Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về cư trú
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về cư trú

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong đề mục “Cư trú”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục “Cư trú” có cấu trúc gồm 07 chương (105 Điều) theo cấu trúc của Luật số 81/2006/QH11 cư trú ngày 29/11/2006 của Quốc hội và được pháp điển từ 03 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Cụ thể: (1) Nghị định số 31/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú ngày 18/04/2014 của Chính phủ; (2) Thông tư số 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú ngày 09/09/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an; (3) Thông tư số 36/2014/TT-BCA Quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú ngày 09/09/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an. Trong 07 chương thuộc đề mục Cư trú có 01 chương được bổ sung chứa các quy phạm pháp luật tại Thông tư số 36/2014/TT-BCA, do các quy định này mang tính độc lập cao.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Cư trú” như sau:
- Chương I gồm 15 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các văn bản quy phạm pháp luật trong Đề mục; quyền tự do cư trú của công dân; nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú; bảo đảm điều kiện thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú; trách nhiệm quản lý nhà nước về cư trú; hợp tác quốc tế trong quản lý cư trú; các hành vi bị nghiêm cấm; nghiêm cấm các hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
- Chương II gồm 13 điều quy định về quyền, trách nhiệm của công dân về cư trú, cụ thể: Quyền của công dân về cư trú; các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú; trách nhiệm của công dân về cư trú; nơi cư trú của công dân; nơi cư trú của công dân; chỗ ở không được chuyển đến đăng ký thường trú; giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp; nơi cư trú của người chưa thành niên; nơi cư trú của người được giám hộ; nơi cư trú của vợ, chồng; nơi cư trú của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; nơi cư trú của người làm nghề lưu động.
- Chương III gồm với 23 điều quy định về đăng ký thường trú, cụ thể: Thời hạn đăng ký thường trú; thẩm quyền đăng ký thường trú; xác nhận về việc trước đây công dân đã đăng ký thường trú; điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh; điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; điều kiện công dân tạm trú được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương; giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; thủ tục đăng ký thường trú; hồ sơ đăng ký thường trú; xoá đăng ký thường trú; thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; các trường hợp tạm thời chưa được giải quyết thủ tục thay đổi nơi cư trú; sổ hộ khẩu; cấp sổ hộ khẩu; sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình; sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình; tách sổ hộ khẩu; giấy chuyển hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu.   
- Chương IV gồm 09 điều quy định về đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, cụ thể: Thủ tục đăng ký tạm trú; cấp sổ tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; xóa tên trong sổ đăng ký tạm trú; lưu trú và thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng.
- Chương V gồm 03 điều quy định về trách nhiệm quản lý cư trú , cụ thể: Trách nhiệm của Bộ Công an về quản lý cư trú; trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quản lý cư trú; trách nhiệm của Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về quản lý cư trú; trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn về quản lý cư trú; kiểm tra cư trú; trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý cư trú; trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và công dân trong việc thực hiện các quy định về hộ khẩu; trách nhiệm của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú; tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về cư trú; người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; huỷ bỏ việc đăng ký thường trú, tạm trú trái pháp luật; cơ sở dữ liệu về cư trú; khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm.
- Chương VI (chương bổ sung) gồm 20 điều quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú bao gồm: (1) Bản khai nhân khẩu (ký hiệu là HK01) được sử dụng để công dân từ 14 tuổi trở lên kê khai trong các trường hợp: Khi làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; đã đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng chưa khai Bản khai nhân khẩu lần nào. (2) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (ký hiệu là HK02) được sử dụng để thông báo khi có sự thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu như: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú; xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú; tách sổ hộ khẩu; đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; cấp giấy chuyển hộ khẩu; xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú; gia hạn tạm trú. Khi có thay đổi những nội dung thông tin trong bản khai nhân khẩu thì công dân phải khai bổ sung bằng mẫu HK02 và chuyển cho cơ quan đăng ký, quản lý cư trú. (3) Phiếu xác minh hộ khẩu, nhân khẩu (ký hiệu là HK03) được sử dụng để xác minh những hộ, nhân khẩu có những thông tin chưa rõ, chưa thống nhất. (4) Phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu (ký hiệu là HK04) được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú, các đơn vị sử dụng để trao đổi thông tin khi có sự thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu. (5) Phiếu khai báo tạm vắng (ký hiệu là HK05) được sử dụng cho người phải khai báo tạm vắng khai báo với Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú. (6) Phiếu theo dõi hồ sơ hộ khẩu (ký hiệu là HK06) được cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập để phục vụ việc theo dõi, tra cứu hồ sơ hộ khẩu. (7) Giấy chuyển hộ khẩu (ký hiệu là HK07) được dùng để cấp cho các trường hợp chuyển nơi thường trú. (8) Sổ hộ khẩu (ký hiệu là HK08) được dùng để cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú. (9) Sổ tạm trú (ký hiệu là HK09A và HK09B) được dùng để cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú và có thời hạn tối đa là 24 (hai mươi bốn) tháng. Mẫu HK09A cấp cho hộ gia đình, mẫu HK09B cấp cho cá nhân. (10) Sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu (ký hiệu là HK10) được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú sử dụng để theo dõi, ghi chép thông tin quá trình giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thay đổi nơi đăng ký thường trú, tạm trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. (11) Sổ đăng ký thường trú (ký hiệu là HK11) được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú sử dụng để ghi chép kết quả đăng ký thường trú, điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, thay đổi nơi đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, tách sổ hộ khẩu, đổi sổ hộ khẩu, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu, xác nhận trước đây đã đăng ký thường trú. Mẫu HK11 được lập theo thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, đường phố, tổ dân phố hoặc theo nhà ở tập thể của các cơ quan, tổ chức. Khi có những thay đổi thông tin của từng nhân khẩu trong hộ, cơ quan Công an lập sổ phải tiến hành điều chỉnh kịp thời nội dung thay đổi. Mẫu HK11 là tài liệu gốc, có giá trị pháp lý để giải quyết các công việc liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú. Mẫu HK11 do Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập, lưu trữ và khai thác lâu dài. (12) Sổ đăng ký tạm trú (ký hiệu là HK12) được Công an xã, phường, thị trấn sử dụng để ghi chép kết quả đăng ký tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú; xóa đăng ký tạm trú; xác nhận nơi tạm trú; đổi, cấp lại sổ tạm trú, gia hạn tạm trú. (13) Sổ tiếp nhận lưu trú (ký hiệu là HK13) được Công an xã, phường, thị trấn sử dụng để theo dõi việc tiếp nhận thông báo lưu trú theo quy định của Luật Cư trú. (14) Túi hồ sơ hộ khẩu (ký hiệu là HK14) được Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sử dụng để lưu trữ hồ sơ hộ khẩu. Mỗi hộ đã đăng ký thường trú lập một túi hồ sơ hộ khẩu riêng. (15) Thống kê tình hình, kết quả đăng ký, quản lý cư trú (ký hiệu là HK15) được Công an các đơn vị, địa phương sử dụng để thống kê hộ khẩu, nhân khẩu, kết quả đăng ký, quản lý cư trú tại địa phương theo tháng, 06 tháng, hàng năm và báo cáo lên cơ quan Công an cấp trên. Ngoài ra chương này còn có các nội dung hướng dẫn về quy cách các biểu mẫu; in, phát hành và quản lý các biểu mẫu; yêu cầu ghi biểu mẫu; thông tin chung trong biểu mẫu; cách ghi bản khai nhân khẩu; cách ghi phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; cách ghi phiếu xác minh hộ khẩu, nhân khẩu; cách ghi phiếu thông tin thay đổi về hộ khẩu, nhân khẩu; cách ghi Phiếu khai báo tạm vắng; cách ghi phiếu theo dõi hồ sơ hộ khẩu; cách ghi giấy chuyển hộ khẩu; cách ghi sổ hộ khẩu; cách ghi sổ tạm trú; cách ghi sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu; cách ghi sổ đăng ký thường trú; cách ghi sổ đăng ký tạm trú; cách ghi sổ tiếp nhận lưu trú; cách ghi túi hồ sơ hộ khẩu; cách ghi thống kê tình hình, kết quả đăng ký, quản lý cư trú.
- Chương VII gồm 10 điều quy định về các nội dung như: Hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành; hướng dẫn thi hành; rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu.
Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Cư trú còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu, ví dụ như: Bộ luật dân sự; Luật hộ tịch; Luật thủ đô; Nghị định 53/2001/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành các hình phạt cấm cư trú và quản chế ngày 23/8/2001 của Chính phủ; Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình ngày 12/11/2013 của Chính phủ; Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch ngày 15/11/2015 của Chính phủ; Nghị định 137/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân ngày 31/12/2015 của Chính phủ...
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển đề mục Cư trú, toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực cư trú đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước đặc biệt là cơ quan công an và các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. 
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang