Ngày 30/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BTP quy định về quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/02/2022). Ngày 29/12/2021, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp trong thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính liên ngành (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2022).
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Tư pháp thực hiện cập nhật các QPPL mới tại Thông tư số 13/2021/TT-BTP và Thông tư liên tịch số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC vào Đề mục Thi hành án dân sự (Đề mục 2 Chủ đề 30. Thi hành án) theo quy định. Cụ thể các QPPL mới được cập nhật như sau:
I. Kết quả cập nhật QPPL mới đối với Thông tư số 13/2021/TT-BTP
Đối với Thông tư số 13/2021/TT-BTP, có tổng cộng 34 QPPL được cập nhật trong đề mục Thi hành án dân sự quy định việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự điều chỉnh đối với cơ quan thi hành án dân sự; cơ quan quản lý thi hành án dân sự và các cơ quan có thẩm quyền khác thuộc Bộ Tư pháp trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân có đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự.
Cụ thể, các điều khoản trên quy định chi tiết các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nguyên tắc xử lý, giải quyết đơn tiếp nhận đơn, phân loại đơn, xử lý đơn khiếu nại, thụ lý đơn khiếu nại, yêu cầu báo cáo, giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu, rút khiếu nại, giải quyết khiếu nại trong trường hợp hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành án hoặc khi người khiếu nại là cá nhân chết, xác minh nội dung khiếu nại, tổ chức đối thoại, tổ chức họp, trao đổi ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trưng cầu giám định hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết khác, phối hợp xử lý vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, rà soát, phân loại, xử lý vụ việc, Xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh, lập, sử dụng và bảo quản sổ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự, lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo, biểu mẫu nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, ra quyết định giải quyết khiếu nại, gửi, công khai, đôn đốc, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, thẩm quyền, thời hạn giải quyết tố cáo, xử lý đơn tố cáo, thụ lý đơn tố cáo, rút tố cáo, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo, xác minh nội dung tố cáo, tham khảo ý kiến tư vấn, trưng cầu giám định, báo cáo kết quả xác minh tố cáo, kết luận nội dung tố cáo, xử lý kiến nghị của người bị tố cáo, gửi, công khai kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, thực hiện kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện
Trong đó có một số nội dung cần chú ý như sau:
Điều 30.2.TT.14.3. Giải thích từ ngữ
1.
Khiếu nại về thi hành án dân sự là việc đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2.
Tố cáo về thi hành án dân sự là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên và công chức khác làm công tác thi hành án dân sự gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án dân sự.
3.
Kiến nghị, phản ánhvề thi hành án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với người có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong thi hành án dân sự.
4.
Người khiếu nại là đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án dân sự.
5.
Người tố cáo là cá nhân thực hiện quyền tố cáo về thi hành án dân sự.
6.
Người bị khiếu nại là Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có quyết định, hành vi về thi hành án dân sự bị khiếu nại.
7.
Người bị tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự có quyết định, hành vi về thi hành án dân sự bị tố cáo.
8
.Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
9.
Xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh là việc tiếp nhận, phân loại để thụ lý giải quyết hoặc hướng dẫn, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
10.
Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo là việc thụ lý, xác minh, kết luận và ra quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kết luận nội dung tố cáo.
Điều 30.2.TT.14.7. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết đối với các khiếu nại sau:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi của Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi của Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
c) Khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện;
d) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau:
a) Khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh;
b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.
4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau:
a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;
b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3
Điều này, nếu có căn cứ cho rằng quyết định giải quyết khiếu nại có vi phạm nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của vụ việc.
Điều 30.2.TT.14.12. Tổ chức họp, trao đổi ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trưng cầu giám định hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết khác
1. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp, vướng mắc về pháp luật, quan điểm giải quyết, người giải quyết khiếu nại có thể tổ chức họp, trao đổi ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; xin hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên trực tiếp; trưng cầu giám định hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết khác.
2. Người giải quyết khiếu nại quyết định việc trưng cầu giám định khi thấy cần thiết hoặc khi có đề nghị của người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Điều 30.2.TT.14.15. Thẩm quyền, thời hạn giải quyết tố cáo
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự.
2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp hoặc Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
3. Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự đã chuyển cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là công chức; hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng, Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể được xử lý theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 12 Luật Tố cáo.
4. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo có trách nhiệm giải quyết lại vụ việc tố cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Tố cáo nếu người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật và tố cáo tiếp.
5. Thời hạn giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Thi hành án dân sự.
Điều 30.2.TT.14.20. Tham khảo ý kiến tư vấn, trưng cầu giám định
Trường hợp vụ việc phức tạp hoặc xét thấy cần thiết, người giải quyết tố cáo có thể tổ chức họp, trao đổi ý kiến với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; xin hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên trực tiếp; trưng cầu giám định hoặc tiến hành các biện pháp cần thiết khác.
Thời gian giám định không tính vào thời hạn giải quyết tố cáo.
Điều 30.2.TT.14.26. Phối hợp xử lý vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài
Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Đối với các vụ việc có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền giải quyết tổ chức họp liên ngành hoặc thành lập đoàn công tác liên ngành tiến hành xác minh, làm rõ những nội dung khiếu nại, tố cáo và thống nhất biện pháp giải quyết với cơ quan phối hợp có liên quan; trường hợp có khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan thì báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp để được chỉ đạo giải quyết theo quy định tại Điều 173 và Điều 174 Luật Thi hành án dân sự.
Điều 30.2.TT.14.31. Biểu mẫu nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Các loại biểu mẫu nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo có tên, số, ký hiệu theo các phụ lục, bao gồm:
a) Mẫu quyết định, thông báo về giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp (Phụ lục II);
b) Mẫu quyết định, kết luận, thông báo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Phụ lục III);
c) Mẫu quyết định, kết luận, thông báo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cục Thi hành án dân sự (Phụ lục IV);
d) Mẫu quyết định, kết luận, thông báo về giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chi cục Thi hành án dân sự (Phụ lục V).
2. Việc quản lý, sử dụng, ghi chép biểu mẫu nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35 Thông tư số 01/2016/TT-BTP.
II. Kết quả cập nhật QPPL mới Thông tư số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC
Đối với Thông tư số 12/2021/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC, có tổng cộng 14 QPPL được cập nhật trong đề mục Thi hành án dân sự quy định về phối hợp trong việc lập, ký xác nhận, tổng hợp số liệu và kiểm tra trong thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính liên ngành được áp dụng đối với: Chi cục Thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương Tổng cục Thi hành án dân sự và Bộ Tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân tối cao. Trong đó có một số nội dung cần chú ý như sau:
Điều 30.2.TL.11.3. Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
1. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Thống kê.
2. Thống nhất biểu mẫu, giải thích và hướng dẫn ghi chép biểu mẫu, thời hạn và kỳ thống kê.
3. Thống nhất sử dụng số liệu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành trong các báo cáo của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trước các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 30.2.TL.11.4. Biểu mẫu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
1. Biểu mẫu thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành bao gồm:
a) Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS - Thống kê kết quả thi hành án dân sự;
b) Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS - Thống kê yêu cầu Tòa án xác định, phân chia tài sản, tuyên bố giao dịch vô hiệu; giải thích, sửa chữa hoặc xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và kết quả giải quyết của Tòa án;
c) Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS - Thống kê việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, kết quả theo dõi thi hành án hành chính;
d) Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS - Thống kê kết quả kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính liên ngành.
2. Giải thích từ ngữ và hướng dẫn ghi chép biểu mẫu được thực hiện theo bản giải thích và hướng dẫn ghi chép của từng biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.
Điều 30.2.TL.11.9. Gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành
1. Thời hạn gửi báo cáo thống kê thi hành án dân sự, hành chính liên ngành.
a) Chậm nhất sau 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo có ký xác nhận của cơ quan phối hợp, Chi cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gửi các Biểu mẫu thống kê liên ngành thuộc trách nhiệm của mình lên cơ quan cấp trên để tổng hợp thành báo cáo của địa phương theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch này.
b) Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phải tổng hợp thành báo cáo của địa phương mình gửi Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự), Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
c) Chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp tổng hợp số liệu tại các Biểu mẫu số 01/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 02/TKLN-THADS, Biểu mẫu số 03/TKLN-THADS; các đơn vị chuyên môn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp số liệu của Biểu mẫu số 04/TKLN-THADS gửi cho các cơ quan có trách nhiệm phối hợp và gửi báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao.
2. Phương thức gửi báo cáo thống kê liên ngành.
Báo cáo thống kê liên ngành được gửi tới nơi nhận bằng một trong các phương thức sau đây: Gửi bằng đường bưu điện; Gửi trực tiếp; Gửi trực tiếp bằng văn bản điện tử có chữ ký số qua các phần mềm chuyên môn của mỗi ngành (nếu có).
Để đảm bảo việc lập, gửi báo cáo thống kê đúng thời hạn, cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân có thể gửi trước báo cáo thống kê bằng bản mềm hoặc bản scan có đủ chữ ký liên ngành đến nơi nhận qua thư điện tử bằng hộp thư điện tử được Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cấp./.