Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL vào Đề mục Thư viện
Sign In

Nghiên cứu trao đổi

Cập nhật QPPL mới của Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL vào Đề mục Thư viện

Ngày 29/12/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL ban hành Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ xây dựng, xử lý, bảo quản tài nguyên thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống tra cứu thông tin tại thư viện công lập, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2024. Đây là văn bản có nội dung thuộc Đề mục Thư viện (Đề mục 12 Chủ đề 41. Văn hóa, thể thao, du lịch).
Căn cứ vào Điều 13 Pháp lệnh Pháp điển và Điều 17 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện cập nhật các QPPL mới tại Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL vào Đề mục Thư viện theo quy định. Cụ thể các QPPL mới được cập nhật như sau:
Điều 41.12.TT.10.1.
(Điều 1 Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL ban hành Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ xây dựng, xử lý, bảo quản tài nguyên thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống tra cứu thông tin tại thư viện công lập ngày 29/12/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2024)
Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ xây dựng, xử lý, bảo quản tài nguyên thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống tra cứu thông tin tại thư viện công lập.
(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 41.12.LQ.9. Các loại thư viện; Điều 41.12.LQ.25. Xây dựng tài nguyên thông tin; Điều 41.12.LQ.26. Xử lý tài nguyên thông tin và tổ chức hệ thống tra cứu thông tin; Điều 41.12.LQ.27. Bảo quản tài nguyên thông tin; Điều 41.12.LQ.37. Đánh giá hoạt động thư viện)
 Phu luc_ ban hanh kem theo TT so 16_2023_TT-BVHTTDL.doc
Quy dinh ban hanh kem theo TT so 16_2023_TT-BVHTTDL.doc
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG, ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT VÀ HƯỚNG DẪN TRIỂN KHAI VIỆC THỰC HIỆN CUNG CẤP DỊCH VỤ XÂY DỰNG, XỬ LÝ, BẢO QUẢN TÀI NGUYÊN THÔNG TIN; XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU, HỆ THỐNG TRA CỨU THÔNG TIN TẠI THƯ VIỆN CÔNG LẬP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật và hướng dẫn triển khai việc thực hiện cung cấp dịch vụ xây dựng, xử lý, bảo quản tài nguyên thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống tra cứu thông tin tại thư viện công lập (sau đây gọi là dịch vụ sự nghiệp công).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Thư viện công lập được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Luật Thư viện sử dụng ngân sách nhà nước để triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
2. Cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý hoặc liên quan đến việc triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Khuyến khích thư viện, cơ quan, tổ chức ngoài công lập có triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật tại Quy định này.
Điều 3. Cơ sở xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật được áp dụng quy định tại các văn bản sau:
1. Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019.
2. Luật Thư viện số 46/2019/QH14 ngày 21 tháng 11 năm 2019.
3. Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
5. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
6. Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị.
7. Thông tư số 15/2011/TT-BNV ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật vệ sinh kho bảo quản tài liệu lưu trữ và vệ sinh tài liệu lưu trữ nền giấy.
8. Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
9. Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL ngày 25 tháng 5 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về bảo quản, thanh lọc tài nguyên thông tin và tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện.
10. Thông tư số 05/2020/TT-BVHTTDL ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về đánh giá hoạt động thư viện.
11. Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL ngày 01 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện.
12. Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
13. Quyết định số 156/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch.
Điều 4. Nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Định mức kinh tế - kỹ thuật tại Quy định này là mức tối đa, được bảo đảm tính đúng, tính đủ các hao phí nhân công, hao phí máy móc, thiết bị và hao phí vật liệu (hao phí trực tiếp) để hoàn thành việc thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng.
2. Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và tính kế thừa của định mức kinh tế - kỹ thuật trước đó.
3. Định kỳ 5 năm/lần, cơ quan chủ trì xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật rà soát, đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức được ban hành để có sự điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tiễn (nếu cần).
Điều 5. Áp dụng tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế-kỹ thuật
1. Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật trong Quy định này là căn cứ để:
a) Thư viện xác định thành phần hao phí trực tiếp, xây dựng nội dung chi, mức chi cho việc triển khai cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí hằng năm;
b) Cơ quan, tổ chức thành lập thư viện, cơ quan quản lý nhà nước về thư viện đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ sự nghiệp công của thư viện, làm cơ sở cho việc đầu tư kinh phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;
c) Cơ quan, tổ chức liên quan xác định đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng cho phù hợp với Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
2. Các chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công trong các bảng định mức được xác định theo nguyên tắc sau:
a) Chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công của bảng định mức xác định theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL.
b) Trường hợp các chức danh lao động trong thành phần hao phí nhân công không có trong Thông tư số 02/2022/TT-BVHTTDL thì áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, Nghị định số 117/2016/NĐ-CP, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP hoặc xem xét quy đổi tương đương theo vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Trường hợp hạng, bậc của chức danh lao động thực tế không như quy định tại điểm a và b khoản này, cơ quan thành lập thư viện xem xét, quyết định áp dụng hạng, bậc của chức danh lao động đang làm việc và tính mức hao phí theo thực tế bảo đảm chi phí về nhân công không vượt quá tổng định mức hao phí nhân công đối với dịch vụ tương ứng. Trong trường hợp này, nếu dịch vụ được cung cấp bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng và đạt được các mức đánh giá xếp loại quy định tại khoản 4 Điều 8 thì các thư viện được thanh toán theo mức hao phí tối đa tại Quy định này.
3. Đối với các chi phí khác phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công như: mua bản quyền, dịch tài liệu, điện thoại giao dịch, công tác phí, sử dụng cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm quản trị thư viện, phần mềm và máy móc, thiết bị chuyên dụng, văn phòng phẩm, các chi phí quản lý, hoạt động chuyên môn dùng chung, hỗ trợ dịch vụ của đơn vị và các chi phí phát sinh khác, các thư viện, cơ quan, tổ chức áp dụng theo định mức liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc lập dự toán riêng đối với nội dung công việc phát sinh ngoài định mức này để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.
Đối với các khoản chi phí thực tế, các dịch vụ thuê mướn, mua bán khác thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với các nội dung chi trả dịch vụ nếu thuộc hạn mức phải đấu thầu thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
4. Khi lập phương án giá, dự toán cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, các thư viện, cơ quan, tổ chức áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật tại Quy định này để xác định các khoản hao phí trực tiếp trong đơn giá, giá dịch vụ do nhà nước đặt hàng, dự toán kinh phí.
5. Khi có sự thay đổi về công nghệ hoặc các yếu tố khác làm cho định mức không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì các thư viện, cơ quan, tổ chức áp dụng định mức có trách nhiệm báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý để xem xét điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp.
Điều 6. Nội dung và kết cấu định mức kinh tế - kỹ thuật
1. Nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm:
a) Hao phí nhân công: Là thời gian lao động trực tiếp và lao động gián tiếp cần thiết của các hạng, bậc lao động để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ. Mức hao phí của lao động trực tiếp là thời gian thực hiện các công đoạn theo hướng dẫn triển khai dịch vụ sự nghiệp công, được tính bằng công, mỗi công tương ứng với thời gian làm việc một (01) ngày làm việc (08 giờ) của người lao động theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động. Mức hao phí của lao động gián tiếp tính bằng 15% tỷ lệ phần trăm của lao động trực tiếp tương ứng.
b) Hao phí về máy móc, thiết bị sử dụng: Là thời gian sử dụng từng loại máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí trong định mức được tính bằng ca sử dụng máy, mỗi ca tương ứng với một (01) ngày làm việc (08 giờ) theo quy định tại Điều 105 của Bộ Luật Lao động
c) Hao phí vật liệu sử dụng: Là số lượng các loại vật liệu cụ thể và cần thiết sử dụng trực tiếp để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Mức hao phí được tính bằng số lượng từng loại vật liệu cụ thể. Mức hao phí vật liệu phụ được tính bằng 10% tổng giá trị hao phí vật liệu trong cùng bảng định mức.
2. Kết cấu của định mức bao gồm các nội dung sau:
a) Tên định mức;
b) Thành phần công việc: Là nội dung các công đoạn chính để thực hiện cung cấp dịch vụ sự nghiệp công;
c) Bảng định mức, gồm:
- Định mức nhân công: Chức danh và cấp bậc lao động, đơn vị tính mức hao phí, mức hao phí lao động;
- Định mức vật liệu sử dụng: Tên và quy cách vật liệu, đơn vị tính mức hao phí, mức hao phí vật liệu;
- Định mức máy móc, thiết bị sử dụng: Tên loại máy móc hoặc thiết bị, đơn vị tính mức hao phí, mức hao phí sử dụng máy móc, thiết bị;
- Trị số định mức: Là giá trị tính bằng số của hao phí nhân công, vật liệu, máy móc, thiết bị sử dụng trực tiếp trong quá trình cung cấp dịch vụ;
- Ghi chú: Là nội dung hướng dẫn cách tính định mức trong điều kiện kỹ thuật khác nhau (nếu có) hoặc để hoàn thành một khối lượng công việc khác với đơn vị tính trong định mức.
Điều 7. Nguyên tắc tổ chức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công
1. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao; thống nhất về nội dung, cách thức triển khai cung cấp dịch vụ.
2. Các nội dung, định mức không được vượt quá tiêu chuẩn, chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Tuân thủ quy tắc, quy trình chuyên môn nghiệp vụ thư viện; phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tính chất của nhiệm vụ được giao.
Điều 8. Đánh giá chất lượng trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công
1. Thẩm quyền đánh giá:
a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại khoản 4 Điều 37 Luật Thư viện;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công.
2. Thời điểm đánh giá:
a) Một năm một lần theo kỳ đánh giá hoạt động thư viện quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 05/2020/TT-BVHTTDL đối với các dịch vụ do thư viện tự thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.
b) Sau khi hoàn thành việc cung cấp dịch vụ cho thư viện khác hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
c) Theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.
3. Nội dung, tiêu chí, phương pháp, thủ tục đánh giá:
Căn cứ vào mục đích đánh giá, thực hiện theo quy định tại Điều 37 Luật Thư viện, Thông tư số 05/2020/TT-BVHTTDL; Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11774:2016 (ISO 11620:2014) Thông tin và Tư liệu - Bộ chỉ số đánh giá hoạt động thư viện, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12843:2019 Thông tin và Tư liệu - Thống kê thư viện, Tiêu chuẩn TCVN 12103:2017 (ISO 16439:2014) Thông tin và Tư liệu - Phương pháp và thủ tục đánh giá tác động của thư viện và các quy định của pháp luật chuyên ngành.
4. Kết quả đánh giá được xếp loại như sau:
a) Dịch vụ được đánh giá tốt khi đạt tối thiểu 95% tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ quy định tại Điều 10, Điều 14, Điều 18, Điều 22 và Điều 26 Quy định này;
b) Dịch vụ được đánh giá khá khi đạt tối thiểu 90% tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ quy định tại Điều 10, Điều 14, Điều 18, Điều 22 và Điều 26 Quy định này;
c) Dịch vụ được đánh giá đạt khi đạt tối thiểu 80% tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ quy định tại Điều 10, Điều 14, Điều 18, Điều 22 và Điều 26 Quy định này.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Mục 1. TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG, ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT ĐỐI VỚI DỊCH VỤ XÂY DỰNG TÀI NGUYÊN THÔNG TIN
Điều 9. Tiêu chí
1. Bảo đảm việc xây dựng tài nguyên thông tin được triển khai thống nhất trong mạng lưới thư viện theo các quy định tại Điều 25 Luật Thư viện và cập nhật các quy định của pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành có liên quan.
2. Bảo đảm việc xây dựng tài nguyên thông tin có sự bao quát, cân đối đầy đủ về cơ cấu của nội dung và loại hình tài nguyên thông tin.
3. Bảo đảm tài nguyên thông tin được xây dựng phải gắn với chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ của thư viện; đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng thông tin hợp lệ của người sử dụng.
4. Bảo đảm tài nguyên thông tin được xây dựng phải mới về thời gian và kiến thức khoa học, có giá trị về các lĩnh vực tri thức, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của người sử dụng thư viện.
5. Bảo đảm việc thanh lọc tài nguyên thông tin được thực hiện theo các quy định tại Chương III Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL.
Điều 10. Tiêu chuẩn chất lượng
1. Bảo đảm 100% tài nguyên thông tin được xây dựng theo tiêu chí quy định tại Điều 9 của Quy định này.
2. Bảo đảm 100% tài nguyên thông tin của thư viện được xây dựng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ của thư viện.
3. Bảo đảm tài nguyên thông tin sẵn có của thư viện đáp ứng 80% yêu cầu của người sử dụng thư viện.
4. Bảo đảm 100% tài nguyên thông tin được thanh lọc tuân thủ các tiêu chí lựa chọn tài nguyên thông tin để thanh lọc được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21 và Điều 22 Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL.
Điều 11. Hình thức cung cấp
Dịch vụ xây dựng tài nguyên thông tin được triển khai theo các hình thức sau:
1. Dịch vụ phát triển tài nguyên thông tin, bao gồm:
a) Dịch vụ mua tài nguyên thông tin và quyền truy cập cơ sở dữ liệu, tài nguyên thông tin số;
b) Dịch vụ thu thập tài nguyên thông tin mở, tài nguyên thông tin thuộc về công chúng, tài nguyên thông tin trực tuyến có giá trị (sau đây gọi là tài nguyên thông tin mở);
c) Dịch vụ số hóa tài nguyên thông tin;
d) Dịch vụ tiếp nhận tài nguyên thông tin từ chuyển giao, tài trợ, viện trợ, cho tặng và đóng góp.
2. Dịch vụ thanh lọc tài nguyên thông tin.
Điều 12. Định mức kinh tế - kỹ thuật
Định mức kinh tế - kỹ thuật đối với dịch vụ xây dựng tài nguyên thông tin được quy định chi tiết tại Phụ lục số 01 kèm theo Quy định này.
Mục 2. TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG, ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT ĐỐI VỚI DỊCH VỤ XỬ LÝ TÀI NGUYÊN THÔNG TIN
Điều 13. Tiêu chí
1. Bảo đảm xử lý tài nguyên thông tin theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Thư viện.
2. Bảo đảm việc xử lý tài nguyên thông tin được thực hiện bao quát toàn bộ tài nguyên thông tin của thư viện và tuân thủ quy định tại Khoản 2 Điều 14 Quy định này.
3. Bảo đảm việc xử lý tài nguyên thông tin phải áp dụng đúng các chuẩn nghiệp vụ thư viện, thực hiện theo đúng quy trình khoa học chuyên ngành có liên quan, tận dụng tối đa kết quả xử lý của các thư viện lớn, đầu ngành.
Điều 14. Tiêu chuẩn chất lượng
1. Bảo đảm 100% tài nguyên thông tin trong thư viện được xử lý chính xác, khoa học, thống nhất theo quy tắc, quy định và các chuẩn nghiệp vụ thư viện.
2. Bảo đảm tài nguyên thông tin phải được tiến hành xử lý chậm nhất 1 5 ngày sau khi được bổ sung vào thư viện.
Điều 15. Hình thức cung cấp
Dịch vụ xử lý tài nguyên thông tin được triển khai theo các hình thức sau:
1. Dịch vụ xử lý tài nguyên thông tin là tài liệu in, tài liệu viết tay trên giấy (sau đây gọi là tài nguyên thông tin dạng giấy), bao gồm:
a) Dịch vụ xử lý theo quy trình nghiệp vụ;
b) Dịch vụ áp dụng kết quả xử lý tài nguyên thông tin của các thư viện khác.
2. Dịch vụ xử lý tài nguyên thông tin là tài liệu điện tử, tài liệu số, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu vi dạng, tài liệu đặc biệt cho người khuyết tật, các dạng lưu trữ thông tin trên các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin và các dạng khác (sau đây gọi là tài nguyên thông tin dạng khác).
Điều 16. Định mức kinh tế - kỹ thuật
Định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ xử lý tài nguyên thông tin được quy định chi tiết tại Phụ lục số 02 kèm theo theo Quy định này.
Mục 3. TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG, ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT ĐỐI VỚI DỊCH VỤ BẢO QUẢN TÀI NGUYÊN THÔNG TIN
Điều 17. Tiêu chí
1. Bảo đảm bảo quản tài nguyên thông tin theo các quy định tại Điều 27 Luật Thư viện và các quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL.
2. Bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc trong hoạt động bảo quản tài nguyên thông tin theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 02/2020/TT-BVHTTDL.
3. Bảo đảm bảo quản tài nguyên thông tin đúng nguyên tắc về lưu trữ và thư viện, áp dụng theo các chuẩn nghiệp vụ thư viện, lựa chọn biện pháp kỹ thuật bảo quản phù hợp với loại hình, tình trạng của tài nguyên thông tin và điều kiện của thư viện.
Điều 18. Tiêu chuẩn chất lượng
1. Bảo đảm 100% tài nguyên thông tin được bảo quản theo quy định.
2. Bảo đảm việc bảo quản dự phòng phải tiến hành thường xuyên theo định kỳ tối thiểu 06 tháng/lần.
3. Bảo đảm đưa tài nguyên thông tin được bảo quản phục chế trở về trạng thái ban đầu hoặc gần giống nhất với trạng thái ban đầu và không làm ảnh hưởng đến nội dung thông tin của tài liệu gốc.
4. Bảo đảm 100% tài liệu được chuyển dạng giữ được tính nguyên vẹn của nội dung tài nguyên thông tin, thể hiện rõ các đặc điểm của bản gốc; được định dạng dưới các hình thức thuận tiện trong bảo quản, phục vụ.
Điều 19. Hình thức cung cấp
Dịch vụ bảo quản tài nguyên thông tin được triển khai theo các hình thức sau:
1. Dịch vụ bảo quản dự phòng, bao gồm:
a) Bảo quản dự phòng tài nguyên thông tin dạng giấy;
b) Bảo quản dự phòng tài nguyên thông tin dạng khác
2. Dịch vụ bảo quản phục chế tài nguyên thông tin dạng giấy.
3. Dịch vụ chuyển dạng, bao gồm:
a) Dịch vụ tạo bản sao;
b) Dịch vụ vi dạng hóa.
Điều 20. Định mức kinh tế - kỹ thuật
Định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ bảo quản tài nguyên thông tin được quy định chi tiết tại Phụ lục số 03 kèm theo theo Quy định này.
Mục 4. TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG, ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT ĐỐI VỚI DỊCH VỤ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU
Điều 21. Tiêu chí
1. Bảo đảm cơ sở dữ liệu cập nhật đầy đủ, kịp thời và phản ánh toàn bộ tài nguyên thông tin hiện có của thư viện (đối với cơ sở dữ liệu thư mục, cơ sở dữ liệu dữ kiện), tuân thủ quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ (đối với cơ sở dữ liệu toàn văn).
2. Bảo đảm cơ sở dữ liệu được xây dựng dễ tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.
3. Bảo đảm việc xây dựng cơ sở dữ liệu áp dụng đúng các chuẩn nghiệp vụ thư viện và công nghệ thông tin.
Điều 22. Tiêu chuẩn chất lượng
1. Bảo đảm 90% tài nguyên thông tin được lựa chọn vào cơ sở dữ liệu dữ kiện đáp ứng yêu cầu người sử dụng.
2. Bảo đảm 100% tài nguyên thông tin được lựa chọn vào cơ sở dữ liệu toàn văn tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.
3. Bảo đảm cơ sở dữ liệu toàn văn được cập nhật 06 tháng/lần.
Điều 23. Hình thức cung cấp
Dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu được triển khai theo các hình thức sau:
1. Dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu dữ kiện.
2. Dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu toàn văn.
Điều 24. Định mức kinh tế - kỹ thuật
Định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu được quy định chi tiết tại Phụ lục số 04 kèm theo Quy định này.
Mục 5. TIÊU CHÍ, TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG, ĐỊNH MỨC KINH TẾ - KỸ THUẬT ĐỐI VỚI DỊCH VỤ XÂY DỰNG HỆ THỐNG TRA CỨU THÔNG TIN
Điều 25. Tiêu chí
1. Bảo đảm hệ thống tra cứu thông tin được tổ chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật Thư viện.
2. Bảo đảm hệ thống tra cứu thông tin thân thiện, dễ tiếp cận với người sử dụng và hỗ trợ lọc thông tin khi tra tìm tài nguyên thông tin.
3. Bảo đảm hệ thống tra cứu thông tin được cập nhật kịp thời, chính xác sự biến động của tài nguyên thông tin trong thư viện; được tổ chức khoa học, áp dụng đúng các chuẩn nghiệp vụ thư viện làm cơ sở liên thông trong tra cứu thông tin giữa các thư viện.
Điều 26. Tiêu chuẩn chất lượng
1. Bảo đảm 100% tài nguyên thông tin có trong thư viện được phản ánh và lưu trữ an toàn kết quả đã được xử lý nghiệp vụ trên hệ thống tra cứu thông tin.
2. Bảo đảm 100% người sử dụng thư viện tra tìm được tài nguyên thông tin thư viện qua hệ thống tra cứu thông tin.
Điều 27. Hình thức cung cấp
Dịch vụ xây dựng hệ thống tra cứu thông tin được triển khai theo các dạng sản phẩm sau:
1. Mục lục tra cứu truyền thống.
2. Mục lục tra cứu điện tử.
Điều 28. Định mức kinh tế - kỹ thuật
Định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ xây dựng hệ thống tra cứu thông tin được quy định chi tiết tại Phụ lục số 05 kèm theo Quy định này.
Điều 41.12.TT.10.2. Tổ chức thực hiện
(Điều 2 Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2024)
1. Căn cứ tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, định mức kinh tế - kỹ thuật tại Quy định ban hành kèm theo Thông tư, các bộ, ngành, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định áp dụng định mức cụ thể phù hợp với điều kiện của đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý và không vượt quá định mức quy định tại Thông tư này.
 2. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Quy định ban hành kèm theo Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì được thực hiện theo văn bản mới ban hành.
 3. Thư viện, cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để triển khai cung ứng dịch vụ sự nghiệp công có liên quan, căn cứ điều kiện thực tiễn, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng định mức cụ thể.
Điều 41.12.TT.10.3. Hiệu lực thi hành
(Điều 3 Thông tư số 16/2023/TT-BVHTTDL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2024)
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2024.
 2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Vụ Thư viện) để được hướng dẫn hoặc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Chung nhan Tin Nhiem Mang