Cập nhật Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL ngày 15/10/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào đề mục Thư viện
Ngày 15/10/2018, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL quy định về hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018). Đây là văn bản có nội dung thuộc đề mục Thư viện.
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy đinh chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện việc cập nhật QPPL mới ban hành trong Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL theo quy định. Theo đó, các quy định mới được pháp điển bổ sung vào đề mục Thư viện theo Thông tư số 33/2018/TT-BVHTTDL có nội dung như sau:
- Nguyên tắc hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu gồm: Tuân thủ quy tắc, quy trình nghiệp vụ thư viện và các quy định của pháp luật có liên quan; Đảm bảo an toàn về con người và tài sản của thư viện; Chủ động, kịp thời, linh hoạt; đảm bảo cung cấp cơ hội tiếp cận với tài liệu, xây dựng không gian đọc, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí cho mọi đối tượng, đặc biệt là thiếu nhi, người cao tuổi và người khuyết tật; Ứng dụng công nghệ thông tin và các dịch vụ thư viện điện tử nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; Có sự phối hợp giữa thư viện và các cơ quan liên quan nhằm chia sẻ và phát huy hiệu quả nguồn lực, tiện ích cho người sử dụng.
- Các yếu tố đảm bảo cho hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu gồm: Tài liệu phục vụ hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển được lấy từ vốn tài liệu của thư viện; Nguồn nhân lực tham gia hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu; Nguồn kinh phí cho hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu; Trang thiết bị, phương tiện cho hoạt động thư viện lưu động hoặc luân chuyển tài liệu căn cứ theo yêu cầu của từng nhiệm vụ.
- Hoạt động thư viện lưu động gồm: Lựa chọn, bổ sung tài liệu (Khảo sát nhu cầu của người sử dụng trên địa bàn, ưu tiên tài liệu phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, tài liệu phục vụ thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, tài liệu phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số; Bổ sung tài liệu phục vụ bằng các hình thức mua, trao đổi, nhận biếu tặng; Đảm bảo có ít nhất 03 bản trở lên với 01 tên sách và không thuộc đối tượng là tài liệu quý hiếm của thư viện); Xử lý tài liệu và tổ chức bộ máy tra cứu theo quy định; Cung cấp các dịch vụ thư viện (Tổ chức không gian đọc, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ đọc tại chỗ; Tư vấn sử dụng các nguồn tài liệu của thư viện khi người sử dụng có nhu cầu; Truy cập máy tính và internet công cộng; Tổ chức các hoạt động khuyến đọc; Các dịch vụ khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện theo quy định của pháp luật); Truyền thông, vận động (Xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động gắn với các sự kiện của đất nước, của địa phương và các sự kiện khác của thư viện theo quy định của pháp luật; Hướng dẫn phương pháp đọc, tra cứu thông tin; Trưng bày, triển lãm giới thiệu sách, tổ chức ngày hội sách và văn hóa đọc, các cuộc thi về sách và các hoạt động văn hóa khác; Tuyên truyền, quảng bá về thư viện và các dịch vụ của thư viện nhằm thu hút người sử dụng); Tổng kết, đánh giá hoạt động Kiểm kê số lượng, thống kê tài liệu bị hư hại, bị mất để có phương án phục chế, thanh lọc tài liệu theo quy định. Tài liệu bị hư hại không còn khả năng phục chế hoặc bị mất được đưa vào danh mục tài liệu thư viện đề nghị thanh lọc theo quy định của pháp luật; Thực hiện thống kê, đánh giá hiệu quả phục vụ bao gồm: lượt người được phục vụ, lượt tài liệu đưa ra phục vụ và các chỉ tiêu khác theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này).
- Luân chuyển tài liệu gồm: Lựa chọn địa điểm luân chuyển, ưu tiên đối với các điểm xa trung tâm, điểm có thư viện huyện, xã gặp khó khăn về vốn tài liệu hoặc người dân có nhu cầu sử dụng tài liệu cao; Lựa chọn, bổ sung tài liệu; Sau khi bàn giao tài liệu cho điểm luân chuyển, thư viện có trách nhiệm như: Lập biên bản bàn giao tài liệu, Hướng dẫn cho nhân viên tại điểm luân chuyển về phương pháp tổ chức tài liệu, Yêu cầu nhân viên tại điểm luân chuyển thống kê lượt người đến sử dụng, lượt tài liệu luân chuyển được phục vụ và nhu cầu của người sử dụng đối với các tài liệu; Tổng kết, đánh giá hoạt động luân chuyển (Kiểm kê số lượng, thống kê tài liệu bị hư hại, bị mất để có phương án phục chế, thanh lọc tài liệu theo quy định. Tài liệu bị hư hại không còn khả năng phục chế hoặc bị mất được đưa vào danh mục tài liệu thư viện đề nghị thanh lọc theo quy định của pháp luật; Thu thập báo cáo về hiệu quả sử dụng tài liệu luân chuyển của điểm luân chuyển theo nội dung quy định tại điểm c khoản 3 Điều này và xây dựng danh mục các tài liệu dự kiến sẽ luân chuyển tiếp theo).
- Trách nhiệm của thư viện trong hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu gồm: Xây dựng kế hoạch phù hợp với nhu cầu, điều kiện lao động, học tập và sinh hoạt của người dân, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, trình cơ quan chủ quản phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu theo quy định tại Thông tư này; Thực hiện báo cáo định kỳ, hàng năm và báo cáo đột xuất về tình hình hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu cho cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước về thư viện theo quy định của pháp luật; Huy động nguồn xã hội hóa nhằm tăng cường nguồn lực cho hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu; Quản lý nhân lực, tài chính, tài sản của thư viện trong quá trình hoạt động. Thực hiện bảo quản tài liệu, kiểm kê, thống kê tài sản sau mỗi đợt phục vụ; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài liệu gồm: Chấp hành nội quy, quy định của thư viện và quy định của pháp luật; Tham gia bảo quản vốn tài liệu và các thiết bị thư viện theo quy định; Tổ chức, cá nhân tiếp nhận hoạt động phục vụ lưu động và luân chuyển tài liệu, ngoài việc chấp hành quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, có trách nhiệm: Bố trí địa điểm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội; Phối hợp với thư viện trong việc triển khai các hoạt động phục vụ người sử dụng; Sau khi nhận tài liệu luân chuyển phải triển khai các hoạt động phục vụ người sử dụng, thống kê kết quả phục vụ theo quy định./.
Vũ Thị Mai