Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển” tại Thành phố Hồ Chí Minh
Sign In

Tin hoạt động

Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển” tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 19/5/2023, Cục Kiểm tra văn bản QPPL tổ chức Hội thảo “Tham vấn, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển” tại Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì. Tham dự Hội thảo có sự tham gia của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các quận, huyện; các sở, ban, ngành; Tòa án nhân dân; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Đoàn luật sư, Hội Luật gia, một số trường Đại học có chuyên ngành luật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và một số Sở Tư pháp lân cận.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đánh giá sơ lược về công tác xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam và sự cần thiết của việc hoàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển. Cụ thể, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Bộ pháp điển xác lập lộ trình xây dựng Bộ pháp điển diễn ra và hoàn thành trong thời hạn 10 năm (từ 2014 đến năm 2014). Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Bộ pháp điển đã có 265/271 đề mục được hoàn thành, đạt 97% khối lượng Bộ pháp điển. Bộ pháp điển cũng đã nhận những đón nhận tích cực của xã hội nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế về cấu trúc, giao diện chưa thân thiện, thuận tiện trong tra cứu, sử dụng; Bộ pháp điển chưa đăng tải thống nhất với các nguồn luật khác; công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển chưa đa dạng… Để tiếp tục hoàn thiện Bộ pháp điển trong thời gian tới, đưa Bộ pháp điển thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý hàn thiện thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển.
Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã trình bày khái quát về công tác xây dựng Bộ pháp điển và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Bộ pháp điển là tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành; các QPPL được sắp xếp theo một cấu trúc logic, khoa học, thống nhất giúp cá nhân, tổ chức dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật. Bộ pháp điển là sản phẩm chính thức của Nhà nước, được khai thác, sử dụng miễn phí. Đồng chí cũng đã tập trung hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển theo cấu trúc chủ đề, đề mục, danh mục văn bản và tra cứu theo từ khóa.
Tiếp theo, đồng chí Phùng Thị Hương, Chuyên viên Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã trình bày nội dung về mô hình và cách thức xây dựng bộ pháp điển của Pháp và Bộ pháp điển CFR của Mỹ - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước đã thực hiện pháp điển từ rất lâu và một số nước đã pháp điển thành công. Việt Nam đã học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới và đặc biệt là kinh nghiệm pháp điển của Cộng hòa Pháp và Hợp chủng quốc Hoa kỳ vào việc xác định mô hình, cấu trúc, kỹ thuật, trình tự, thủ tục pháp điển. Vì vậy, việc hoàn thiện thể chế trong giai đoạn tới cần tiếp tục nghiên cứu, học tập có chọn lọc kinh nghiệm mới của các nước nêu trên, các nước đã thực hiện pháp điển thành công cũng như các nước không thực hiện pháp điển nhưng có cách thức, hệ thống quản lý văn bản pháp luật khoa học, hiệu quả như Hàn Quốc, Nhật Bản…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những hạn chế, bất cập về thể chế và cấu trúc Bộ pháp điển ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả khai thác và sử dụng của Bộ pháp điển. Các đại biểu đóng góp ý kiến, có nhiều đề xuất kiến nghị như: Bộ Tư pháp và các bộ, ngành cần tiến hành rà soát lại hệ thống chủ đề, đề mục của Bộ pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực và được sắp xếp khoa học, hợp lý, thuận lợi trong tra cứu; tham khảo, học hỏi các công cụ tra cứu tiện ích đưa vào khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; nghiên cứu đào tạo về nội dung pháp điển trong hệ thống các cơ sở đào tạo có chuyên ngành Luật…
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo và nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế và Bộ pháp điển nhằm nâng cao chất lượng Bộ pháp điển và đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống./.
 
Hoàng Như Quỳnh
Chung nhan Tin Nhiem Mang