Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Đề mục 3 Chủ đề 12. Doanh nghiệp, hợp tác xã). Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định có 22 văn bản có nội dung thuộc Đề mục và 06 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/06/2017 của Quốc hội, gồm 04 chương với 34 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật. Về cơ bản, vị trí sắp xếp các điều trong kết quả pháp điển Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm đúng nguyên tắc: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp và theo trật tự thời gian ban hành đối với các điều của văn bản cùng hiệu lực. Kỹ thuật ghi chú, xác định nội dung liên quan đến nhau cũng bảo đảm theo quy định tại Nghị định số 63/2013/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xác định 02 văn bản QPPL ban hành trước ngày Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 được Quốc hội thông qua vẫn còn hiệu lực và đang được áp dụng trên thực tế. Do vậy, các văn bản trên đang được pháp điển Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa; xác định lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; xác định số lao động sử dụng có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; xác định tổng nguồn vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa; xác định tổng doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa; xác định và kê khai doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguyên tắc thực hiện hỗ trợ; nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các hành vi bị nghiêm cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy trình, thủ tục hỗ trợ; hướng dẫn thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các hoạt động được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước; hướng dẫn quy trình thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; quản lý hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại chương này, một số quy phạm pháp luật của văn bản được pháp điển vào Đề mục được sắp xếp như sau: các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.
- Chương II quy định về các nội dung: hỗ trợ chung (Mục 1) và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị (Mục 2).
Tại chương này, một số quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp như sau: Một số điều của Luật số 04/2017/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 tại chương này: Được hướng dẫn bởi các điều của Thông tư số 47/2014/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2014; Thông tư số 29/2014/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2014; Thông tư số 06/2011/TT-BKHCN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2011; Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/03/2018; Thông tư số 15/2019/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2019; Thông tư số 57/2019/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2019; Thông tư số 04/2019/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/03/2019; Thông tư số 45/2018/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2019; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2021; Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/06/2022; Thông tư số 07/2020/TT-BKHCN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2022; Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/08/2019; Thông tư số 64/2021/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021; Thông tư số 54/2019/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2019; Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/02/2019; Thông tư số 49/2019/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/09/2019; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/03/2018; Nghị định số 39/2019/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019; Thông tư số 08/2020/TT-BKHĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2021; Thông tư số 14/2020/TT-BKHĐT, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/02/2021; Thông tư số 34/2019/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2020.
- Chương III quy định về trách nhiệm trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Trách nhiệm của Chính phủ; Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Trách nhiệm của Bộ Tài chính; Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Trách nhiệm của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thu hồi kinh phí hỗ trợ; Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Trách nhiệm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Công khai thông tin hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đánh giá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Xử lý vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Chương IV quy định về: điều khoản thi hành, trách nhiệm thi hành, điều khoản chuyển tiếp.
Tại chương này, một số quy phạm pháp luật của văn bản được pháp điển vào Đề mục được sắp xếp như sau: các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức.
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Hoàng Như Quỳnh