Cập nhật quy phạm pháp luật mới vào đề mục Giám định tư pháp đối với Thông tư số 01/2021/TT-BCT và Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật quy phạm pháp luật mới vào đề mục Giám định tư pháp đối với Thông tư số 01/2021/TT-BCT và Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT

Ngày 31/3/2021, Bộ trưởng Công Thương ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2016/TT-BCT ngày 13/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương. Ngày 08/4/2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải thay thế Thông tư số 33/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải. Đây là các văn bản có nội dung thuộc đề mục Giám định tư pháp, do Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện pháp điển các QPPL mới tại các văn bản trên vào đề mục Giám định tư pháp theo thẩm quyền và theo quy định tại Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, cụ thể các điều được cập nhật như sau:
1. Các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành được pháp điển vào Chương I và Chương IX của đề mục Giám định tư pháp
Điều 4.3.TT.25.20. Điều khoản thi hành
(Điều 3 Thông tư số 01/2021/TT-BCT hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2016/TT-BCT ngày 13 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương ngày 31/03/2021 của Bộ Công Thương., có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2021.
2. Quy định chuyển tiếp:
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đang thực hiện giám định tư pháp theo văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp của người trưng cầu, yêu cầu giám định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 30/2016/TT-BCT, trừ trường hợp văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn có quy định khác.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
4. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công Thương (qua Vụ Pháp chế) để được hướng dẫn, giải quyết.
Điều 4.3.TT.31.1. Phạm vi điều chỉnh
(Điều 1 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT Quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải ngày 08/04/2021 của Bộ Giao thông vận tải, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Thông tư này quy định về tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp; quy trình giám định tư pháp; thời hạn giám định tư pháp và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Điều 4.3.TT.31.2. Đối tượng áp dụng
(Điều 2 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Điều 4.3.TT.31.16. Hiệu lực thi hành
(Điều 16 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2021. Bãi bỏ Thông tư số 33/2014/TT-BGTVT ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
2. Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã được bổ nhiệm, công bố trước ngày Thông tư này có hiệu lực, nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì tiếp tục là người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải theo các quyết định đã công bố.
Điều 4.3.TT.31.17. Tổ chức thực hiện
(Điều 17 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Các quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BCT được pháp điển vào Mục 13 Chương VIII của đề mục Giám định Tư pháp
Điều 4.3.TT.25.2a. Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương
(Điều 2a Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, được bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
Giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương gồm giám định tư pháp về các vấn đề chuyên môn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật trong các lĩnh vực:
1. Năng lượng.
2. Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp.
3. Công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ.
4. An toàn kỹ thuật công nghiệp.
5. An toàn thực phẩm.
6. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
7. Thương mại điện tử.
8. Quản lý thị trường.
9. Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
10. Xúc tiến thương mại.
11. Các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4.3.TT.25.3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực công thương
(Điều 3 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực công thương phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1. Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt.
2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên.
3. Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
4. Có nguyện vọng được bổ nhiệm làm giám định viên.
Điều 4.3.TT.25.4. Tiêu chuẩn người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương
(Điều 4 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương:
a) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
b) Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc tương đương trở lên;
c) Đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên.
2. Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương.
Điều 4.3.TT.25.5. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực công thương
(Điều 5 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ Công Thương:
a) Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của hoạt động tố tụng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư này để lựa chọn và lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế;
b) Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ xem xét hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
2. Thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương:
Giám đốc Sở Công Thương phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này, lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp.
3. Thời hạn xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.9. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.5a. Cấp mới, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp
(Điều 5a Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, được bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Việc cấp mới, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện đồng thời với việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp.
2. Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định của Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Điều 4.3.TT.25.6. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp
(Điều 6 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức về thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Các tài liệu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 8 Luật Giám định tư pháp.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.8. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.7. Miễn nhiệm giám định viên tư pháp
(Điều 7 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Các trường hợp miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thời hạn giải quyết miễn nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.
2. Cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý giám định viên tư pháp lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp gửi Vụ Pháp chế.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ Công Thương.
3. Giám đốc Sở Công Thương thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Tư pháp, lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.
4. Trình tự, thời gian miễn nhiệm giám định viên tư pháp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.10. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.8. Lập, công bố danh sách giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương.
(Điều 8 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Lập, công bố danh sách giám định viên tư pháp
a) Đối với giám định viên do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, Vụ Pháp chế lập và gửi danh sách giám định viên tư pháp đến Văn phòng Bộ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách.
b) Đối với giám định viên tư pháp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm:
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định bổ nhiệm, Sở Công Thương có trách nhiệm lập, gửi danh sách giám định viên tư pháp đến Sở Tư pháp và gửi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Lập, công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
a) Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của hoạt động tố tụng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư này để lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc; căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp để lựa chọn, lập danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Pháp chế. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ xem xét hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Vụ Pháp chế gửi danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc kèm theo các thông tin quy định tại Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp đến Văn phòng Bộ để đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung theo quy định của pháp luật;
b) Sở Công Thương có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực công thương thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương gửi Sở Tư pháp và gửi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.18. Người giám định tư pháp theo vụ việcĐiều 4.3.LQ.19. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.9. Cử người tham gia giám định tư pháp theo vụ việc
(Điều 9 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Tại Bộ Công Thương:
a) Trường hợp Bộ Công Thương nhận được quyết định trưng cầu giám định tư pháp có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn người thực hiện giám định tư pháp phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, đề xuất hình thức giám định, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ký văn bản cử người thực hiện giám định và hình thức giám định các nội dung trưng cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trưng cầu;
b) Trường hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhận được quyết định trưng cầu giám định tư pháp có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người thực hiện giám định tư pháp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trưng cầu.
2. Tại Sở Công Thương:
Việc cử người tham gia giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Luật Giám định tư pháp.
3. Người được phân công thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc có trách nhiệm tiếp nhận nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, tổ chức thực hiện giám định, kết luận về các nội dung giám định và trả lời cơ quan trưng cầu, yêu cầu giám định.
4. Trường hợp nội dung trưng cầu giám định tư pháp không thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, vượt quá năng lực, điều kiện chuyên môn giám định; đối tượng giám định, các tài liệu liên quan được cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định sau khi đã đề nghị người trưng cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; nội dung giám định nêu yêu cầu mang tính pháp lý; thuộc trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm hoặc có lý do chính đáng khác, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ và cơ quan, đơn vị liên quan trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ký văn bản từ chối tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp, gửi người trưng cầu giám định.
5. Các trường hợp không thực hiện giám định tư pháp tuân thủ theo quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.34. Các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.11. Thành lập Hội đồng giám định
(Điều 11 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Việc thành lập Hội đồng giám định trong lĩnh vực công thương được thực hiện trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định.
2. Hội đồng giám định trong lĩnh vực công thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập.
3. Việc thành lập hội đồng giám định được thực hiện như sau:
a) Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học và Công nghệ và cơ quan, đơn vị liên quan lựa chọn người thực hiện giám định tư pháp phù hợp với nội dung trưng cầu giám định, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định thành lập Hội đồng;
b) Hội đồng giám định có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định;
c) Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Giám định tư pháp.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.28. Giám định cá nhân, giám định tập thể của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.12. Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương
(Điều 12 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 2 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn áp dụng đối với hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng trong lĩnh vực công thương.
2. Đối với lĩnh vực không có quy chuẩn, tiêu chuẩn thì việc giám định căn cứ vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực liên quan.
3. Hàng năm, Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, lập danh mục các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng trong lĩnh vực công thương đang còn hiệu lực gửi Văn phòng Bộ để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.41. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012Điều 4.3.NĐ.1.27. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của Nghị định 85/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp ban hành ngày 29/07/2013)
Điều 4.3.TT.25.13. Tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu và đối tượng giám định
(Điều 13 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi bởi Điều 2 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Việc giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này và được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp. Chỉ nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định hợp lệ, đúng đối tượng trưng cầu, yêu cầu.
2. Khi tiếp nhận đối tượng cần giám định, tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có) trong tình trạng niêm phong thì trước khi mở phải kiểm tra niêm phong. Quá trình mở niêm phong phải có mặt người thực hiện giám định; người trưng cầu, yêu cầu giám định và người chứng kiến (nếu có). Mọi thông tin, diễn biến liên quan đến quá trình mở niêm phong phải được ghi vào biên bản và có chữ ký xác nhận của các bên tham gia, chứng kiến theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này.
3. Đối với trưng cầu, yêu cầu giám định không hợp lệ thì cá nhân hoặc tổ chức được trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định phải có văn bản trả lại cơ quan hoặc người trưng cầu, yêu cầu và nêu rõ lý do trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được trưng cầu, yêu cầu.
4. Khi việc thực hiện giám định hoàn thành, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định có trách nhiệm giao lại đối tượng giám định cho cơ quan hoặc người trưng cầu, yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.27. Giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.14a. Thời hạn giám định tư pháp
(Điều 14a Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, được bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Thời hạn giám định tư pháp:
a) Tối đa 03 tháng đối với các trường hợp quy định tại Điều 2a của Thông tư này, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này. Trường hợp giám định vụ việc có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực công thương quy định tại Điều 2a của Thông tư này trở lên hoặc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng;
b) Tối đa 09 ngày đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 5 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
c) Tối đa 01 tháng đối với trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định quy định tại khoản 6 Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2. Thời hạn giám định tư pháp quy định tại khoản 1 Điều này được tính từ ngày Bộ Công Thương, Sở Công Thương nhận được quyết định của người trưng cầu giám định kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định; hoặc từ ngày giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu trực tiếp nhận được quyết định của người trưng cầu giám định kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.
3. Trường hợp cần thiết, thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.
Điều 4.3.TT.25.15. Kết luận giám định
(Điều 15 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung bị bãi bỏ bởi Điều 2 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định lập kết luận giám định tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp và trả kết luận giám định cho bên trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp theo đúng thời hạn yêu cầu.
2. Kết luận giám định tư pháp phải đảm bảo tính trung thực, chính xác, khách quan. Trường hợp kết quả giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức liên quan thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
3. Kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký của người thực hiện giám định hoặc người đứng đầu tổ chức thực hiện giám định theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Giám định tư pháp.
4. Kết luận giám định tư pháp, biên bản bàn giao kết luận giám định tư pháp và văn bản ghi nhận toàn bộ quá trình thực hiện giám định thực hiện theo mẫu quy định tại các Phụ lục III, IV, V của Thông tư này.

Phụ lục III.doc
 
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.32. Kết luận giám định tư pháp của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
Điều 4.3.TT.25.16. Hồ sơ giám định tư pháp
(Điều 16 Thông tư số 30/2016/TT-BCT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2017, có nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 của Thông tư số 01/2021/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/05/2021)
1. Hồ sơ giám định tư pháp do người thực hiện giám định tư pháp lập, bao gồm: Quyết định trưng cầu, văn bản yêu cầu giám định; biên bản giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; kết luận giám định và các tài liệu khác có liên quan đến toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động giám định.
2. Việc bàn giao, bảo quản, lưu trữ hồ sơ được thực hiện như sau:
a) Hồ sơ giám định tư pháp của người thực hiện giám định được bàn giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp.
Hồ sơ giám định tư pháp trong trường hợp giám định tập thể được bàn giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp của thành viên được giao làm đầu mối triển khai việc giám định.
Hồ sơ giám định tư pháp của Hội đồng giám định được bàn giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý trực tiếp của thành viên là Chủ tịch Hội đồng giám định;
b) Cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ Công Thương nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và theo quy định tại Quy chế công tác lưu trữ ban hành kèm theo Quyết định số 453/QĐ-BCT ngày 12 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Sở Công Thương nhận bàn giao hồ sơ giám định tư pháp có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ và theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của Sở Công Thương.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.33. Hồ sơ giám định tư pháp của Luật 13/2012/QH13 Giám định tư pháp ban hành ngày 20/06/2012)
3. Các quy định tại Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT được pháp điển vào Mục 8 Chương VIII của đề mục Giám định tư pháp
Điều 4.3.TT.31.3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp
(Điều 3 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012 và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp năm 2012 được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.7. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp)
Điều 4.3.TT.31.4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp và cấp thẻ giám định viên tư pháp
(Điều 4 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
1. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
2. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ Giao thông vận tải:
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 của Thông tư này, lập một (01) bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Vụ Tổ chức cán bộ;
b) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế xem xét hồ sơ, lựa chọn và trình Bộ trưởng quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối không bổ nhiệm, Vụ Tổ chức cán bộ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, đơn vị đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp;
c) Trên cơ sở quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp, Vụ Tổ chức cán bộ lập, gửi danh sách giám định viên tư pháp gửi Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung theo quy định;
d) Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách nêu trên trong vòng 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách.
3. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại địa phương:
Giám đốc Sở Giao thông vận tải hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Thông tư này, lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) bổ nhiệm giám định viên tư pháp. Danh sách giám định viên tư pháp được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung theo quy định.
4. Cấp thẻ giám định viên tư pháp:
a) Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này được cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải;
b) Người có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này có thẩm quyền cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải;
c) Mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.8. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư phápĐiều 4.3.TT.27.4. Thẻ giám định viên tư phápĐiều 4.3.TT.27.6. Cấp mới thẻ đối với người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01 tháng 01 năm 2021Điều 4.3.TT.27.7. Cấp mới thẻ đối với giám định viên tư pháp được bổ nhiệm trước ngày 01 tháng 01 năm 2021Điều 4.3.TT.27.8. Cấp lại thẻ giám định viên tư phápĐiều 4.3.TT.27.9. Mẫu thẻ, mẫu giấy tờ, mã số bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)
Điều 4.3.TT.31.5. Miễn nhiệm giám định viên tư pháp
(Điều 5 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
1. Các trường hợp miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
2. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp tại Bộ Giao thông vận tải:
a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ rà soát, lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Vụ Tổ chức cán bộ;
b) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế kiểm tra hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp gửi Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.
3. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp tại địa phương:
Giám đốc Sở Giao thông vận tải hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lập danh sách trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp ở địa phương. Danh sách giám định viên tư pháp điều chỉnh được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung theo quy định.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.10. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp)
Điều 4.3.TT.31.6. Tiêu chuẩn đối với người giám định tư pháp theo vụ việc
(Điều 6 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp năm 2012 được xem xét, lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.18. Người giám định tư pháp theo vụ việc)
Điều 4.3.TT.31.7. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
(Điều 7 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải phải có đủ các điều kiện sau:
1. Có tư cách pháp nhân.
2. Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định.
3. Đảm bảo yêu cầu về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định để thực hiện giám định tư pháp.
Điều 4.3.TT.31.8. Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải
(Điều 8 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
1. Việc lập, công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại Bộ Giao thông vận tải:
a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ tiêu chuẩn đối với người giám định tư pháp theo vụ việc, điều kiện đối với tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc quy định tại Điều 6, Điều 7 của Thông tư này, có trách nhiệm lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Tổ chức cán bộ[U2] ;
b) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế xem xét, trình Bộ trưởng quyết định công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc;
c) Vụ Tổ chức cán bộ gửi danh sách kèm theo thông tin về chuyên ngành giám định, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải đến Trung tâm Công nghệ thông tin để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung theo quy định;
d) Trung tâm Công nghệ thông tin có trách nhiệm đăng tải danh sách nêu trên trong vòng 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách.
2. Việc lập, công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại địa phương:
Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng có trách nhiệm lựa chọn, lập danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực giao thông vận tải thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.
Điều 4.3.TT.31.9. Lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp
(Điều 9 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (sau đây gọi tắt là người trưng cầu giám định) lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải trong danh sách đã được công bố theo quy định tại Thông tư này để trưng cầu giám định phù hợp với tính chất, yêu cầu của vụ việc cần giám định.
Trường hợp Bộ Giao thông vận tải nhận được quyết định trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định, thủ trưởng cơ quan tham mưu thuộc Bộ được giao chủ trì xử lý văn bản trưng cầu giám định, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ có văn bản gửi người trưng cầu giám định thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020).
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.20. Công nhận và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc)
Điều 4.3.TT.31.10. Quy trình giám định tư pháp
(Điều 10 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
1. Tiếp nhận trưng cầu và đối tượng giám định:
a) Cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có trách nhiệm tiếp nhận trưng cầu giám định kèm theo hồ sơ, đối tượng trưng cầu để thực hiện giám định trừ trường hợp được quyền từ chối giám định, trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp theo quy định tại Luật giám định tư pháp năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp năm 2020;
b) Việc giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định phải được lập thành biên bản theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và được thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Giám định tư pháp năm 2012. Chỉ nhận văn bản trưng cầu giám định hợp lệ, đúng đối tượng được trưng cầu;
c) Khi tiếp nhận đối tượng cần giám định, tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có) trong tình trạng niêm phong thì trước khi mở phải kiểm tra niêm phong. Quá trình mở niêm phong phải có mặt người thực hiện giám định; người trưng cầu giám định và người chứng kiến (nếu có). Mọi thông tin, diễn biến liên quan đến quá trình mở niêm phong phải được ghi vào biên bản và có chữ ký xác nhận của các bên tham gia, chứng kiến theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Chuẩn bị giám định:
a) Tổ chức được trưng cầu giám định căn cứ vào hồ sơ trưng cầu giám định phân công, cử người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu để thực hiện giám định; phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp cần có từ 02 người trở lên thực hiện vụ việc giám định; ban hành Quyết định tiến hành giám định tư pháp theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Cá nhân, tổ chức được trưng cầu tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu và các quy định cụ thể của pháp luật có liên quan để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu giám định, đối tượng giám định thì có văn bản đề nghị người trưng cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan;
c) Trường hợp cần thiết, cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.
3. Thực hiện giám định:
a) Tổ chức, cá nhân được trưng cầu xem xét đối tượng giám định và các tài liệu liên quan để thực hiện giám định theo đúng nội dung được trưng cầu;
b) Người thực hiện giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định theo mẫu tại Phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Kết luận giám định:
Căn cứ kết quả giám định tư pháp, kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác (nếu có) và quy định của pháp luật có liên quan, tổ chức, cá nhân được trưng cầu đưa ra kết luận giám định. Kết luận giám định thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp năm 2021 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020) và theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Bàn giao kết luận giám định:
Tổ chức, cá nhân được trưng cầu có trách nhiệm bàn giao Kết luận giám định cho người trưng cầu giám định.
Biên bản bàn giao kết luận giám định theo mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.
6. Lập hồ sơ, lưu giữ hồ sơ giám định:
a) Hồ sơ giám định tư pháp do người thực hiện giám định tư pháp lập, bao gồm: Quyết định trưng cầu giám định và tài liệu kèm theo (nếu có); biên bản giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; Bản ảnh giám định (nếu có); kết luận giám định trước đó hoặc kết quả xét nghiệm, thực nghiệm giám định do người khác thực hiện (nếu có); kết luận giám định và các tài liệu khác có liên quan đến toàn bộ quá trình thực hiện hoạt động giám định;
b) Tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người giám định tư pháp thuộc tổ chức mình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Phu luc I_Mau Bien ban giao nhan ho so-doi tuong trung cau giam dinh dinh kem theo.doc

Phu luc II_Mau Bien ban mo niem phong dinh kem theo.doc

Phu luc III_Mau Quyet dinh thuc hien giam dinh tu phap dinh kem theo.doc

Phu luc IV_Mau Van ban ghi nhan qua trinh thuc hien giam dinh dinh kem theo.doc

Phu luc V_Mau Ket luan giam dinh dinh kem theo.doc

Phu luc VI_Mau Bien ban ban giao Ket luan giam dinh tu phap dinh kem theo.doc
 
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.11. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp; Điều 4.3.LQ.24. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; Điều 4.3.LQ.27. Giao nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định; Điều 4.3.LQ.32. Kết luận giám định tư pháp)
Điều 4.3.TT.31.11. Giám định bổ sung, giám định lại
(Điều 11 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Việc giám định bổ sung, giám định lại thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Giám định tư pháp năm 2012.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 4.3.LQ.29. Giám định bổ sung, giám định lại)
Điều 4.3.TT.31.12. Thành lập Hội đồng giám định
(Điều 12 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
1. Việc thành lập Hội đồng giám định trong lĩnh vực trong lĩnh vực giao thông vận tải được thực hiện trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định và theo yêu cầu của người trưng cầu giám định.
2. Hội đồng giám định do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập để thực hiện giám định lại lần thứ hai.
3. Việc thành lập hội đồng giám định được thực hiện như sau:
a) Thủ trưởng cơ quan tham mưu thuộc Bộ được giao chủ trì xử lý văn bản trưng cầu giám định, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan để cử người thực hiện giám định tư pháp phù hợp với nội dung trưng cầu giám định tham gia Hội đồng giám định. Trên cơ sở văn bản cử người của các cơ quan, đơn vị, cơ quan tham mưu thuộc Bộ được giao chủ trì xử lý văn bản trưng cầu giám định tư pháp xem xét, trình Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng giám định;
b) Hội đồng giám định có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định.
c) Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Giám định tư pháp năm 2012.
Điều 4.3.TT.31.13. Thời hạn giám định
(Điều 13 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
1. Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng. Thời hạn giám định này có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa theo quy định tại khoản này.
2. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
Điều 4.3.TT.31.14. Áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải
(Điều 14 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên môn áp dụng đối với hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải là các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn được áp dụng trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Điều 4.3.TT.31.15. Chi phí thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải
(Điều 15 Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2021)
Chi phí thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải được thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp.
Phùng Thị Hương
Chung nhan Tin Nhiem Mang