Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm (Đề mục 2 thuộc Chủ đề 9. Dân sự). Đến nay, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Tư pháp sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới.
Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/09/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm, bao gồm 05 chương với 69 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Nghị định. Bộ Tư pháp xác định có
04[1] văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Tư pháp) và
13 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục, cụ thể: Nghị định 102/2017/NĐ-CP Về đăng ký biện pháp bảo đảm; Thông tư 08/2018/TT-BTP Hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; Thông tư 06/2020/TT-BTP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2018/TT-BTP ngày 20 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng và trao đổi thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp; Thông tư 01/2019/TT-BTP Hướng dẫn một số nội dung về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển; Thông tư 07/2019/TT-BTP Hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Trên cơ sở đó, các nội dung cơ bản trong mỗi chương của Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm như sau:
- Chương I bao gồm các quy định chung về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ;
Các trường hợp đăng ký;
Thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm;
Thời hạn có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm;
Nguyên tắc đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Người yêu cầu đăng ký, nghĩa vụ và trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký;
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Phí đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm;
Giấy tờ chứng minh trường hợp không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Chương II gồm mục 06 mục quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể:
+ Mục 1 quy định chung về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm như:
Phương thức nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm (Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm được nộp theo một trong các phương thức sau đây: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp người yêu cầu đăng ký đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm);
Tiếp nhận hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm;
Từ chối đăng ký biện pháp bảo đảm;
Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Các trường hợp đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký;
Đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm;
Sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký;
Các trường hợp xóa đăng ký biện pháp bảo đảm;
Cấp bản sao văn bản chứng nhận đăng ký biện pháp bảo đảm;
Đăng ký biện pháp bảo đảm trong trường hợp bổ sung nghĩa vụ được bảo đảm.
+ Mục 2 quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay như:
Hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (Người yêu cầu đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay sau đây: Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính); Hợp đồng cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực); Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
Hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu bay trong trường hợp mua bán tàu bay có bảo lưu quyền sở hữu;
Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký;
Hồ sơ sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu bay đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký;
Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay;
Hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay;
Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký; sửa chữa sai sót; xóa đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay.
+ Mục 3 quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển như: Tàu biển được thế chấp (Các loại tàu biển sau đây được thế chấp: Tàu biển đăng ký không thời hạn; Tàu biển đăng ký có thời hạn; Tàu biển đang đóng; Tàu biển đăng ký tạm thời; Tàu biển loại nhỏ);
Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển;
Hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu tàu biển trong trường hợp mua bán tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu; Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký;
Hồ sơ sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm bằng tàu biển đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký;
Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp tàu biển;
Hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển;
Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu biển; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký; sửa chữa sai sót; xóa đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp tàu biển.
+ Mục 4 quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất như:
Hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Hồ sơ đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai;
Hồ sơ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở mà tài sản đó đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận;
Hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất có bảo lưu quyền sở hữu;
Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã đăng ký;
Hồ sơ sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký;
Hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Hồ sơ chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở;
Hồ sơ xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký; sửa chữa sai sót; xóa đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Thủ tục chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở.
+ Mục 5 quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác như:
Hồ sơ đăng ký thế chấp, đăng ký thay đổi, sửa chữa sai sót, xóa đăng ký, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm bằng tài sản là động sản khác;
Hồ sơ đăng ký bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu;
Thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác; đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm đã đăng ký; sửa chữa sai sót; xóa đăng ký; đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản thế chấp bằng tài sản là động sản khác.
+ Mục 6 quy định về đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm như: Yêu cầu đăng ký trực tuyến;
Tài khoản đăng ký trực tuyến;
Hoạt động của hệ thống đăng ký trực tuyến;
Thủ tục đăng ký trực tuyến;
Trường hợp đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm không có giá trị pháp lý;
Khôi phục dữ liệu trong trường hợp kết quả đăng ký biện pháp bảo đảm bị hủy không đúng các căn cứ do pháp luật quy định.
- Chương III quy định về cung cấp thông tin, công bố thông tin và trao đổi thông tin về biện pháp bảo đảm như:
Quyền yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Phương thức yêu cầu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Từ chối cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm;
Thủ tục cung cấp thông tin;
Trách nhiệm trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm;
Công bố thông tin về biện pháp bảo đảm.
- Chương IV quy định quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm như:
Nội dung quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm;
Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm;
Trách nhiệm xây dựng, vận hành và quản lý Hệ thống dữ liệu quốc gia về biện pháp bảo đảm.
- Chương V quy định về điều khoản thi hành gồm hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp; trách nhiệm thi hành.
Như vậy, thông qua việc thực hiện pháp điển Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm đã xác định được hệ thống các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành trực tiếp thuộc lĩnh vực Đăng ký biện pháp bảo đảm và đang còn hiệu lực được tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu./.
[1] Ngoài ra có 01 văn bản sửa đổi, bổ sung.