Một số vấn đề đặt ra đối với Bộ pháp điển hiện nay
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Một số vấn đề đặt ra đối với Bộ pháp điển hiện nay

Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16/4/2012 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản quan trọng tạo cơ sở pháp lý nền tảng cho công tác xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Việt Nam. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã rất chủ động, tích cực đẩy mạnh tổ chức triển khai xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ. Bộ Tư pháp đã tham mưu, ban hành khá đầy đủ các văn bản[1] để triển khai công tác pháp điển; theo dõi sát sao, nắm bắt đầy đủ thông tin và kịp thời hướng dẫn, đôn đốc về tình hình triển khai công tác pháp điển của các bộ, ngành. Trong thời gian qua, với hệ thống thể chế và công tác lãnh đạo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầy đủ và toàn diện, công tác pháp điển tại các bộ, ngành đã từng bước triển khai bài bản và đi sâu về chất lượng. Sau hơn 09 năm triển khai thực hiện, công tác pháp điển hệ thống QPPL đã đạt được một số kết quả bước đầu như sau:
Bộ Pháp điển bao gồm 45 chủ đề với 271 đề mục. Theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014), Bộ pháp điển được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023). Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành và được Chính phủ xem xét thông qua, đưa vào khai thác, sử dụng 249/271 đề mục (đạt hơn 90% của Bộ pháp điển). Như vậy, với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” so với lộ trình đã đặt ra. Các đề mục đã được Chính phủ thông qua được đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn).
Qua việc pháp điển 249/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 07 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.
Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật, qua đó giảm chi phí tuân thủ pháp luật hiện hành. Với hệ thống văn bản pháp luật cồng kềnh và các quy định pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội phân tán tại nhiều văn bản như nước ta hiện nay, việc tra cứu quy định pháp luật có tính hệ thống tại Bộ pháp điển còn giúp cá nhân, tổ chức tra cứu một cách đầy đủ và toàn diện.
Bộ pháp điển hướng đến mục tiêu bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Các kết quả pháp điển được đăng tải, cập nhật liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được khai thác, sử dụng miễn phí. Cho đến nay, Bộ pháp điển đã mang lại cho người sử dụng một cách tiếp cận theo hướng khác biệt, không theo văn bản riêng lẻ, mà theo lĩnh vực, theo nhóm quan hệ xã hội, theo nhóm vấn đề. Có thể thấy, Bộ pháp điển bước đầu được xã hội đón nhận, khai thác và sử dụng, coi Bộ pháp điển là một trong những công cụ hữu hiệu hỗ trợ giải quyết công việc.
Qua quá trình rà soát và xây dựng Bộ pháp điển, các bộ, ngành đã nhận diện nhiều quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, phát hiện những khoảng trống pháp luật để kịp thời ban hành văn bản bảo đảm tính đầy đủ của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, khi tất cả các quy định đã được sắp xếp một cách hệ thống trong Bộ pháp điển thì việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn trên cơ sở các quy định trong Bộ pháp điển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp điển còn một số hạn chế, khó khăn trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, cụ thể như: Bộ pháp điển chưa bảo đảm đầy đủ các QPPL đang còn hiệu lực; vị trí một số quy phạm pháp luật được sắp xếp chưa phù hợp, việc chỉ dẫn chưa đầy đủ; số lượng truy cập Bộ pháp điển hiện nay còn khiêm tốn so với nhu cầu tra cứu tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển còn bất cập, chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới; các điều kiện về nhân lực, kinh phí và điều kiện khác phục vụ công tác pháp điển chưa được bảo đảm… Chính những hạn chế, khó khăn nêu trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển thời gian qua, đồng thời đặt ra yêu cầu tiếp tục có các giải pháp thiết thực, cụ thể trong giai đoạn tới.
Đến nay có gần 11 triệu[2] lượt truy cập vào Bộ pháp điển (trung bình mỗi ngày có gần 04 nghìn lượt truy cập). Tuy nhiên, với số lượng này là rất ít so với nhu cầu tra cứu tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các quy định của pháp luật của người dân, doanh nghiệp là rất lớn và ngày càng gia tăng như hàng ngày có tới hàng vạn lượt truy cập, tìm kiếm các quy định của pháp luật trên các cơ sở dữ liệu pháp luật khác như Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Thư viện pháp luật, Luật Việt Nam. Việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật ngày càng nhiều và trở thành nhu cầu rất lớn trong xã hội nước ta hiện nay và trong thời gian tới. Từ những lý do nêu trên, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan thực hiện pháp điển nghiên cứu, xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển nhằm khắc phục những hạn chế của Bộ pháp điển hiện nay và phát huy giá trị của Bộ pháp điển trong đời sống xã hội, cụ thể như sau:
Thứ nhất, rà soát, xác định và pháp điển bổ sung các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực nhưng chưa được sắp xếp vào Bộ pháp điển
Hiện nay, có 8.132 văn bản do các cơ quan nhà nước cấp Trung ương ban hành đã được đưa vào Bộ pháp điển. Qua rà soát, Bộ Tư pháp thấy rằng vẫn còn văn bản đang có hiệu lực thuộc 267 đề mục đã được Chính phủ thông qua, nhưng chưa được sắp xếp vào Bộ pháp điển. Việc thiếu sót này xuất phát từ lý do các cơ quan thực hiện pháp điển đã không rà soát, tập hợp đầy đủ, kịp thời các quy phạm pháp luật theo quy định của Pháp lệnh Pháp điển hoặc khi thực hiện pháp điển đối với từng đề mục nhưng chưa xác định được vị trí sắp xếp các quy phạm pháp luật này[3].
Trong thời gian qua, các cơ quan thực hiện pháp điển đã bảo đảm tuân thủ nguyên tắc, kỹ thuật thực hiện pháp điển theo quy định. Tuy nhiên, pháp điển là công tác còn mới, phức tạp nên Bộ pháp điển vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: các quy phạm pháp luật chưa được sắp xếp phù hợp, khoa học[4]; kỹ thuật chỉ dẫn chưa được thực hiện đầy đủ, chính xác ảnh hưởng đến việc tra cứu, khai thác Bộ pháp điển.
Để khắc phục hạn chế và tiếp tục hoàn thiện Bộ pháp điển trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp như sau:
- Rà soát, lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chứa các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực chưa được sắp xếp vào Bộ pháp điển trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cập nhật hoặc bổ sung đề mục mới (nếu có);
- Rà soát, xử lý, hoàn thiện các quy phạm pháp luật chưa được sắp xếp phù hợp và chỉ dẫn trong Bộ pháp điển.
Thứ hai, tổ chức nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn
Hiện nay, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển quy định một số kỹ thuật pháp điển chưa bảo đảm hợp lý, khoa học[5]; một số trường hợp đặc thù chưa được hướng dẫn cụ thể nên các cơ quan thực hiện pháp điển thực hiện không thống nhất, gây khó khăn cho việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Đồng thời, Pháp lệnh Pháp điển cũng chưa quy định về việc linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin vào Bộ pháp điển, nên gây cản trở quá trình ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện nay để phục vụ mục đích tra cứu, sử dụng trên môi trường số của Bộ pháp điển. Do đó, trong thời gian tới, việc tổ chức nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển là nhiệm vụ quan trọng với các hoạt động chủ yếu như sau:
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, hội thảo, tọa đàm trao đổi, thảo luận về việc hoàn thiện kỹ thuật pháp điển.
- Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện kỹ thuật pháp điển trong việc sắp xếp các quy phạm pháp luật, ghi chú, chỉ dẫn bảo đảm hợp lý, khoa học.
- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, quản lý, duy trì Bộ pháp điển, đặc biệt là tại các quốc gia có nhiều thành công trong hoạt động pháp điển.
Thứ ba, phổ biến, giới thiệu Bộ pháp điển có tính đổi mới, sáng tạo và đa dạng
- Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về giá trị và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong áp dụng và thực hiện pháp luật, trọng tâm là các cơ quan, tổ chức, cá nhân thường xuyên tra cứu, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như: công chức từ trung ương đến địa phương; luật sư; công chứng viên; trợ giúp viên pháp lý; giảng viên, giáo viên, sinh viên, học viên tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật.
- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên nguồn tại các bộ, ngành và địa phương về kiến thức tổng quan, kỹ năng, phương pháp để các tập huấn viên sẽ là các báo cáo viên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển tại cơ quan, địa phương mình.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển
Một trong những mục tiêu hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức trong xã hội cũng có nhu cầu, thói quen tra cứu pháp luật thích ứng với môi trường công nghệ số, ưu tiên các công cụ tra cứu nhanh chóng, thuận lợi, dễ hiểu. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc xây dựng, quản lý, duy trì và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển là cấp thiết, cần được được nghiên cứu, áp dụng ngay để bảo đảm phù hợp với môi trường công nghệ 4.0 và đáp ứng được nhu cầu tra cứu của các cá nhân, tổ chức.
Mặt khác, qua khảo sát kinh nghiệm nước ngoài, một số quốc gia trên thế giới tập trung công bố, đăng tải thông tin pháp luật và hệ thống pháp luật trên duy nhất một trang chính thức và cơ bản được vận hành, quản lý bởi một đầu mối (thông thường là cơ quan về luật pháp hoặc Chính phủ) để bảo đảm tính thống nhất trong việc công bố, đăng tải, tra cứu các thông tin về pháp luật và các chính sách, thông tin khác của Nhà nước như: https://www.law.go.kr/ (Hàn Quốc); https://sso.agc.gov.sg/ (Singapore); https://lagrummet.se/lagrummet/ (Thụy Điển); https://laws-lois.justice.gc.ca/ (Canada); https://www.legislation.gov.au/ (Australia) và https://www.legifrance.gouv.fr/ (Cộng hòa Pháp).
Trên cơ sở thực tiễn và học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, Bộ Tư pháp nhận thấy, trong thời gian tới cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
- Thường xuyên rà soát, kịp thời tăng cường giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đối với các kỹ thuật pháp điển, tính năng tra cứu Bộ pháp điển; xây dựng và tổ chức giới thiệu hướng dẫn khai thác, sử dụng Ứng dụng Bộ pháp điển dùng trên các thiết bị di động.
- Thực hiện liên thông, đồng bộ, thống nhất thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Bộ pháp điển; đề xuất giải pháp quản lý, vận hành thống nhất Bộ pháp điển với các cơ sở dữ liệu về pháp luật bảo đảm việc kết nối và chia sẻ thông tin pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển
Để thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trên, các bộ ngành, địa phương cần tăng cường các điều kiện về tổ chức nhân sự, kinh phí và các điều kiện cần thiết khác, qua đó, bảo đảm Bộ pháp điển có chất lượng, được phổ biến rộng rãi và sử dụng hiệu quả, cụ thể:
- Bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác pháp điển và tuyên truyền, phổ biến pháp điển.
- Bố trí công chức làm công tác pháp điển và tuyên truyền, phổ biến pháp điển trong tổng biên chế được giao.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Pháp điển, các cơ quan thực hiện pháp điển đối với QPPL trong văn bản QPPL do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; QPPL trong văn bản QPPL do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.
Điều 17 và 18 Pháp lệnh Pháp điển quy định kỹ thuật, thời hạn pháp điển và cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các bộ, ngành thực hiện pháp điển QPPL mới vào Bộ pháp điển thường xuyên chậm, không bảo đảm đúng thời hạn làm ảnh hưởng đến chất lượng của Bộ pháp điển. Nguyên nhân là do khối lượng công việc pháp điển QPPL mới ban hành không nhiều, không phải công việc thường xuyên nên các công chức được giao nhiệm vụ pháp điển QPPL mới bị quên việc, quên kiến thức về kỹ thuật pháp điển, quên kiến thức sử dụng Phần mềm pháp điển. Do đó, mỗi khi thực hiện pháp điển QPPL mới ban hành, công chức được giao nhiệm vụ phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu lại toàn bộ kiến thức mới có thể thực hiện được.
Việc pháp điển QPPL mới ban hành vào Bộ pháp điển chủ yếu mang tính kỹ thuật. Hiện nay, hệ thống văn bản QPPL của nước ta cơ bản đã đầy đủ, hoàn thiện nên hàng năm các bộ, ngành chủ yếu ban hành văn bản hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung. Số lượng văn bản điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh không nhiều. Do đó, việc pháp điển QPPL mới ban hành cơ bản dựa trên kết quả đã được sắp xếp trong Bộ pháp điển đã được Chính phủ thông qua.
Từ phân tích trên, Bộ Tư pháp đề xuất hực hiện cập nhật quy phạm pháp luật mới ban hành vào Bộ pháp điển bảo đảm kịp thời, chất lượng là một trong các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng Bộ pháp điển, bảo đảm Bộ pháp điển luôn tập hợp các QPPL đang còn hiệu lực, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tra cứu, tìm kiếm quy định pháp luật một cách đầy đủ, chính xác của các cá nhân, tổ chức.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các cơ quan thực hiện pháp điển nghiên cứu đề xuất theo hướng nhiệm vụ cập nhật QPPL mới được giao cho bộ phận chuyên trách thực hiện, cụ thể: Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Tổ công tác (trong đó, thành viên là đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan thực hiện pháp điển) hoặc giao Bộ Tư pháp (Bộ phận Pháp điển thuộc Cục Kiểm tra văn bản QPPL) để quản lý và duy trì Bộ pháp điển. Việc thay đổi mô hình tổ chức triển khai thực hiện pháp điển, cập nhật QPPL mới sẽ bảo đảm Bộ pháp điển được cập nhật kịp thời, luôn chứa đựng các QPPL hiện hành đang còn hiệu lực.
Trong Bộ pháp điển có một số chủ đề chỉ có một đề mục và đề mục đó lại có số văn bản sử dụng để pháp điển ít nhưng một số chủ đề có nhiều đề mục và trong mỗi đề mục đó lại có số văn bản sử dụng để pháp điển rất nhiều. Do đó, cần nghiên cứu để xác lập lại các các chủ đề cho phù hợp hơn nữa để bảo đảm tính khoa học, lôgic và phù hợp giữa các chủ đề. Cụ thể, cần tổ chức nghiên cứu để đề xuất sửa Điều 7 Pháp lệnh pháp điển theo hướng:
- Ghép chủ đề “Tương trợ tư pháp” vào chủ đề “Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp” do các quy định về tương trợ tư pháp thuộc phạm vi lĩnh vực của các phương thức giải quyết tranh chấp.
- Ghép Chủ đề “Thống kê” với Chủ đề “Văn thư, lưu trữ” thành Chủ đề “Thống kê và Văn thư, lưu trữ”.
- Ghép Chủ đề “Dân tộc” với Chủ đề “Tôn giáo, tín ngưỡng” thành Chủ đề “Dân tộc; Tôn giáo, tín ngưỡng”.
Một số đề mục được sắp xếp trong các chủ đề cũng chưa lôgic, thống nhất về phạm vi QPPL điều chỉnh, ví dụ như: Đề mục Đăng ký biện pháp bảo đảm và đề mục Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về thực hiện nghĩa vụ bảo đảm có hệ thống văn bản QPPL đều thuộc phạm vi của Đề mục Dân sự và cần được pháp điển vào Đề mục Dân sự, nhưng hiện nay Bộ pháp điển tách riêng làm 03 đề mục độc lập. Trong khi đó, các đề mục khác cũng có nhiều Nghị định không phải là quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhưng vẫn được pháp điển vào vì quy định về cùng một lĩnh vực. Do đó, cần nghiên cứu để xác lập lại các các đề mục trong mỗi chủ đề cho phù hợp hơn nữa để bảo đảm tính khoa học, lôgic và phù hợp giữa các đề mục. Cụ thể, cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi Quyết định số 891/QĐ-TTg để bảo đảm cấu trúc các chủ đề, đề mục trong Bộ pháp điển phù hợp và khoa học theo hướng đưa nội dung của Đề mục “Đăng ký biện pháp bảo đảm” và Đề mục “Quy định thi hành Bộ luật Dân sự về thực hiện nghĩa vụ bảo đảm có hệ thống văn bản QPPL” vào Đề mục “Dân sự”.
Tên của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất được dùng làm tên  gọi của đề mục cơ bản bảo đảm tính phù hợp, khoa học và sự thống nhất nội dung của đề mục với tên của đề mục. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc quy định này cũng đã gây ra những hạn chế nhất định. Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP về thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ trong việc quy định tên các đề mục trong các trường hợp cụ thể. Theo đó, tên đề mục là cụm từ thể hiện được phạm vi các nội dung có trong đề mục đó.
Hiện nay, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định các kỹ thuật pháp điển mang tính nguyên tắc và cũng tương đối cụ thể. Tuy nhiên, nhiều trường hợp pháp điển chưa được quy định cụ thể dẫn đến các cơ quan thực hiện pháp điển tùy nghi. Về cơ bản, những vấn đề này đã được Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng thống nhất tháo gỡ theo thẩm quyền. Nhưng còn một số kỹ thuật pháp điển mà Nghị định số 63/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể thì lại không phù hợp với những trường hợp đặc thù, cụ thể. Trong thực tế, những trường hợp đặc thù này tương đối nhiều do hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển cồng kềnh, phức tạp, nhiều tầng nấc, hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển thiếu tính thống nhất, đồng bộ, nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, pháp luật thường xuyên thay đổi và đặc biệt là do hệ thống văn bản QPPL không thống nhất về kỹ thuật trình bày cũng như kỹ thuật soạn thảo văn bản (Hệ thống văn bản QPPL nước ta được ban hành trong hơn 70 năm qua, kỹ thuật lập pháp trong rất nhiều văn bản còn hạn chế. Điều này có nguyên nhân từ việc do trước đây chúng ta chưa có những quy chuẩn chung trong hoạt động soạn thảo các QPPL).
Với hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển phức tạp cả về nội dung và hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản như nước ta hiện nay thì kỹ thuật thực hiện pháp điển chỉ nên được quy định mang tính nguyên tắc chung; những trường hợp đặc thù, cụ thể nên để cơ quan thực hiện pháp điển chủ động thực hiện cho phù hợp. Bên cạnh đó, nên giao một cơ quan chủ trì giúp Chính phủ (Bộ Tư pháp) thực hiện pháp điển theo những nguyên tắc cụ thể, thống nhất để bảo đảm mục tiêu của Bộ pháp điển là giúp cá nhân, tổ chức thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật.
 
 
 
 
[1]- Pháp lệnh pháp điển ngày 16/4/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
 - Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh pháp điển;
 - Thông tư số 13/2014/TT-BTP ngày 29/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp điển hệ thống QPPL;
 - Thông tư liên tịch số 192/2013/TTLT-BTC-BTP ngày 13/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản QPPL và pháp điển hệ thống QPPL;
 - Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 27/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo đề mục (thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ);
 - Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển.
[2] Theo số liệu trên Cổng thông tin điện tử pháp điển tính đến ngày 20/02/2024.
[3] Ví dụ: Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh.
[4] Ví dụ: Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA ngày 04/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch đang được pháp điển vào Đề mục An ninh quốc gia (Đề mục 1 Chủ đề 1. An ninh quốc gia). Qua rà soát, Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-BVHTTDL-BCA cần được sắp xếp sang Đề mục Công an nhân dân (Đề mục 2 Chủ đề 39. Trật tự an toàn xã hội) sẽ phù hợp hơn.
[5] Kỹ thuật xác định cấu trúc và tên đề mục; kỹ thuật tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật; kỹ thuật ghi chú, chỉ dẫn…
Trần Thanh Loan
Chung nhan Tin Nhiem Mang