Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 13/2014/TT-BTP quy định: “Cơ quan được phân công chủ trì thực hiện pháp điển phối hợp với cơ quan liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục. Kế hoạch thực hiện pháp điển xác định cụ thể cơ quan thực hiện pháp điển đối với từng văn bản trong đề mục”. Như vậy, cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển có trách nhiệm ban hành kế hoạch pháp điển cho mỗi đề mục.
- Trước tiên, cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xác định các văn bản sử dụng để pháp điển (văn bản thuộc nội dung của đề mục và văn bản có nội dung liên quan), qua đó xác định được các cơ quan có thẩm quyền pháp điển các QPPL trong văn bản thuộc đề mục.
- Sau khi đã xác định được các văn bản sử dụng để pháp điển và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển đối với mỗi văn bản, cơ quan chủ trì ban hành Kế hoạch cần có các nội dung cơ bản sau: Danh mục các văn bản sử dụng để pháp điển; cơ quan thực hiện pháp điển; cụ thể đơn vị chuyên môn được giao chủ trì thực hiện pháp điển và thời hạn hoàn thành đối với từng đầu việc cụ thể.
Ví dụ: Trên cơ sở Quyết định số 2748/QĐ-BTP ngày 16/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Cục Kiểm tra văn bản QPPL được giao chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Kiểm tra và xử lý văn bản QPPL. Cục Kiểm tra văn bản đã triển khai thực hiện pháp điển đề mục này; đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xác định các văn bản sử dụng để pháp điển (văn bản thuộc nội dung của đề mục và văn bản có nội dung liên quan) và xây dựng Kế hoạch thực hiện pháp điển đối với đề mục, trong đó xác định các đơn vị, cơ quan phối hợp thực hiện pháp điển đối với các QPPL trong các văn bản QPPL sử dụng để pháp điển và xác định thời hạn hoàn thành theo từng đầu việc.