Cập nhật nội dung các quy định của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/03/2020 của Chính phủ vào đề mục Theo dõi tình hình thi hành pháp luật
Ngày 05 tháng 3 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Nghị định này do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo và có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2020). Nghị định số 32/2020/NĐ-CP gồm 03 điều, trong đó nội dung chính tập trung ở Điều 1 (với 9 khoản quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP) và Điều 2 của Nghị định này (quy định bãi bỏ khoản 2 Điều 15 về trách nhiệm của Bộ Tư pháp "Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ tiêu thống kê quốc gia làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại Nghị định này", bãi bỏ khoản 2 Điều 16 về trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ "Ban hành Chỉ tiêu thống kê ngành làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo quy định" tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP).
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp, https://moj.gov.vn), Nghị định số 32/2020/NĐ-CP được ban hành nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (chẳng hạn như Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hiện tại chưa điều chỉnh đầy đủ, toàn diện công tác theo dõi thi hành pháp luật trong khi phạm vi lĩnh vực theo dõi rộng và tiêu chí đánh giá chưa cụ thể, rõ ràng, chưa xây dựng được cơ chế huy động sự tham gia, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân, công dân trong công tác theo dõi thi hành pháp luật) và tạo khung pháp lý chặt chẽ kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo trật tự kỷ cương luật pháp và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước và xã hội. Theo đó, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP: (1) Sửa đổi, bổ sung quy định về xây dựng, ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (2) Bổ sung quy định cụ thể hơn về việc xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật: (3) Sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn gửi Báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tư pháp sao cho đồng bộ và phù hợp với quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước.
Căn cứ theo nguyên tắc của kỹ thuật pháp điển quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thực hiện cập nhật, pháp điển bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung đối với các quy định được sửa đổi, bổ sung của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP theo quy định tại Điều 1 và Điều 3 (Điều khoản thi hành) của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP vào đề mục Theo dõi tình hình thi hành pháp luật (đề mục số 11 thuộc Chủ đề số 44 của Bộ pháp điển), đối với quy định tại Điều 2 của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP thì thực hiện gỡ bỏ nội dung khoản 2 Điều 15, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP bị bãi bỏ và thực hiện ghi chú theo quy định. Theo đó, các điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP (văn bản giá trị pháp lý cao nhất của đề mục Theo dõi tình hình thi hành pháp luật và cấu trúc của Nghị định này làm cấu trúc của đề mục) đã được mã hóa, pháp điển vào đề mục có nội dung được sửa đổi, bổ sung hoặc có thêm một số điều được bổ sung mới, cụ thể như sau: Điều 44.11.NĐ.6. Sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật ; Điều 44.11.NĐ.10a. Xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật; Điều 44.11.NĐ.11a. Xây dựng, ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Điều 44.11.NĐ.12. Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật; Điều 44.11.NĐ.14. Xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Điều 44.11.NĐ.15. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp (trong đó đáng lưu ý là khoản 5 được sửa đổi, bổ sung về thời hạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ với nội dung như sau: "Hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi cả nước chậm nhất vào ngày 25 tháng 12 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 15 tháng 12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14 tháng 12 của kỳ báo cáo"); Điều 44.11.NĐ.16. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trong đó đáng lưu ý là khoản 6 được sửa đổi, bổ sung với nội dung như sau: "Hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 30 tháng 11 của kỳ báo cáo"); Điều 44.11.NĐ.17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp (trong đó đáng lưu ý là khoản 5 được sửa đổi, bổ sung với nội dung như sau: "Hằng năm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chậm nhất vào ngày 10 tháng 12 của kỳ báo cáo. Thời gian chốt số liệu báo cáo tính từ ngày 01 tháng 12 của năm trước kỳ báo cáo đến ngày 30 tháng 11 của kỳ báo cáo. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện việc báo cáo về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp."; Điều 44.11.NĐ.18. Phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật.
Trong đó, một trong những quy định được sửa đổi, bổ sung đáng lưu ý của Nghị định số 32/2020/NĐ-CP chính là nội dung quy định tại Điều 44.11.NĐ.18 trên về việc phối hợp theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Cụ thể: (1) Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức khác có liên quan trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (2) Căn cứ yêu cầu cụ thể của từng hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp đề nghị các cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo các nội dung sau đây: + Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cung cấp thông tin về tình hình thi hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử; + Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cung cấp thông tin, kiến nghị của nhân dân thông qua hoạt động giám sát tình hình thi hành pháp luật; + Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các đoàn luật sư cung cấp ý kiến, kiến nghị của các luật gia, luật sư về các vấn đề pháp lý liên quan đến tình hình thi hành pháp luật; + Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hội nghề nghiệp cung cấp ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, các hội viên về tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn, áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của văn bản pháp luật và các vấn đề có liên quan khác; + Các cơ quan thông tin đại chúng cung cấp ý kiến phản ánh của dư luận xã hội về tình hình thi hành pháp luật)./.
Huỳnh Hữu Phương