Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập

Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Y tế đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập (Đề mục 3 thuộc Chủ đề 45. Y tế, dược). Đến nay, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định.
Đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm 06 chương với 27 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Bộ Y tế xác định có 02 văn bản có nội dung thuộc đề mục và 10 văn bản có nội dung liên quan đến đề mục.
Đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Phân loại đơn vị sự nghiệp y tế.
- Chương II quy định về cơ chế hoạt động như: Quy chế tổ chức và hoạt động (Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, các quy định của Nghị định và Quy chế tổ chức và hoạt động mẫu do Bộ Y tế ban hành, các đơn vị sự nghiệp y tế xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt; Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể nội dung mẫu của Quy chế tổ chức và hoạt động theo lĩnh vực chuyên môn y tế); Xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn (Hàng năm, căn cứ vào Quy chế tổ chức và hoạt động, vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, đơn vị xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn; Đơn vị sự nghiệp y tế được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn quy định tại Khoản 1 Điều này theo các quy định của pháp luật và phải bảo đảm các điều kiện về nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định để thực hiện và cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn, chất lượng; Đơn vị sự nghiệp y tế chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về toàn bộ các mặt hoạt động của đơn vị; Bộ Y tế xây dựng và ban hành các hướng dẫn về chuyên môn và quy trình kỹ thuật; quy định về phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định các nhiệm vụ chuyên môn chủ yếu đối với các đơn vị y tế thuộc các lĩnh vực còn lại theo tuyến chuyên môn; quy định các nội dung, chỉ tiêu cơ bản trong kế hoạch hoạt động chuyên môn; xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn); Quy định về các hoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ (Đơn vị được góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật để mở rộng cơ sở, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật; triển khai các kỹ thuật ngoài danh mục kỹ thuật và nhiệm vụ chuyên môn được giao; tổ chức các hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng phải phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật. Việc góp vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết phải được hạch toán theo dõi riêng hoặc thành lập cơ sở hạch toán độc lập; Trường hợp thành lập cơ sở hạch toán độc lập trong khuôn viên hiện có của đơn vị: Đơn vị phải xây dựng Đề án báo cáo cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt; cơ sở hạch toán độc lập phải là đơn vị kế toán cấp dưới của đơn vị, do đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành, hoạt động theo nguyên tắc tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư và được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định hiện hành); Tổ chức bộ máy; kế hoạch tuyển dụng và quản lý, sử dụng công chức, viên chức.
- Chương III gồm 02 mục quy định về cơ chế tài chính, cụ thể như sau:
+ Mục 1 quy định cơ chế tài chính đối với chi đầu tư phát triển như: Xây dựng quy hoạch phát triển và dự án đầu tư; Nguồn vốn chi đầu tư phát triển; Nguồn vốn chi đầu tư phát triển đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa của đơn vị sự nghiệp y tế công lập; Về quản lý, sử dụng tài sản;
+ Mục 2 quy định cơ chế tài chính đối với kinh phí chi hoạt động thường xuyên và không thường xuyên như: Nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên; Ngân sách nhà nước bảo đảm chi hoạt động thường xuyên; Quyền tự chủ về các khoản thu, mức thu; Quyền tự chủ về sử dụng nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên; Quy định về kinh phí không thường xuyên; Quản lý và sử dụng kinh phí không thường xuyên.
- Chương IV quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Thẩm quyền quy định và quyết định giá dịch vụ y tế; Quy định về đối tượng và phương thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; Quản lý và sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
- Chương V gồm các quy định khác như: Chi trả tiền lương, tiền công và chi trả thu nhập tăng thêm; Nguồn đảm bảo chính sách tiền lương; Quy định về nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; Một số quy định khác.
- Chương VI quy định về tổ chức thực hiện như: Hiệu lực thi hành; Điều khoản thi hành.
 Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang