Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Giao thông đường thủy nội địa
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ở Trung ương có thẩm quyền ban hành còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Giao thông đường thủy nội địa

 
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Giao thông đường thủy nội địa (Đề mục 3, Chủ đề 14. Giao thông, vận tải). Đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Giao thông đường thủy nội địa, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Giao thông, vận tải”.
Đề mục Giao thông đường thủy nội địa có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật số 23/2004/QH11 về Giao thông đường thủy nội địa, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 48/2014/QH13 ngày 17/06/2014 của Quốc hội (gồm 10 chương với 104[1] điều) và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Bộ Giao thông vận tải xác định 74[2] văn bản có nội dung thuộc đề mục, gồm 01 luật; 08 nghị định; 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 05 quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; 53 thông tư và 04 thông tư liên tịch (trong đó có 72 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Giao thông vận tải, 01 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tài chính, 01 văn bản thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công an) và 12 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục.
Đề mục Giao thông đường thủy nội địa có các nội dung chính như sau:
- Chương I gồm các quy định chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc hoạt động giao thông đường thủy nội địa; Chính sách phát triển giao thông đường thủy nội địa; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; Các hành vi bị cấm.
- Chương II gồm các quy định về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa như: Kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gồm đường thủy nội địa; hành lang bảo vệ luồng; cảng, bến thủy nội địa; khu neo đậu ngoài cảng; kè, đập giao thông, báo hiệu đường thủy nội địa và các công trình phụ trợ khác. Đường thủy nội địa được phân loại thành đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa địa phương và đường thủy nội địa chuyên dùng. Đường thủy nội địa được chia thành các cấp kỹ thuật. Trách nhiệm tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa được phân cấp như sau: Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa địa phương; Tổ chức, cá nhân có đường thủy nội địa chuyên dùng tổ chức quản lý, bảo trì đường thủy nội địa chuyên dùng được giao. Tổ chức, cá nhân theo quy định phải bố trí lực lượng quản lý, bảo trì đường thủy nội địa. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc phân loại, phân cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn cấp kỹ thuật, công bố tuyến đường thủy nội địa và quy định việc tổ chức quản lý đường thủy nội địa; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là quy hoạch ngành quốc gia. Việc lập, phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch và bảo đảm phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi tổ chức lập quy hoạch, dự án xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa phải có ý kiến tham gia bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa, trừ công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê. Bộ Giao thông vận tải tổ chức lập quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch; tổ chức lập nội dung phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong quy hoạch vùng.  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nội dung phương án phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trong quy hoạch tỉnh trên cơ sở quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng; Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Báo hiệu đường thủy nội địa; Cảng, bến thủy nội địa; Nội dung và phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Bảo vệ luồng; Hành lang bảo vệ luồng; Bảo vệ kè, đập giao thông; Bảo vệ các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Trách nhiệm bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Thanh thải vật chướng ngại; Hạn chế giao thông trên đường thủy nội địa; Quản lý, bảo trì đường thủy nội địa; Nguồn tài chính để quản lý, bảo trì đường thủy nội địa.
- Chương III gồm các quy định về phương tiện thủy nội địa như: Điều kiện hoạt động của phương tiện (Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau: Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện; Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định; Đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện quy định theo quy định; Đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa và bảo đảm điều kiện an toàn như sau: Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị rò nước vào bên trong; phương tiện phải thắp một đèn có ánh sáng trắng ở nơi dễ nhìn nếu hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện và có đủ áo phao hoặc dụng cụ cứu sinh cho số người được phép chở trên phương tiện; Máy lắp trên phương tiện phải chắc chắn, an toàn, dễ khởi động và hoạt động ổn định; Phương tiện phải được kẻ hoặc gắn số đăng ký, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện; Phương tiện phải được sơn vạch dấu mớn nước an toàn và khi chở người, chở hàng không được ngập qua vạch dấu mớn nước an toàn. Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn một vạch có màu khác với màu sơn mạn phương tiện; vạch sơn có chiều rộng 25 milimét, chiều dài 250 milimét nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài lớn nhất của phương tiện; mép trên của vạch sơn cách mép mạn 100 milimét đối với phương tiện chở hàng, cách mép mạn 200 milimét đối với phương tiện chở người; Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm điều kiện an toàn theo quy định; Phương tiện phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ); Đăng ký phương tiện: Phương tiện có nguồn gốc hợp pháp, đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký; Đăng kiểm phương tiện; Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện; Phương tiện nhập khẩu.
- Chương IV gồm các quy định về thuyền viên và người lái phương tiện. Chức danh và tiêu chuẩn chức danh thuyền viên: Chức danh thuyền viên trên phương tiện bao gồm thuyền trưởng, thuyền phó, máy trưởng, máy phó, thủy thủ, thợ máy. Chủ phương tiện, người thuê phương tiện có trách nhiệm bố trí đủ các chức danh, định biên thuyền viên làm việc trên phương tiện và lập danh bạ thuyền viên theo quy định; Thuyền viên làm việc trên phương tiện phải bảo đảm các điều kiện theo quy định; Bộ trưởng Bộ Y tế thống nhất với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn sức khỏe của thuyền viên; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ trách nhiệm và định biên thuyền viên của từng loại phương tiện, trừ trường hợp theo quy định; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định tiêu chuẩn chức danh, chế độ trách nhiệm và định biên thuyền viên của phương tiện làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn: Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng có thời hạn 05 năm và được phân hạng theo quy định; Chứng chỉ chuyên môn bao gồm chứng chỉ huấn luyện an toàn cơ bản, chứng chỉ nghiệp vụ và chứng chỉ chuyên môn đặc biệt; Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện bị thu hồi hoặc bị tước quyền sử dụng theo quy định của pháp luật; Đào tạo, cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ chuyên môn; Điều kiện dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng; Đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng; Đảm nhiệm chức danh máy trưởng; Điều kiện của người lái phương tiện; Trình báo đường thủy nội địa.
- Chương V quy định về quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện. Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi điều khiển phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân theo quy tắc giao thông và báo hiệu đường thủy nội địa. Thuyền trưởng tàu biển, tàu cá khi điều khiển tàu biển, tàu cá hoạt động trên đường thủy nội địa phải tuân theo báo hiệu đường thủy nội địa và quy tắc giao thông quy định đối với phương tiện có động cơ. Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình phải điều khiển phương tiện với tốc độ an toàn để có thể xử lý các tình huống tránh va, không gây mất an toàn đối với phương tiện khác hoặc tổn hại đến các công trình; giữ khoảng cách an toàn giữa phương tiện mình đang điều khiển với phương tiện khác; phải giảm tốc độ của phương tiện trong các trường hợp sau đây: Đi gần phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng, phương tiện bị nạn, phương tiện chở hàng nguy hiểm; Đi trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; Đi gần đê, kè khi có nước lớn. Thuyền trưởng, người lái phương tiện khi hành trình không được bám, buộc phương tiện của mình vào phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm đang hành trình hoặc để phương tiện chở khách, phương tiện chở hàng nguy hiểm bám, buộc vào phương tiện của mình, trừ trường hợp cứu hộ, cứu nạn hoặc trường hợp bất khả kháng. Khi hành trình trong điều kiện có sương mù, mưa to hoặc vì lý do khác mà tầm nhìn bị hạn chế, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện đồng thời phát âm hiệu theo quy định và phải có người cảnh giới ở những vị trí cần thiết trên phương tiện. Trường hợp không nhìn rõ đường thì phải neo đậu phương tiện, bố trí người cảnh giới và phát âm hiệu theo quy định. Khi phương tiện đi vào nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện, phát tín hiệu nhiều lần theo quy định và đi sát về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện qua khỏi nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế. Những phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt sau đây được ưu tiên đi trước khi qua âu tàu, cống, đập, cầu không mở thường xuyên, nơi có điều tiết giao thông, luồng giao nhau, luồng cong gấp, theo thứ tự sau đây: Phương tiện chữa cháy; Phương tiện cứu nạn; Phương tiện hộ đê; Phương tiện của quân đội, công an làm nhiệm vụ khẩn cấp; Phương tiện, đoàn phương tiện có công an hộ tống hoặc dẫn đường. Phương tiện phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định. Thuyền trưởng, người lái phương tiện của phương tiện không quy định tại khoản 1 Điều này khi thấy tín hiệu của phương tiện làm nhiệm vụ đặc biệt phải giảm tốc độ phương tiện của mình, đi sát về một phía luồng để nhường đường. Khi hai phương tiện đi đối hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây: Phương tiện đi ngược nước phải tránh và nhường đường cho phương tiện đi xuôi nước. Trường hợp nước đứng, phương tiện nào phát tín hiệu xin đường trước thì phương tiện kia phải tránh và nhường đường; Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ, phương tiện có động cơ công suất nhỏ hơn phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ công suất lớn hơn, phương tiện đi một mình phải tránh và nhường đường cho đoàn lai; Mọi phương tiện phải tránh bè và tránh phương tiện có tín hiệu mất chủ động, phương tiện bị nạn, phương tiện đang thực hiện nghiệp vụ trên luồng. Khi tránh nhau, phương tiện được nhường đường phải chủ động phát tín hiệu điều động theo quy định và đi về phía luồng đã báo, phương tiện kia phải tránh và nhường đường. Khi hai phương tiện đi cắt hướng nhau có nguy cơ va chạm, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ, tránh và nhường đường theo nguyên tắc sau đây: Phương tiện thô sơ phải tránh và nhường đường cho phương tiện có động cơ; Mọi phương tiện phải tránh bè; Phương tiện có động cơ nào nhìn thấy phương tiện có động cơ khác bên mạn phải của mình thì phải tránh và nhường đường cho phương tiện đó. Phương tiện khi di chuyển bằng buồm tránh nhau theo nguyên tắc sau đây: Thuyền đi thuận gió tránh thuyền đi ngược gió; Thuyền được gió mạn trái tránh thuyền được gió mạn phải; Thuyền đi trên gió tránh thuyền đi dưới gió. Phương tiện thô sơ khác phải tránh thuyền buồm. Phương tiện vượt nhau thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Phương tiện xin vượt phải phát âm hiệu một tiếng dài, lặp lại nhiều lần; Phương tiện bị vượt, khi nghe thấy âm hiệu xin vượt, nếu thấy an toàn phải giảm tốc độ và phát âm hiệu điều động theo quy định và đi về phía luồng đã báo cho đến khi phương tiện xin vượt đã vượt qua; nếu không thể cho vượt thì phát âm hiệu 5 tiếng ngắn; Phương tiện xin vượt, khi nghe thấy âm hiệu điều động của phương tiện bị vượt thì mới được vượt; khi vượt phải phát âm hiệu báo phía vượt của mình và phải giữ khoảng cách ngang an toàn với phương tiện bị vượt. Phương tiện xin vượt không được vượt trong các trường hợp sau đây: Nơi có báo hiệu cấm vượt; Phía trước có phương tiện đi ngược lại hay có vật chướng ngại; Nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp hoặc có báo hiệu chiều rộng luồng hạn chế; Khi đi qua khoang thông thuyền của cầu, cống, âu tàu, khu vực điều tiết giao thông; Trường hợp khác không bảo đảm an toàn. Trước khi đưa phương tiện đi qua khoang thông thuyền, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây: Nắm vững các thông số chiều rộng, chiều cao của khoang thông thuyền, tình trạng luồng và dòng chảy; Kiểm tra hệ thống lái, neo, đệm chống va, sào chống; Trường hợp là đoàn lai, phải lập phương án lắp ghép đội hình phù hợp với chiều rộng và chiều cao của khoang thông thuyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thuyền viên. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện qua khoang thông thuyền khi xét thấy đủ điều kiện an toàn; trường hợp cần thiết, phải xin chỉ dẫn của bộ phận điều tiết giao thông hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa. Thuyền trưởng, người lái phương tiện phải điều khiển phương tiện đi đúng khoang có báo hiệu thông thuyền; đối với những khoang thông thuyền có phao dẫn luồng, phải điều khiển phương tiện đi trong giới hạn của hai hàng phao. Nơi khoang thông thuyền có dòng nước xoáy hoặc chảy xiết, nếu thấy không an toàn, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải tìm biện pháp để đưa phương tiện qua khoang thông thuyền an toàn; trường hợp phải chờ qua khoang thông thuyền, phương tiện phải được neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn và bố trí người trực trên phương tiện. Những nơi có điều tiết giao thông, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh của người điều tiết giao thông. Neo đậu phương tiện trong cảng, bến thủy nội địa phải đúng nơi quy định, chấp hành nội quy của cảng, bến thủy nội địa và phải bố trí người trông coi phương tiện. Phương tiện neo đậu ở phía bờ phải để thuyền viên của các phương tiện đậu ở phía ngoài và những người thi hành công vụ đi qua. Trong trường hợp cần neo đậu phương tiện ở ngoài phạm vi cảng, bến thủy nội địa để hành khách lên xuống hoặc xếp, dỡ hàng hóa phải được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa. Phương tiện khác chỉ được cập mạn để đón trả hành khách, chuyển tải hàng hóa khi phương tiện này đã neo đậu xong. Trước khi rời cảng, bến thủy nội địa hoặc vị trí neo đậu, phương tiện phải phát âm hiệu, nếu thấy bảo đảm an toàn mới được nhổ neo. Phương tiện không được neo đậu ở giữa luồng, khu vực luồng giao nhau, luồng cong gấp, luồng hẹp, luồng bị hạn chế trong hành lang bảo vệ cầu hoặc các công trình khác và những nơi có báo hiệu cấm neo đậu. Phương tiện thủy nước ngoài là phương tiện thủy đã đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký mang cờ quốc tịch của nước ngoài. Phương tiện thủy nước ngoài khi đến và rời cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật về hàng hải như đối với tàu thuyền đến, rời cảng biển Việt Nam. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, khai thác, sử dụng cảng thủy nội địa được phép tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh; phòng, chống cháy, nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật.
- Chương VI bao gồm các quy định về hoạt động cảng, bến thủy nội địa, cảng vụ và hoa tiêu đường thủy nội địa. Cảng, bến thủy nội địa chỉ được hoạt động khi bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Chủ đầu tư cảng, bến thủy nội địa trực tiếp khai thác hoặc cho thuê khai thác cảng, bến thủy nội địa. Kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa, phục vụ hành khách tại cảng, bến thủy nội địa là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định về quản lý hoạt động đối với cảng, bến thủy nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện quản lý hoạt động của bến khách ngang sông và các cảng, bến thủy nội địa được phân cấp cho địa phương quản lý. Trong quá trình khai thác cảng, bến thủy nội địa, chủ cảng, bến phải thực hiện những quy định sau đây: Duy trì trạng thái hoạt động của cảng, bến và các thiết bị neo đậu phương tiện theo thiết kế bảo đảm an toàn; duy trì báo hiệu đường thủy nội địa theo quy tắc báo hiệu đường thủy nội địa. Xây dựng nội quy hoạt động của cảng, bến thủy nội địa; đối với cảng, bến hành khách phải có bảng niêm yết giá vé. Nội quy hoạt động, bảng niêm yết giá vé phải rõ ràng, bố trí ở nơi thuận lợi. Có đèn chiếu sáng khi hoạt động ban đêm, đối với cảng, bến khách phải có nơi chờ cho hành khách. Thiết bị phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm về số lượng và chất lượng sử dụng theo quy định của pháp luật và phải được bố trí ở vị trí thuận lợi khi sử dụng. Thiết bị xếp dỡ phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và phù hợp với kết cấu, sức chịu lực của công trình. Bố trí người điều khiển thiết bị xếp dỡ phải có chứng chỉ điều khiển theo quy định của pháp luật. Luồng vào cảng, bến thủy nội địa (nếu có) phải bảo đảm phù hợp với cấp kỹ thuật luồng đường thủy nội địa theo quy định và phải được kiểm tra, khảo sát thường xuyên bảo đảm chuẩn tắc phù hợp với cấp kỹ thuật của luồng đường thủy nội địa khu vực. Đối với cảng thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải có kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa và đánh giá an ninh cảng thủy nội địa của cơ quan thẩm quyền. Bố trí nhân lực quản lý, khai thác cảng, bến bảo đảm trật tự, an toàn. Trường hợp cho thuê cảng, bến thủy nội địa phải ký kết hợp đồng với chủ khai thác cảng, bến theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp chấm dứt hoạt động, chủ cảng, bến phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đã công bố cảng hoặc cấp giấy phép hoạt động bến để ra quyết định đình chỉ hoạt động cảng, bến thủy nội địa. Không xếp hàng hóa hoặc đón trả hành khách xuống phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ quy định; không xếp hàng hóa quá kích thước hoặc quá trọng tải cho phép hoặc nhận hành khách quá số lượng theo quy định; thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm. Tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có); tuân thủ sự điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong việc cứu người, hàng hóa, phương tiện khi có tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa và trong việc phòng chống lụt bão. Tạo điều kiện nơi làm việc và phối hợp với Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vùng nước cảng, bến. Việc cứu người và phương tiện thủy bị tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa là nghĩa vụ bắt buộc đối với thuyền trưởng, người lái phương tiện và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại cảng, bến. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị nạn phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời báo cho Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến để có biện pháp xử lý kịp thời. Cảng vụ có quyền huy động mọi lực lượng, thiết bị của cảng, bến và các phương tiện hiện có trong khu vực để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn. Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ chấp hành lệnh điều động của Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn. Trường hợp phương tiện bị đắm, sau khi cứu người, tài sản, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị đắm phải đặt báo hiệu theo quy định và báo cáo ngay với chủ phương tiện để tiến hành trục vớt. Chủ phương tiện phải tổ chức trục vớt theo thời hạn quy định và chỉ được tiến hành khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông được Cảng vụ hoặc Ban quản lý bến chấp thuận. Trường hợp phương tiện đắm trong vùng nước cảng, bến việc xử lý phương tiện, tài sản chìm đắm theo quy định của Chính phủ. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chỉ được đưa phương tiện, tàu biển vào những cảng, bến thủy nội địa được phép hoạt động; khi ra, vào, neo đậu tại cảng, bến thủy nội địa phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Thuyền viên, người lái phương tiện của phương tiện, tàu biển hoạt động trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa phải chấp hành các quy định pháp luật và nội quy của cảng, bến thủy nội địa đó. Cảng vụ đường thủy nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa; trên luồng, tuyến khi có sự phân công của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhằm bảo đảm việc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định tổ chức, hoạt động và phạm vi hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa. Cảng vụ đường thuỷ nội địa là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và bảo vệ môi trường. Cảng vụ đường thuỷ nội địa có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
- Chương VII bao gồm các nội dung về vận tải đường thủy nội địa. Hoạt động vận tải đường thủy nội địa gồm hoạt động vận tải không kinh doanh và hoạt động vận tải kinh doanh. Kinh doanh vận tải đường thủy nội địa là hoạt động kinh doanh có điều kiện, gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa. Người vận tải đường thủy nội địa chỉ được đưa phương tiện vào khai thác đúng với công dụng và vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm. Khi vận tải, hàng hóa phải được sắp xếp gọn gàng, chắc chắn, bảo đảm ổn định phương tiện, không che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, không ảnh hưởng đến hoạt động của thuyền viên khi làm nhiệm vụ, không gây cản trở đến hoạt động của các hệ thống lái, neo và các trang thiết bị an toàn khác; không được xếp hàng hóa vượt kích thước theo chiều ngang, chiều dọc của phương tiện. Trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong hoạt động vận tải đường thủy nội địa được quy định như sau: Chủ phương tiện kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với hành khách và người thứ ba; Chủ phương tiện khi kinh doanh vận tải hàng hóa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho người thứ ba; Điều kiện, mức phí bảo hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu do Chính phủ quy định. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải đường thủy nội địa ngoài việc thực hiện các quy định về vận tải của Luật này còn phải thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan. Kinh doanh vận tải đường thủy nội địa bao gồm các hình thức sau: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; Kinh doanh vận chuyển khách du lịch; Kinh doanh vận tải hành khách ngang sông; Kinh doanh vận tải hàng hóa. Cục Đường sông Việt Nam căn cứ ý kiến thống nhất của Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính nơi có cảng, bến cho phương tiện vào đón trả hành khách, thực hiện việc xác nhận đăng ký tuyến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách cho các đối tượng sau: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Vận tải qua biên giới Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính thực hiện việc xác nhận đăng ký tuyến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng; đối với tuyến liên tỉnh phải có ý kiến thống nhất của Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông công chính liên quan quản lý cảng, bến nơi phương tiện đăng ký vào đón trả hành khách. Tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách đường thuỷ nội địa theo tuyến cố định chỉ được đăng ký hoạt động trên các tuyến đã được Cơ quan có thẩm quyền công bố. Trường hợp tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động trên tuyến chưa được công bố phải đề nghị Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính trình Cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định công bố bổ sung. Tổ chức, cá nhân đang kinh doanh vận tải hành khách trên các tuyến đã công bố được ưu tiên xác nhận lịch trình hoạt động của phương tiện. Trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân cùng đăng ký hoạt động trên một tuyến thì Cơ quan có thẩm quyền chủ trì hiệp thương sắp xếp lịch trình để thực hiện việc xác nhận đăng ký hoạt động cho phương tiện của các tổ chức, cá nhân đó. Vận tải hành khách đường thủy nội địa gồm các hình thức sau đây: Vận tải hành khách theo tuyến cố định là vận tải có cảng, bến nơi đi, cảng, bến nơi đến và theo biểu đồ vận hành ổn định; Vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến là vận tải theo yêu cầu của hành khách trên cơ sở hợp đồng; Vận tải hành khách ngang sông là vận tải từ bờ bên này sang bờ bên kia, trừ vận tải ngang sông bằng phà. Người kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định hoặc vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến có trách nhiệm: Công bố và thực hiện đúng lịch chạy tàu hoặc thời gian vận tải, công khai cước vận tải, lập danh sách hành khách mỗi chuyến đi; Bố trí phương tiện bảo đảm điều kiện hoạt động theo quy định. Thuyền trưởng, người lái phương tiện chở khách hoặc phương tiện chở chung hành khách, hàng hóa phải thực hiện các quy định sau đây: Trước khi khởi hành phải kiểm tra điều kiện an toàn đối với người và phương tiện; phổ biến nội quy an toàn và cách sử dụng các trang thiết bị an toàn cho hành khách; không để hành khách đứng, ngồi ở các vị trí không an toàn; Xếp hàng hóa, hành lý của hành khách gọn gàng, không cản lối đi; yêu cầu hành khách mang theo động vật nhỏ phải nhốt trong lồng, cũi; Không chở hàng hóa dễ cháy, dễ nổ, hàng độc hại, động vật lớn chung với hành khách; không để hành khách mang theo súc vật đang bị dịch bệnh lên phương tiện; Khi có giông, bão không được cho phương tiện rời cảng, bến, nếu phương tiện đang hành trình thì phải tìm nơi trú ẩn an toàn.
- Chương VIIa quy định về tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa. Tìm kiếm đường thủy nội địa là việc sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xác định vị trí người, phương tiện bị nạn trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa. Cứu nạn đường thủy nội địa là hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, gồm cả việc sơ cứu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa đến vị trí an toàn. Tình huống tìm kiếm, cứu nạn đường thủy nội địa là sự cố do thiên tai, thảm họa, tai nạn gây ra trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa có nguy cơ hoặc thực tế đang đe dọa, gây hậu quả tổn thất về người cần thiết phải có biện pháp ứng phó kịp thời, thích hợp để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa sử dụng đường dây nóng hoặc hình thức liên lạc khác để tiếp nhận thông tin về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Nội dung thông tin bao gồm: Xác định vị trí người, phương tiện bị sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn; Tính chất sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn; Thời gian bị sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn; Số người bị nạn khi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn và tên, tuổi hoặc nhận dạng về người bị nạn; Các thông tin khác: Tên phương tiện bị nạn, số đăng ký, đăng kiểm hoặc các nhận dạng khác; yêu cầu trợ giúp cứu người bị nạn hoặc lai dắt, cứu hộ phương tiện và các yêu cầu khác; tên, địa chỉ và các phương thức liên lạc với chủ phương tiện. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị tai nạn giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm thông báo ngay cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc Cơ quan công an gần nhất một cách nhanh nhất. Cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo ngay cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn và tổ chức lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn theo chức năng nhiệm vụ của mình. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý ngay thông tin về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa; chuẩn bị ngay phương án, tiến hành tìm kiếm, cứu nạn. Quy định cảnh báo, thông báo khu vực nguy hiểm, thiên tai trên đường thủy nội địa cụ thể như sau:  Cảnh báo, thông báo, dự báo vùng nguy hiểm, thiên tai, thảm họa thực hiện theo quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải theo phân cấp quản lý ra thông báo hạn chế giao thông đường thủy nội địa, thông báo khu vực nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc cấm phương tiện hoạt động giao thông qua khu vực nguy hiểm. Trường hợp sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa ảnh hưởng đến công trình đường bộ, đường sắt, công trình thủy lợi, thủy điện hoặc khu vực sự cố tràn dầu, sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, phóng xạ, cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý công trình, cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp thông báo, cảnh báo, hạn chế giao thông hoặc cấm để bảo đảm an toàn cho công trình và hoạt động giao thông tại khu vực. Các phương tiện thông tin đại chúng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp phát tin cảnh báo về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa. Khi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn có trách nhiệm: Tổ chức nắm bắt tình hình về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa để đưa ra phương án phù hợp, điều động hoặc kiến nghị điều động lực lượng, phương tiện, thiết bị đến ứng phó kịp thời và hiệu quả; Chỉ định chỉ huy hiện trường tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt; trường hợp sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn gây nguy hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để được giải quyết kịp thời; Duy trì thông tin liên lạc với chỉ huy hiện trường, chỉ đạo hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; Theo dõi từng tình huống, diễn biến của vụ việc để biết, xử lý thông tin, đưa ra chỉ dẫn, biện pháp hỗ trợ, cứu nạn kịp thời đối với người, phương tiện bị nạn và giữa chỉ huy hiện trường với lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm, cứu nạn; Trực tiếp điều động lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi cần thiết; báo cáo ngay cấp có thẩm quyền trực tiếp về tìm kiếm, cứu nạn để huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị đến ứng phó khi vượt khả năng ứng phó của mình; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan khác để giải quyết hậu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trường hợp phương tiện nước ngoài hoặc phương tiện có người nước ngoài xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa, cơ quan chủ trì có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước có người, phương tiện bị nạn cùng giải quyết hậu quả vụ việc liên quan. Chỉ huy hiện trường được cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chỉ định có trách nhiệm: Trực tiếp chỉ huy và huy động các lực lượng tham gia triển khai phương án tìm kiếm, cứu nạn theo tình huống cụ thể tại hiện trường; Thống nhất chỉ huy bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn; Duy trì thông tin liên lạc giữa phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn với người, phương tiện bị nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phương tiện tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn; Thực hiện các chỉ dẫn, yêu cầu về tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường của cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn; Báo cáo, đề xuất với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn việc bổ sung, thay đổi phương án tổ chức tìm kiếm, cứu nạn hoặc tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa; việc thay đổi phương án tổ chức tìm kiếm, cứu nạn hoặc việc dừng, chấm dứt hoạt động tìm kiếm, cứu nạn phải được cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn chấp thuận; Được quyền điều chỉnh phương án tìm kiếm, cứu nạn cho phù hợp với tình hình thực tế trong trường hợp khẩn cấp và không thể liên lạc được với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn, sau đó phải báo cáo với cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian sớm nhất. Trường hợp tại nơi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa mà chưa có chỉ huy hiện trường thì thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phát hiện và đến sớm nhất là chỉ huy hiện trường tạm thời và thực hiện ngay việc báo cáo cơ quan chủ trì tìm kiếm cứu nạn, đồng thời chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn cho đến khi có chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn. Trường hợp vượt quá khả năng huy động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn hoặc chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn tạm thời phải báo cáo ngay cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc chính quyền địa phương gần nhất hoặc các cơ quan liên quan trợ giúp.
- Chương VIII bao gồm nội dung quy định về quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, cụ thể: xây dựng, chỉ đạo và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển và bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giao thông đường thủy nội địa; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; Tổ chức thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa; cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa; Quản lý, đào tạo, cấp, đổi, thu hồi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên và người lái phương tiện thủy nội địa; Quản lý hoạt động vận tải đường thủy nội địa; Tổ chức thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa; Bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa; Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và Hợp tác quốc tế về giao thông đường thủy nội địa. Đơn vị kinh doanh vận tải chịu sự kiểm tra về việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền.Hình thức kiểm tra: Kiểm tra định kỳ; Kiểm tra đột xuất khi để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, có khiếu nại, tố cáo hoặc khi có thông tin, dấu hiệu về việc không thực hiện đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh của đơn vị kinh doanh vận tải thủy nội địa. Phương tiện hoạt động vận tải thủy qua lại biên giới phải xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu các giấy tờ có giá trị sử dụng như sau: Giấy chứng nhận đăng ký; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền hoặc các cơ quan phân cấp tàu của quốc gia mà phương tiện đăng ký cấp; Giấy phép vận tải thủy qua biên giới do Cơ quan có thẩm quyền cấp; Bản kê hàng hóa và/hoặc danh sách hành khách kèm theo thông tin chi tiết của hộ chiếu; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba của chủ tàu cũng như các loại bảo hiểm khác theo quy định hiện hành; Danh sách thuyền viên với đầy đủ chức danh, giấy chứng nhận chuyên môn, hộ chiếu, chứng nhận tiêm chủng quốc tế của thuyền viên; Tờ khai Hải quan đối với hàng hóa; Giấy chứng nhận kiểm dịch động thực vật (theo quy định chuyên ngành). Phương tiện thủy của Campuchia khi vào Việt Nam chỉ được phép lưu lại lãnh thổ Việt Nam theo thời hạn ghi trong Giấy phép. Trường hợp có lý do chính đáng (như thiên tai, tai nạn, hỏng hóc … không sửa chữa kịp) sẽ được Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa nơi phương tiện gặp sự cố xem xét gia hạn. huyền viên qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ còn hiệu lực sau: Hộ chiếu hoặc hộ chiếu thuyền viên hoặc các loại giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu theo luật và quy định có hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp; Bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp. Đối với hành khách và nhân viên phục vụ phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp. Hộ chiếu thuyền viên do Cục Hàng hải Việt Nam cấp theo các quy định hiện hành về hộ chiếu thuyền viên. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới bao gồm: Nhóm 1: Giấy phép cho phương tiện đi lại nhiều lần, với thời hạn tối đa là mười hai (12) tháng; Nhóm 2: Giấy phép cho phương tiện đi một chuyến, với thời hạn tối đa là sáu mươi (60) ngày; Nhóm Đặc biệt: Giấy phép cho các phương tiện chở hàng nguy hiểm, với thời hạn tối đa là sáu mươi (60) ngày. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận tải thủy qua biên giới cho phương tiện; Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện; Bản sao chụp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; Bản sao Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người kinh doanh vận tải hàng hóa dễ cháy, dễ nổ đối với người thứ ba; bản sao Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của người kinh doanh vận tải hành khách đối với hành khách.
- Chương IX đề mục Giao thông đường thủy nội địa quy định về điều khoản thi hành. Hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải phải tuân theo quy định của Luật này về phương tiện thủy nội địa; thuyền viên, người lái phương tiện; quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vận tải đường thủy nội địa; tai nạn giao thông đường thủy nội địa và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa và quy định của pháp luật có liên quan. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cảnh báo tại khu vực nguy hiểm đối với hoạt động của phương tiện ngoài phạm vi luồng và vùng nước chưa được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Giao thông đường thủy nội địa đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp thuộc lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu. Ngoài ra, các quy định trong Đề mục Giao thông đường thủy nội địa còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc một số đề mục khác cũng được thực hiện chỉ dẫn trong nội dung của Đề mục này để người sử dụng thuận tiện hơn khi tra cứu./.
 
 
 
[1] Trong đó, có 01 Điều bị bãi bỏ
[2] Ngoài ra, có 16 văn bản sửa đổi, bổ sung
 
 
Huỳnh Hữu Phương
Chung nhan Tin Nhiem Mang