Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về bảo hiểm tiền gửi
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong đề mục “Bảo hiểm tiền gửi”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và đang trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 07 chương (115 Điều) theo cấu trúc của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 và được pháp điển từ 07 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về bảo hiểm tiền gửi; Nghị định số 109/2005/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi; Nghị định số 68/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi; Thông tư số 03/2006/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP; Thông tư số 41/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Thông tư số 24/2014/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Bảo hiểm tiền gửi” như sau:
- Chương I gồm 26 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của các quy định trong đề mục này; Giải thích từ ngữ; Nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi; Tham gia bảo hiểm tiền gửi; Chính sách của nhà nước về bảo hiểm tiền gửi; Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi; Trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi; Các hành vi bị cấm.
- Chương II gồm 04 điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi như: Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Hỗ trợ tài chính đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi không đủ để trả tiền bảo hiểm.
- Chương III gồm 4 mục với 30 điều quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Cụ thể, Mục 1 quy định về chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi như: Cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Nội dung Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hợp nhất, sáp nhập; Niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi niêm yết tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Cấp lại chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Mục 2 quy định về tiền gửi được bảo hiểm và Tiền gửi không được bảo hiểm. Mục 3 quy định về phí bảo hiểm tiền gửi như: Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có nghĩa vụ phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để được bảo hiểm cho tiền gửi của khách hàng. Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi; Tính phí bảo hiểm tiền gửi; Phí nộp thiếu, nộp chậm. Mục 4 quy định về trả tiền bảo hiểm như: Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; Thời hạn trả tiền bảo hiểm; Hạn mức trả tiền bảo hiểm; Số tiền bảo hiểm được trả; Thủ tục trả tiền bảo hiểm; Ủy quyền trả tiền bảo hiểm; Nhận tiền bảo hiểm; Thủ tục trả tiền bảo hiểm; Xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm; Thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả từ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Tham gia quản lý, thanh lý tài sản và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả; Thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả từ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Chương IV gồm 29 điều quy định về tổ chức bảo hiểm tiền gửi như: Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là pháp nhân, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo đảm an toàn vốn và tự bù đắp chi phí. Nguồn thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được miễn nộp các loại thuế; Mở và sử dụng tài khoản thanh toán của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại ngân hàng; Nguồn vốn hoạt động; Vốn hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Nguyên tắc sử dụng vốn; Hoạt động đầu tư; Mở tài khoản của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước; Mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước; Chế độ tài chính, hạch toán kế toán và kiểm toán; Nguyên tắc quản lý tài chính; Trách nhiệm của Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Kiểm kê, đánh giá lại tài sản; Khấu hao tài sản cố định; Xử lý tổn thất tài sản; Cho thuê tài sản cố định; Thanh lý, nhượng bán tài sản cố định; Xử lý số tiền thu được từ thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị phá sản; Các khoản thu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Hạch toán khoản thu từ đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Các khoản chi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; Các khoản Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không được hạch toán vào chi phí; Chênh lệch thu chi; Xử lý chênh lệch thu chi tài chính hàng năm; Nguyên tắc sử dụng các quỹ được trích lập từ chênh lệch thu chi; Kế toán, thống kê; Kế hoạch tài chính; Chế độ báo cáo; Kiểm toán.
- Chương V gồm 06 điều quy định về hoạt động thông tin báo cáo như: Trách nhiệm báo cáo và công bố thông tin của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Nguyên tắc cung cấp thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức bảo hiểm tiền gửi; Cung cấp thông tin của tổ chức bảo hiểm tiền gửi cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Phối hợp trong lĩnh vực trao đổi thông tin; Cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
- Chương VI gồm 03 điều quy định về thanh tra, khiếu nại về bảo hiểm tiền gửi như: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi; Đối tượng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi là tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra về bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp luật về thanh tra; Quy trình, thủ tục thanh tra về bảo hiểm tiền gửi đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và pháp luật về thanh tra. Quy trình, thủ tục thanh tra về bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra; Khiếu nại về bảo hiểm tiền gửi.
- Chương VII gồm 17 điều quy định về điều khoản thi hành như: Tổ chức thực hiện; Hiệu lực thi hành của các văn bản sử dụng pháp điển vào đề mục và trách nhiệm thi hành của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Điều khoản chuyển tiếp (Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng; Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi được cấp trước ngày Nghị định số 68/2013/NĐ-CP có hiệu lực tiếp tục có giá trị sử dụng, trừ chứng nhận bảo hiểm tiền gửi đã được cấp cho tổ chức không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi. Chứng nhận bảo hiểm tiền gửi đã được cấp cho tổ chức không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi hết giá trị sử dụng.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh bảo hiểm tiền gửi đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng phòng Pháp điển và hợp nhất VBQPPL