Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Bưu chính
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Bưu chính

 
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Bưu chính (Đề mục 2 thuộc Chủ đề số 3. Bưu chính, viễn thông). Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Bưu chính, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Bưu chính, viễn thông”.
Đề mục Bưu chính có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Bưu chính số 49/2010/QH12 ngày 17/6/2010 của Quốc hội bao gồm 10 chương với 46 điều; ko có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Đề mục Bưu chính được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 25 văn bản gồm 01 Luật, 02 Nghị định, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 18 Thông tư và Thông tư liên tịch.
Đề mục Bưu chính có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc hoạt động bưu chính; Chính sách của Nhà nước về bưu chính; Các trường hợp bưu gửi được ưu tiên chấp nhận, vận chuyển và phát trong trường hợp khẩn cấp; Các hành vi bị cấm.
- Chương II quy định về cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như: Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là thoả thuận giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi, theo đó doanh nghiệp chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi đến địa điểm theo yêu cầu của người gửi và người gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính; Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được giao kết bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi. Dấu ngày hoặc các thông tin xác định thời gian và địa điểm chấp nhận bưu gửi là căn cứ xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính); Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính bằng văn bản (Hợp đồng giao kết bằng văn bản phải được lập bằng tiếng Việt; nếu các bên có thỏa thuận sử dụng thêm ngôn ngữ khác thì văn bản bằng tiếng Việt và văn bản bằng ngôn ngữ khác có giá trị pháp lý như nhau; Chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi có giá trị pháp lý như hợp đồng giao kết bằng văn bản giữa các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác); Hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính xác lập bằng hành vi cụ thể (Việc gửi vào thùng thư công cộng thư đủ điều kiện quy định tại Luật Bưu chính, có dán tem Bưu chính Việt Nam hoặc có dấu thanh toán trước giá cước của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính là hành vi xác lập hợp đồng giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính và người gửi); Chấp nhận và phát bưu gửi; Vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính; Bảo đảm an toàn trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; Bảo đảm an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; Xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi; Quyền định đoạt, thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận, rút lại bưu gửi và chuyển tiếp bưu gửi; Bưu gửi không phát được, bưu gửi được chuyển hoàn, bưu gửi không hoàn trả được cho người gửi, bưu gửi không có người nhận; Mã bưu chính quốc gia (Mã bưu chính quốc gia gồm tập hợp các ký tự nhằm xác định một hoặc một nhóm địa chỉ bưu chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính quy định); Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quốc phòng, an ninh.
- Chương III quy định về đầu tư, kinh doanhh dịch vụ bưu chính như: Đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính (Tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Hình thức, điều kiện đầu tư, kinh doanh và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính phải theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan đến bưu chính mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên);  Điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính (Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg) phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ bưu chính); Nội dung và thời hạn của giấy phép bưu chính; Sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bưu chính; Thu hồi giấy phép bưu chính (Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép bưu chính thu hồi giấy phép bưu chính nếu doanh nghiệp được cấp giấy phép có một trong những hành vi sau đây: Hoạt động chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội; Cung cấp thông tin giả mạo hoặc cố ý gian dối để được cấp giấy phép; Không còn đủ các điều kiện để được cấp giấy phép; Cung ứng dịch vụ bưu chính không đúng với nội dung được ghi trong giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Sau 01 năm kể từ ngày được cấp giấy phép chưa triển khai cung ứng dịch vụ bưu chính được ghi trong giấy phép; Cho thuê, cho mượn giấy phép; chuyển nhượng giấy phép trái pháp luật); Thông báo hoạt động bưu chính; Các trường hợp không cần giấy phép bưu chính, không cần thông báo hoạt động (Cá nhân nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện hàng hoá trên cơ sở tự thoả thuận với người gửi mà không lấy tiền công với số lượng bưu gửi tối đa theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính; Tổ chức nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện hàng hoá trong nội bộ hoặc cho khách hàng của mình mà không lấy tiền công; Hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này).
- Chương IV quy định về chất lượng và giá cước dịch vụ bưu chính như: Chất lượng dịch vụ bưu chính (Chất lượng dịch vụ bưu chính công ích được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính ban hành; Chất lượng dịch vụ bưu chính không thuộc dịch vụ bưu chính công ích do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công bố, áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật về bưu chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính áp dụng tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực bưu chính); Giá cước dịch vụ bưu chính (Căn cứ để xây dựng và điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính gồm: Chi phí sản xuất, quan hệ cung cầu thị trường; Mức giá cước cùng loại trên thị trường khu vực và thế giới. Giá cước dịch vụ bưu chính công ích do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính quy định theo quy định của Luật này và pháp luật về giá).
- Chương V quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, người sử dụng dịch vụ bưu chính như: Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính (Ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại Luật doanh nghiệp, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Thiết lập mạng bưu chính để cung ứng dịch vụ bưu chính; Được thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính mà mình cung ứng; Kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận; Từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạm quy định tại Điều 12 của Luật Bưu chính và quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp; Xử lý bưu gửi không có người nhận quy định tại Điều 17 của Luật Bưu chính; Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về dịch vụ bưu chính cho người sử dụng dịch vụ bưu chính; Niêm yết công khai tại điểm phục vụ Danh mục vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính quy định tại Điều 12 của Luật Bưu chính và các quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp; Bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật Bưu chính; Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cố ý chấp nhận bưu gửi vi phạm quy định tại Luật Bưu chính; Không được tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 của Luật Bưu chính; Không được cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng dưới mọi hình thức; Hưởng thù lao, chi phí hợp lý khi thay mặt người sử dụng dịch vụ bưu chính thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi quốc tế quy định tại Điều 15 của Luật Bưu chính; Thực hiện dịch vụ thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận, rút lại bưu gửi, chuyển tiếp, chuyển hoàn bưu gửi theo quy định tại Luật Bưu chính; Giải quyết khiếu nại, tranh chấp, bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Bưu chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan); Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính.
- Chương VI quy định về hoạt động bưu chính công ích như: Nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích (Bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính thiết yếu cho xã hội với chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bưu chính và giá cước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân. Giảm dần theo lộ trình sự điều tiết hỗ trợ của Nhà nước trong việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích); Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Nhà nước hỗ trợ việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thông qua phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ khác; Thủ tướng Chính phủ chỉ định doanh nghiệp bưu chính của Nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao; Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích quy định thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính dành riêng, gồm dịch vụ thư có địa chỉ nhận, có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam (kg) với mức giá cước theo quy định của pháp luật; Phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng giảm dần căn cứ vào tình hình phát triển bưu chính trong từng thời kỳ theo quy định của Luật Bưu chính); Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; Mạng bưu chính công cộng (Mạng bưu chính công cộng được xây dựng và phát triển theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Các điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng được đặt tại nhà ga, bến xe, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, khu dân cư và các điểm công cộng khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng; Căn cứ quy hoạch phát triển mạng bưu chính công cộng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí quỹ đất cho các công trình xây dựng thuộc mạng bưu chính công cộng để phục vụ cho việc cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích).
- Chương VII quy định về tem bưu chính như: Tem Bưu chính Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan duy nhất quyết định phát hành tem Bưu chính Việt Nam; Tem Bưu chính Việt Nam phải thể hiện: Dòng chữ “Việt Nam”; Dòng chữ “Bưu chính”; Giá in trên mặt tem (nếu có) bằng tiền đồng Việt Nam; Chủ đề và thiết kế của tem Bưu chính Việt Nam không được có các nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; chống phá Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; không phù hợp với đạo đức xã hội, với thuần phong mỹ tục của Việt Nam; Tem Bưu chính Việt Nam được gắn mã số của Việt Nam và tham gia hệ thống mã số của Liên minh Bưu chính Thế giới; Tem Bưu chính Việt Nam và các tài liệu liên quan phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ); Sử dụng tem bưu chính để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính (Tem Bưu chính Việt Nam được sử dụng để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trong nước và dịch vụ bưu chính quốc tế từ Việt Nam đi các nước; Tem bưu chính nước ngoài không được sử dụng để thanh toán trước giá cước dịch vụ bưu chính trong nước và dịch vụ bưu chính quốc tế từ Việt Nam đi các nước); Sử dụng tem bưu chính để kinh doanh, sưu tập.
- Chương VIII quy định về giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính như: Khiếu nại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (Người sử dụng dịch vụ bưu chính, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có quyền khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; Việc khiếu nại quy định phải được lập thành văn bản; Thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định như sau: Không quá 02 tháng, kể từ ngày nhận được khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính trong nước; Không quá 03 tháng, kể từ ngày nhận được khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính quốc tế); Giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (Việc giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính được thực hiện thông qua các hình thức sau đây: Thương lượng giữa các bên; Hoà giải; Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án; Việc giải quyết tranh chấp trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính tại Trọng tài hoặc Toà án được thực hiện theo quy định của pháp luật); Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc bị tráo đổi toàn bộ được xác định theo mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ đối với dịch vụ đó; Việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi một phần được xác định trên cơ sở thiệt hại thực tế, nhưng không cao hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại toàn bộ đối với dịch vụ đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác; Tiền bồi thường thiệt hại là đồng Việt Nam, việc chi trả được thực hiện một lần, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác; Không bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng dịch vụ bưu chính mà doanh nghiệp đã công bố; Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công bố và áp dụng, nhưng không được thấp hơn mức bồi thường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định); Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính; Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người sử dụng dịch vụ bưu chính.
- Chương IX quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính như: Trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính (Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính trong phạm vi cả nước; Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính; Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính theo phân công của Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính theo phân cấp của Chính phủ); Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông (Trình Chính phủ ban hành quy định cụ thể về điều kiện, hình thức đầu tư, hoạt động thương mại trong cung ứng dịch vụ bưu chính; điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động; bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; tem bưu chính; xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bưu chính; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định danh mục dịch vụ bưu chính công ích, cơ chế hỗ trợ dịch vụ bưu chính công ích, mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước, quản lý giá cước dịch vụ bưu chính, lộ trình giảm dần và thời điểm kết thúc phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng; Quy định cụ thể về mã bưu chính quốc gia; dấu ngày; bưu gửi không phát được; chuyển tiếp, chuyển hoàn bưu gửi; các trường hợp không cần giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động; báo cáo thống kê trong hoạt động bưu chính; khiếu nại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính; chất lượng dịch vụ bưu chính; Quyết định danh mục dịch vụ bưu chính, giá cước dịch vụ bưu chính công ích sau khi thống nhất với Bộ Tài chính; Phối hợp với Bộ Tài chính quy định về xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi; xử lý bưu gửi không có người nhận; miễn, giảm giá cước dịch vụ bưu chính và tổ chức thực hiện việc miễn giảm này; xây dựng danh mục dịch vụ bưu chính phải thực hiện đăng ký giá; Phối hợp với Bộ Công thương quy định về hướng dẫn hoạt động khuyến mại và giải quyết cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ bưu chính; Phối hợp với Bộ Xây dựng quy định về lắp đặt thùng thư công cộng, hộp thư tập trung tại khu đô thị, khu dân cư tập trung, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng; Phối hợp với Bộ Công an quy định về nguyên tắc, điều kiện đình chỉ, tạm đình chỉ vận chuyển, phát bưu gửi, kiểm tra, xử lý bưu gửi và yêu cầu cung cấp thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính; về mạng bưu chính phục vụ an ninh; Phối hợp với Bộ Quốc phòng quy định về mạng bưu chính phục vụ quốc phòng; Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn về xử lý hàng lậu, hàng cấm gửi qua đường bưu chính; Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hướng dẫn lập quy hoạch và trình tự, thủ tục phê duyệt quy hoạch mạng bưu chính công cộng tại địa phương).
- Chương X quy định về điều khoản thi hành như: Hiệu lực thi hành (Luật Bưu chính có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011; Các quy định về bưu chính của Pháp lệnh bưu chính, viễn thông số 43/2002/PL- UBTVQH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Bưu chính có hiệu lực; Giấy phép bưu chính được cấp trước ngày Luật Bưu chính có hiệu lực được tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc thời hạn ghi trong giấy phép đã cấp); Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành (Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật Bưu chính để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước).
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Bưu chính đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Bưu chính đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong đề mục Bưu chính còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
 
Chung nhan Tin Nhiem Mang