; 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 90 của Luật này;
b) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 92; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 92 của Luật này;
c) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này;
d) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này;
đ) Trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
II. Kết quả cập nhật QPPL mới của Nghị định 118/2021/NĐ-CP
Điều 39.13.NĐ.89.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 23/12/2021 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính về:
1. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.
2. Quy định về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính.
3. Áp dụng quy định về xử phạt vi phạm hành chính.
4. Quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Điều 39.13.NĐ.89.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Cơ quan có thẩm quyền quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Điều 39.13.NĐ.89.7. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính
(Điều 7 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định để áp dụng theo khoản 1 Điều này, thì việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
a) Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt;
b) Nếu hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.
Điều 39.13.NĐ.89.41. Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính
(Điều 41 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về mẫu biên bản và mẫu quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính.
2. Biểu mẫu sử dụng trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính được ban hành kèm theo các Nghị định quy định cụ thể về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
3. Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thể ban hành các biểu mẫu khác, ngoài các biểu mẫu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, để sử dụng trong ngành, lĩnh vực mình, sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
4. Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được lưu trữ bằng giấy và lưu trữ dưới dạng điện tử. Cơ quan, người có thẩm quyền có thể sử dụng mẫu được in sẵn hoặc tự in các mẫu, quản lý và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ trong việc in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng các biểu mẫu ban hành theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
III. Kết quả cập nhật QPPL mới của Nghị định 120/2021/NĐ-CP
Điều 39.13.NĐ.90.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn ngày 24/12/2021 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
Nghị định này quy định việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn) và việc xem xét, quyết định chuyển sang áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình (sau đây gọi là biện pháp quản lý tại gia đình).
Điều 39.13.NĐ.90.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Người bị đề nghị và bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
2. Người được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị và quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào việc tổ chức thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 39.13.NĐ.90.3. Nguyên tắc áp dụng
(Điều 3 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Kịp thời, công khai, khách quan, công bằng; đúng thẩm quyền, đối tượng, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.
2. Không xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người vi phạm.
3. Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người vi phạm.
4. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị xem xét áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
5. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giúp đỡ, giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
6. Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.
7. Chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Đối với người chưa thành niên thuộc đối tượng quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều 5 Nghị định này, chỉ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi không đủ điều kiện áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình. Việc áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính.
8. Trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ.
Điều 39.13.NĐ.90.53. Biểu mẫu sử dụng trong áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình
(Điều 53 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022)
1. Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về các biểu mẫu để sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên.
2. Trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng các bộ có thể ban hành các biểu mẫu khác, ngoài các biểu mẫu quy định tại khoản 1 Điều này, để sử dụng trong ngành, lĩnh vực mình, sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền có thể sử dụng mẫu được in sẵn hoặc tự in các mẫu; chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ trong việc in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng các biểu mẫu ban hành theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biểu mẫu sử dụng trong quá trình áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên được lưu trữ bằng giấy và lưu trữ dưới dạng điện tử.
IV. Kết quả cập nhật QPPL mới của Thông tư 14/2021/TT-BTP
Điều 39.13.TT.59.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
(Điều 1 Thông tư số 14/2021/TT-BTP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ngày 30/12/2021 của Bộ Tư pháp, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022)
1. Phạm vi điều chỉnh:
a) Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (sau đây viết tắt là Nghị định số 19/2020/NĐ-CP) về thẩm quyền kiểm tra; điều chỉnh kế hoạch kiểm tra; thời hạn kiểm tra; công khai kết luận kiểm tra, kết quả và việc xử lý kết quả theo dõi thực hiện kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính tự kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị mình, kiểm tra người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của mình và không phải thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Thông tư này và Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
2. Đối tượng áp dụng:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP.
Điều 39.13.TT.59.2. Thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
(Điều 2 Thông tư số 14/2021/TT-BTP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022)
Thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Điều 6 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình trên phạm vi cả nước; Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi được giao tổ chức thực hiện.
Ví dụ: Bộ trưởng Bộ Công Thương kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của mình trên phạm vi cả nước (các Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...).
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và các cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan sau đây:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện) và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thuộc phạm vi địa bàn quản lý;
b) Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn địa phương được liệt kê tại khoản 6 Điều này.
Đối với cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn một tỉnh nhưng phạm vi hoạt động liên quan đến nhiều tỉnh, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trụ sở có thẩm quyền kiểm tra đối với những nội dung liên quan đến công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi địa bàn quản lý.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan sau đây:
a) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thuộc phạm vi địa bàn quản lý;
b) Các cơ quan thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc cùng cấp thuộc phạm vi địa bàn quản lý được liệt kê tại khoản 6 Điều này.
6. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, gồm: Công an nhân dân; Bộ đội Biên phòng; Cảnh sát biển; Hải quan; Kiểm ngư; Thuế; Quản lý thị trường; Cơ quan thi hành án dân sự; Kho bạc Nhà nước; Ngân hàng Nhà nước; Hệ thống tổ chức thống kê tập trung; Bảo hiểm xã hội và các cơ quan, đơn vị khác thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc theo quy định của pháp luật thực hiện kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới của mình.
Điều 39.13.TT.59.4. Thời hạn kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
(Điều 4 Thông tư số 14/2021/TT-BTP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/02/2022)
1. Tạm dừng kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
a) Trong các trường hợp được nêu tại các điểm a và b khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, việc kiểm tra phải được tạm dừng;
b) Thời gian phải tạm dừng việc kiểm tra không được tính vào thời hạn kiểm tra;
c) Trưởng đoàn kiểm tra hoặc người được ủy quyền phải báo cáo người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định tạm dừng việc kiểm tra;
d) Văn bản tạm dừng việc kiểm tra được thể hiện dưới hình thức Công văn theo quy định của Chính phủ về công tác văn thư, trong đó, nêu rõ lý do tạm dừng, thời hạn tạm dừng;
đ) Công văn tạm dừng việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được gửi cho đoàn kiểm tra, đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành;
e) Việc kiểm tra được tiếp tục tiến hành khi lý do tạm dừng không còn.
2. Các trường hợp cần thiết phải gia hạn thời hạn kiểm tra theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP bao gồm:
a) Cuộc kiểm tra thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hồ sơ xử lý vi phạm hành chính có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh, làm rõ; đối tượng được kiểm tra không phối hợp hoặc gây khó khăn cho việc kiểm tra;
b) Địa điểm kiểm tra ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc nơi đi lại khó khăn.
Thời gian được gia hạn đối với mỗi cuộc kiểm tra thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều này tối đa không quá 07 (bảy) ngày làm việc.
3. Chậm nhất là 02 (hai) ngày làm việc trước khi kết thúc thời hạn kiểm tra theo quy định, Trưởng đoàn kiểm tra hoặc người được ủy quyền phải báo cáo người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra xem xét, quyết định gia hạn thời gian kiểm tra.
4. Quyết định gia hạn thời gian kiểm tra được gửi cho đoàn kiểm tra, đối tượng kiểm tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay sau khi được ban hành.
5. Quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra thực hiện theo Mẫu số 04 Phụ lục một số biểu mẫu trong kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Thông tư này.
Chung nhan Tin Nhiem Mang