Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 19/6/2015, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIII) đã thông qua Luật số 78/2015/QH13 nghĩa vụ quân sự, có hiệu lực từ 01/01/2016 (thay thế Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981; sửa đổi, bổ sung năm 1990, 1994, 2005). Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển Luật nghĩa vụ quân sự năm 2011); Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các quy định mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 cũng đã khắc phục được những bất cập của Luật Nghĩa vụ quân sự trước đó, tạo điều kiện giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự và đảm bảo tính khả thi, ổn định lâu dài.
Ngay sau khi Luật được ban hành, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ: Công an, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông,… tham mưu giúp Chính phủ kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, để hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm kiếm, tra cứu, áp dụng quy định pháp luật về nghĩa vụ quân sự, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với bộ, ngành liên quan (Bộ Y tế) thực hiện việc tập hợp, sắp xếp Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đang còn hiệu lực, do cơ quan Nhà nước ở Trung ương ban hành (07 văn bản) vào chung một đề mục theo quy định tại Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2013.
Kết quả pháp điển đề mục “Nghĩa vụ quân sự” (Đề mục số 11) thuộc chủ đề “Quốc phòng” (Chủ đề số 25) đã được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, thông qua ngày 01/12/2016. Đây là một trong các đề mục có hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển không lớn, các quy định mới ban hành, tương đối ổn định, không có nội dung trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hay không còn phù hợp với thực tế. Cụ thể, Đề mục này được pháp điển bởi Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015; Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2015 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đăng ký và chế độ, chính sách của công dân trong thời gian đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự; Nghị định số 14/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai; Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; Thông tư số 140/2015/TT-BQP ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; Thông tư số 07/2016/TT-BQP ngày 26/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định phong, thăng, giáng cấp bậc quân hàm, bổ nhiệm chức vụ, giáng chức, cách chức; chức vụ tương đương và cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam; Thông tư số 95/2016/TT-BQP ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng Quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo đó, đề mục Nghĩa vụ quân sự có cấu trúc gồm 09 chương, cụ thể:
- Chương I gồm các quy định về các nội dung cơ bản như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, hạ sĩ quan, binh sĩ; chức vụ, cấp bậc quân hàm; các hành vi bị nghiêm cấm…
- Chương II gồm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự như: Nguyên tắc đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự; đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sựCơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự; đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập, tạm vắng; đăng ký miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến; đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị; đưa ra khỏi danh sách đăng ký nghĩa vụ quân sự; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đăng ký nghĩa vụ quân sự và quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Các quy định này trong Luật nghĩa vụ quân sự đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
- Chương III gồm các quy định về phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị như: Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ; cách tính thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ Phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; hạng của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; độ tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; nhóm tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; kiểm tra sức khỏe đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; giải ngạch dự bị. Các quy định này trong Luật nghĩa vụ quân sự đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 14/2016/NĐ-CP.
- Chương IV gồm các quy định nhập ngũ và xuất ngũ trong thời bình như: Độ tuổi gọi nhập ngũ; tiêu chuẩn công dân được gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; công nhận binh sĩ tại ngũ; số lần, thời điểm gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân trong năm; thẩm quyền quyết định việc gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Hội đồng nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp tỉnh Nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện; nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã; khám sức khỏe cho công dân gọi nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ; thẩm quyền quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ, miễn gọi nhập ngũ và công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ; điều kiện xuất ngũ; thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết xuất ngũ; trách nhiệm của hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ. Các quy định này trong Luật nghĩa vụ quân sự đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 14/2016/NĐ-CP; Thông tư số 140/2015/TT-BQP và Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
- Chương V gồm các quy định về nhập ngũ theo lệnh động viên, xuất ngũ khi bãi bỏ tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng như: Gọi nhập ngũ khi có lệnh động viên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện lệnh động viênXuất ngũ khi có lệnh bãi bỏ tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
- Chương VI các quy định về chế độ chính sách và ngân sách bảo đảm trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự như: Chế độ chính sách của công dân trong thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe; chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhânChế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thực hiện chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ; ngân sách bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Các quy định này trong Luật nghĩa vụ quân sự đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP; Nghị định số 14/2016/NĐ-CP; Nghị định số 27/2016/NĐ-CP; Thông tư số 95/2016/TT-BQP và Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
- Chương VII các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về thực hiện nghĩa vụ quân sự như: Cơ quan quản lý nhà nước về nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp. Các quy định này trong Luật nghĩa vụ quân sự đã được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP; Nghị định số 14/2016/NĐ-CP; Thông tư số 140/2015/TT-BQP và Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP.
- Chương VIII gồm các quy định về xử lý vi phạm và hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan, binh sĩ.
- Chương IX gồm các quy định về tổ chức thực hiện, điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành, trách nhiệm thi hành.
Ngoài ra một số quy định trong đề mục Nghĩa vụ quân sự còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn cụ thể trong nội dung đề mục để người sử dụng dễ tra cứu.
Như vậy, kết quả pháp điển đề mục Nghĩa vụ quân sự do Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện đã cho thấy: Về cơ bản hệ thống quy phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự đã đầy đủ, thống nhất, rõ ràng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể yên tâm tra cứu, áp dụng các quy phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự trong Bộ pháp điển điện tử.