6. Thực hiện ghi chú trong Bộ pháp điển
Sign In

Hướng dẫn nghiệp vụ

6. Thực hiện ghi chú trong Bộ pháp điển

     Theo quy định tại Điều 6 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL, điều của Bộ pháp điển được ghi chú để nhận biết điều trong văn bản được pháp điển. Việc ghi chú cho điều trong Bộ pháp điển thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
     - Ghi chú là việc ghi rõ số thứ tự của điều trong văn bản được pháp điển; số, ký hiệu, tên, ngày tháng năm ban hành, cơ quan ban hành và thời điểm có hiệu lực của văn bản. Ghi chú được đặt trong ngoặc đơn ở dòng kế tiếp sau dòng về tên gọi của điều trong Bộ pháp điển bằng chữ in nghiêng, có cỡ chữ nhỏ hơn cỡ chữ của điều được ghi chú.
     - Tại điều đầu tiên của mỗi văn bản được pháp điển thì phải ghi chú đầy đủ các thành phần nêu trên; đối với các điều tiếp theo, thì chỉ ghi chú số thứ tự của điều; số, ký hiệu, thời điểm có hiệu lực của văn bản.
Ví dụ:
     + Khi đưa nội dung Điều 1 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật vào đề mục, ghi chú được trình bày như sau:
     "Điều 44.7.PL.1 Phạm vi điều chỉnh
     (Điều 1 Pháp lệnh số 03/2012/UBTVQH13 ngày 16/4/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013)
     Pháp lệnh này quy định nguyên tắc, ..."
     + Các điều tiếp theo của Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật khi được pháp điển vào đề mục, ghi chú được trình bày như sau:
     "Điều 44.7.PL.2. Giải thích từ ngữ
     (Điều 2 Pháp lệnh số 03/2012/UBTVQH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013)
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau: ..."
     - Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ điều, khoản, điểm của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì khi thực hiện pháp điển, phải ghi chú về nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ, số, ký hiệu và thời điểm có hiệu lực của văn bản hủy bỏ, bãi bỏ.
     - Trường hợp nội dung của điều trong văn bản được pháp điển bị sửa đổi, bổ sung thì bổ sung phần ghi chú về nội dung sửa đổi, bổ sung, số, ký hiệu của văn bản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực của văn bản.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang