Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL trong các lĩnh vực quản lý ngoại thương, đầu tư công và điều kiện kinh doanh
Sign In

Tin hoạt động

Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL trong các lĩnh vực quản lý ngoại thương, đầu tư công và điều kiện kinh doanh

Được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 18/9/2020, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL trong các lĩnh vực quản lý ngoại thương, đầu tư công và điều kiện kinh doanh. Buổi Hội nghị do đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành; viện kiểm sát, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và đại diện một số doanh nghiệp, văn phòng luật sư, chuyên gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc, Đ/c Nguyễn Duy Thắng đã nêu rõ thực trạng hệ thống văn bản QPPL hiện nay khá cồng kềnh (với khoảng 8.800 văn bản ở cấp Trung ương), mỗi lĩnh vực lại được quy định tản mạn trong rất nhiều văn bản khiến cho việc tiếp cận quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức gặp nhiều khó khăn. Trong rất nhiều nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, Chính phủ đã trình UBTVQH thông qua Pháp lệnh Pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển - là nơi rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 271 Đề mục. Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 171/271 đề mục. Bên cạnh đó, qua việc pháp điển 171/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 05 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 8.800 văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.

Tại Hội nghị, Đ/c Trần Thanh Loan - Phó Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển và những quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, điều kiện kinh doanh và một số ngành nghề kinh doanh đặc thù; đ/c Bàn Thị Mai - Chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương trình bày chuyên đề “Một số vấn đề pháp lý đặt ra trong hệ thống văn bản QPPL về quản lý ngoại thương”. Theo đó, đề mục Một số hoạt động kinh doanh đặc thù có 44 văn bản có nội dung thuộc Đề mục, gồm 15 nghị định; 02 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 27 thông tư của Bộ và 12 văn bản QPPL khác có nội dung liên quan trực tiếp điến các nội dung của đề mục. Đề mục Quản lý ngoại thương có 80 văn bản có  nội dung thuộc đề mục, gồm: 01 luật, 10 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng và 64 Thông tư liên tịch, thông tư. Qua việc thực hiện pháp điển các đề mục về đầu tư, đầu tư công, điều kiện kinh doanh, một số ngành nghề kinh doanh đặc thù và quản lý ngoại thương phát hiện một số quy định có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không còn áp dụng nhưng chưa được xử lý về mặt hiệu lực. Trong đó, các đồng chí đã tập trung giới thiệu khái quát, đánh giá về hệ thống pháp luật cũng như chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bấy cập gây khó khăn cho việc áp dụng và thi hành pháp luật thông qua hoạt động pháp điển.

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã đánh giá Bộ pháp điển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực tiễn tra cứu, tìm kiếm QPPL của cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về tính hiệu lực, chính xác, kịp thời của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển; sự kiểm duyệt, cập nhật các văn bản như thế nào để tạo niềm tin hơn cho người tra cứu, bởi Bộ pháp điển chỉ mới được đưa vào sử dụng và còn ít người biết đến. Các đại biểu cũng đã trao đổi, đề xuất hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam như: Tiếp tục xóa bỏ những hạn chế về đầu tư, kinh doanh nhằm mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của nhà đầu tư; Tăng cường tính minh bạch, công khai của hệ thống pháp luật, chính sách về điều kiện đầu tư, kinh doanh; Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính về đầu tư, kinh doanh và nâng cao hiệu qủa quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, kinh doanh; Đảm bảo tính đồng bộ và hiệu qủa của việc thực hiện các cam kết quốc tế về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Về quản lý ngoại thương, các đại biểu cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp hoàn thiện đối với các quy định như: (i) Quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ; một số quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển khẩu, kinh doanh chuyển khẩu còn chung chung, chưa cụ thể; các quy định về CFS còn một số nội dung chưa thống nhất về mẫu cấp CFS, hình thức và ngôn ngữ thể hiện CFS giữa các bộ, ngành; (ii) Chính phủ chưa có hướng dẫn về chính sách phát triển các hoạt động hỗ trợ thương mại tại khu vực cửa khẩu biên giới theo Khoản 3 Điều 55 Luật Quản lý ngoại thương; (iii) Có sự giao thoa, không tách bạch giữa hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở và hoạt động thương mại biên giới, gây khó khăn cho hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước;  (iv) hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới được hưởng chính sách miễn thuế. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cơ chế mua gom theo Điều 14 Nghị định này đang bộc lộ những kẽ hở trong quản lý hóa đơn chứng từ hàng hóa, trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Qua đó, các thương nhân lợi dụng để gom hàng miễn thuế sau đó đưa vào tiêu thụ nội địa...

Kết thúc buổi Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đánh giá cao sự tham gia trao đổi, thảo luận của các đại biểu và ghi nhận những ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện Bộ pháp điển nói chung và các đề mục về đầu tư, đầu tư công, điều kiện kinh doanh, một số hoạt động kinh doanh đặc thù và quản lý ngoại thương. Đồng thời, đồng chí cũng mong muốn các đại biểu sẽ khai thác, sử dụng Bộ pháp điển cũng như giới thiệu đến các đồng nghiệp của mình để biết và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển cũng như tiếp tục góp ý để Bộ pháp điển hoàn thiện hơn nữa./.
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang