Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Thuế tài nguyên
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Thuế tài nguyên

Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tài chính đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Thuế tài nguyên (Đề mục số 9 thuộc Chủ đề số 33). Đến nay, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Thuế tài nguyên, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác”.
Đề mục Thuế tài nguyên có cấu trúc được xây dựng theo cấu trúc của Luật thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 ban hành ngày 25/11/2009 gồm 04 chương với 11 điều. Theo đó, đề mục Thuế Tài nguyên được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 05 văn bản (01 Luật, 01 Nghị định, 01 Nghị quyết và 02 Thông tư), cụ thể như sau: Luật 45/2009/QH12 Thuế tài nguyên và Luật 71/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 Ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên; Nghị định 50/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tài nguyên và Nghị định 12/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; Thông tư 152/2015/TT-BTC Hướng dẫn về thuế tài nguyên và Thông tư 12/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2015 hướng dẫn về thuế tài nguyên và Thông tư 174/2016/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung điểm a Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 152/2015/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế tài nguyên; Thông tư 44/2017/TT-BTC Quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Thuế tài nguyên” như sau:
- Chương I gồm 03 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng chịu thuế gồm: Khoáng sản kim loại; Khoáng sản không kim loại; Dầu thô; Khí thiên nhiên, khí than; Sản phẩm của rừng tự nhiên, trừ động vật; Hải sản tự nhiên, bao gồm động vật và thực vật biển; Nước thiên nhiên, bao gồm nước mặt và nước dưới đất; Yến sào thiên nhiên; Tài nguyên khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định; Người nộp thuế gồm: Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên; Người nộp thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau: (a) Doanh nghiệp khai thác tài nguyên được thành lập trên cơ sở liên doanh thì doanh nghiệp liên doanh là người nộp thuế; (b) Bên Việt Nam và bên nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh khai thác tài nguyên thì trách nhiệm nộp thuế của các bên phải được xác định cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh; (c) Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua và tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua cam kết chấp thuận bằng văn bản về việc kê khai, nộp thuế thay cho tổ chức, cá nhân khai thác thì tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.
- Chương II gồm 04 điều quy định căn cứ tính thuế. Cụ thể: Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Sản lượng tài nguyên tính thuế gồm: Đối với tài nguyên khai thác xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thì sản lượng tài nguyên tính thuế là số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của tài nguyên thực tế khai thác trong kỳ tính thuế. Đối với tài nguyên khai thác chưa xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác do chứa nhiều chất, tạp chất khác nhau thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định theo số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng của từng chất thu được sau khi sàng tuyển, phân loại. Đối với tài nguyên khai thác không bán mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm. Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện thì sản lượng tài nguyên tính thuế là sản lượng điện của cơ sở sản xuất thuỷ điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện hoặc sản lượng điện giao nhận trong trường hợp không có hợp đồng mua bán điện được xác định theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam, có xác nhận của bên mua, bên bán hoặc bên giao, bên nhận. Đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên, nước thiên nhiên dùng cho mục đích công nghiệp thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định bằng mét khối (m3) hoặc lít (I) theo hệ thống đo đếm đạt tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam. Đối với tài nguyên được khai thác thủ công, phân tán hoặc khai thác lưu động, không thường xuyên, sản lượng tài nguyên khai thác dự kiến trong một năm có giá trị dưới 200.000.000 đồng thì thực hiện khoán sản lượng tài nguyên khai thác theo mùa vụ hoặc định kỳ để tính thuế. Cơ quan thuế phối hợp với cơ quan có liên quan ở địa phương xác định sản lượng tài nguyên khai thác được khoán để tính thuế; Giá tính thuế: Giá tính thuế tài nguyên là giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp tài nguyên chưa xác định được giá bán thì giá tính thuế tài nguyên được xác định theo một trong những căn cứ sau: (a) Giá bán thực tế trên thị trường khu vực của đơn vị sản phẩm tài nguyên cùng loại nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; (b) Trường hợp tài nguyên khai thác có chứa nhiều chất khác nhau thì giá tính thuế xác định theo giá bán đơn vị của từng chất và hàm lượng của từng chất trong tài nguyên khai thác nhưng không thấp hơn giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Giá tính thuế tài nguyên trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau: (a) Đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện là giá bán điện thương phẩm bình quân; (b) Đối với gỗ là giá bán tại bãi giao; trường hợp chưa xác định được giá bán tại bãi giao thì giá tính thuế được xác định căn cứ vào giá tính thuế do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định; (c) Đối với tài nguyên khai thác không tiêu thụ trong nước mà xuất khẩu là giá xuất khẩu; (d) Đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than là giá bán tại điểm giao nhận. Điểm giao nhận là điểm được thoả thuận trong hợp đồng dầu mà ở đó dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu khí. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá tính thuế đối với tài nguyên chưa xác định được giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên, trừ dầu thô, khí thiên nhiên, khí than và nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện; Thuế suất: Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên được quy định cụ thể trong Luật thuế tài nguyên; Thuế suất cụ thể đối với dầu thô, khí thiên nhiên, khí than được xác định lũy tiến từng phần theo sản lượng dầu thô, khí thiên nhiên, khí than khai thác bình quân mỗi ngày; Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ bảo đảm các nguyên tắc sau: Phù hợp với danh mục nhóm, loại tài nguyên và trong phạm vi khung thuế suất do Quốc hội quy định; Góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên; bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên; Góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường.
- Chương III gồm 02 điều quy định về kê khai, nộp thuế, miễn, giảm thuế. Người nộp thuế tài nguyên thực hiện đăng ký, kê khai, tính và nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Miễn, giảm thuế như sau: Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau; Miễn thuế đối với hải sản tự nhiên; Miễn thuế đối với cành, ngọn, củi, tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh, vầu, lồ ô do cá nhân được phép khai thác phục vụ sinh hoạt; Miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thuỷ điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt; Miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp; nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt; Miễn thuế đối với đất khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều; Trường hợp khác được miễn, giảm thuế do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định.
 - Chương IV gồm 02 điều quy định về hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành như: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực: Pháp lệnh thuế tài nguyên số 05/1998/PL-UBTVQH10; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên số 07/2008/PL-UBTVQH12. Đối với dự án đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã được ký kết trước ngày 01 tháng 7 năm 2010 mà trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí có quy định về thuế tài nguyên thì thực hiện theo quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí đã ký kết. Trường hợp ưu đãi về thuế tài nguyên quy định tại Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc hợp đồng dầu khí thấp hơn ưu đãi về thuế tài nguyên quy định tại Luật này thì áp dụng ưu đãi về thuế theo quy định của Luật này cho thời gian còn lại. Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Thuế tài nguyên còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu. Ví dụ như: Luật 10/2008/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí; Nghị định 83/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định 203/2013/NĐ-CP Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Nghị định 158/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản; Nghị định 82/2017/NĐ-CP Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT Quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến; Thông tư 156/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ; Thông tư 38/2017/TT-BTNMT Quy định phương pháp quy đổi từ giá tính thuế tài nguyên để xác định giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Thuế tài nguyên đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Thuế tài nguyên đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Qua đó có thể thấy hệ thống pháp luật về Thuế tài nguyên đã và đang từng bước được hoàn thiện và ổn định./.
Vũ Thị Mai
Chung nhan Tin Nhiem Mang