Ngày 22/02/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số
19/2022/NĐ-CP quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022).
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển, Bộ Quốc phòng thực hiện cập nhật các QPPL mới tại Nghị định số 19/2022/NĐ-CP vào Đề mục Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (Đề mục 12 Chủ đề 25. Quốc phòng) theo quy định. Cụ thể các QPPL mới được cập nhật như sau:
Điều 25.12.NĐ.4.1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
(Điều 1 Nghị định số 19/2022/NĐ-CP Quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng ngày 22/02/2022 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022)
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định biện pháp thi hành chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc theo quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
2. Đối tượng áp dụng
a) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng công tác tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng;
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 25.12.NĐ.4.2. Thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành
(Điều 2 Nghị định số 19/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022)
1. Thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây viết gọn là cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước) như sau:
a) Được ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với ngành, nghề chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết phù hợp với công việc đảm nhiệm.
b) Được miễn thi tuyển, xét tuyển nếu chuyển ngành về cơ quan cũ trước khi vào phục vụ trong Quân đội hoặc chuyển ngành theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
c) Quân nhân chuyên nghiệp được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực. Trường hợp tiền lương theo nhóm, ngạch, bậc được xếp thấp hơn tiền lương theo loại, nhóm, bậc của quân nhân chuyên nghiệp được hưởng tại thời điểm chuyển ngành thì được bảo lưu mức lương và phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành trong thời gian là 18 tháng kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực và do cơ quan, tổ chức mới chi trả. Việc tiếp tục cho hưởng lương bảo lưu ngoài thời gian 18 tháng do Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, quyết định phù hợp với tương quan tiền lương nội bộ. Trong thời gian hưởng bảo lưu lương, mức tiền lương chênh lệch bảo lưu giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch hoặc được nâng ngạch. Sau thời gian bảo lưu lương, tiếp tục được hưởng mức phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành hoặc được cộng nối để tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên.
Công nhân và viên chức quốc phòng được xếp và hưởng lương theo công việc mới, chức vụ mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực.
d) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành, đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm nghỉ hưu để làm căn cứ tính lương hưu.
đ) Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành, nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thôi việc thì ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc do cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc chi trả; trong đó: cứ mỗi năm công tác trong Quân đội được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, được chuyển đổi theo chế độ tiền lương quy định tại thời điểm thôi việc để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc; thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc.
2. Thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành sang làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước như sau:
a) Được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
b) Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp băng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng trước khi chuyển ngành chi trả.
c) Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành nhưng không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
3. Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đã chuyển ngành nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, được cấp có thẩm quyền quyết định trở lại phục vụ trong Quân đội thì thời gian chuyển ngành công tác tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước được tính vào thời gian công tác liên tục để xét nâng lương, phiên quân hàm và tính thâm niên công tác.
4. Thực hiện chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp đã phục viên về địa phương trong thời gian không quá 01 năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định phục viên có hiệu lực như sau:
a) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành theo quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời phải hoàn trả khoản trợ cấp phục viên một lần và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi quân nhân chuyên nghiệp công tác trước khi phục viên chỉ đạo thu hồi quyết định phục viên và các khoản trợ cấp nêu trên; ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển ngành; nộp các khoản trợ cấp đã thu vào ngân sách nhà nước và tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định.
b) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phải hoàn trả khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi quân nhân chuyên nghiệp công tác trước khi phục viên chỉ đạo thu hồi khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần nộp vào tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định. Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
c) Trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi quân nhân chuyên nghiệp công tác trước khi phục viên đã sáp nhập hoặc giải thể thì do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sau sáp nhập hoặc cơ quan, đơn vị cấp trên quản lý trực tiếp của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giải thể giải quyết.
d) Thời gian quân nhân chuyên nghiệp phục viên về địa phương không được tính là thời gian công tác tham gia bảo hiểm xã hội.
Điều 25.12.NĐ.4.3. Thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc
(Điều 3 Nghị định số 19/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022)
Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc được thực hiện như sau:
1. Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.
3. Thực hiện chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 01 năm (12 tháng) kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực như sau:
a) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì được thực hiện chế độ chuyển ngành theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này, đồng thời phải hoàn trả khoản trợ cấp một lần quy định tại khoản 2 Điều này và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi quyết định thôi việc và các khoản trợ cấp nêu trên; ra quyết định hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển ngành; nộp các khoản trợ cấp đã thu vào ngân sách nhà nước và tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định.
b) Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì phải hoàn trả khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc chỉ đạo thu hồi khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần nộp vào tài khoản chuyên thu của Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng; hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng xác nhận, thực hiện bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đó theo quy định. Khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ để tính lương hưu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định này.
c) Trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi công nhân và viên chức quốc phòng công tác trước khi thôi việc đã sáp nhập hoặc giải thể thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 2 Nghị định này.
d) Thời gian công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc về địa phương không được tính là thời gian công tác tham gia bảo hiểm xã hội.
Điều 25.12.NĐ.4.4. Tiền lương và thời gian công tác để tính hưởng chế độ
(Điều 4 Nghị định số 19/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022)
1. Tiền lương để tính hưởng chế độ
Tiền lương tháng để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp thôi việc quy định tại điểm đ khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, thôi việc, bao gồm: Tiền lương theo loại, nhóm, bậc đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; nhóm, ngạch, bậc đối với viên chức quốc phòng và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên, phụ cấp thâm niên vượt khung và mức chênh lệch bảo lưu (nếu có).
2. Thời gian công tác để tính hưởng chế độ
a) Thời gian công tác để tính hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này là tổng thời gian công tác trong Quân đội (gồm: Thời gian là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) và thời gian công tác tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước có đóng bảo hiểm xã hội, trừ thời gian đã hưởng chế độ trợ cấp một lần khi phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc.
b) Thời gian công tác quy định tại điểm a khoản này nếu đứt quãng thì được cộng dồn; nếu có tháng lẻ thì được tính như sau: Dưới 03 tháng không tính, từ đủ 03 tháng đến đủ 06 tháng được tính là 1/2 năm, từ trên 06 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn là 01 năm.
Điều 25.12.NĐ.4.5. Kinh phí bảo đảm
(Điều 5 Nghị định số 19/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022)
Nguồn kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp một lần, trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác trong Quân đội và thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm đ khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 25.12.NĐ.4.6. Hiệu lực thi hành
(Điều 6 Nghị định số 19/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022)
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2022.
2. Chế độ trợ cấp một lần đối với công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành, thôi việc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 và khoản 2 Điều 3 Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
3. Chế độ phụ cấp thâm niên sau thời gian bảo lưu lương (18 tháng) đối với quân nhân chuyên nghiệp chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định này được thực hiện đến khi Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp
Điều 25.12.NĐ.4.7. Trách nhiệm thi hành
(Điều 7 Nghị định số 19/2022/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2022)
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm triển khai thi hành Nghị định này; thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan bảo đảm chế độ, chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được thực hiện thống nhất, đồng bộ.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.