Hệ thống các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Bảo vệ người tiêu dùng
Thực hiện Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Công Thương đã chủ trì thực hiện pháp điển Đề mục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Đề mục 1 Chủ đề 34. Thương mại, đầu tư, chứng khoán) theo quy định. Đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong Đề mục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời đề mục này cũng đã tổ chức họp thẩm định theo quy định. Sau đó, Bộ Công thương sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và gửi Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Bộ Công thương xác định Đề mục có 03 văn bản có nội dung thuộc Đề mục (thuộc thẩm quyền pháp điển của Bộ Công Thương) và 28 văn bản có nội dung liên quan đến Đề mục. Đề mục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15 ngày 20/6/2023 của Quốc hội, gồm 07 chương với 80 điều và không có sự thay đổi so với cấu trúc của Luật.
Đề mục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có các nội dung chính như sau:
- Chương I quy định những vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng: 1. Người tiêu dùng; 2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh; 3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; 4. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi chung là tổ chức xã hội) tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; 5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Giải thích từ ngữ; Quyền của người tiêu dùng; Nghĩa vụ của người tiêu dùng; Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Yêu cầu cơ quan nhà nước xử lý vi phạm pháp luật có liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; Hợp tác quốc tế trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
- Chương II quy định về Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng như: Bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; Bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; Xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; Thông báo khi thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; Sử dụng thông tin của người tiêu dùng; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng; Kiểm tra, chỉnh sửa, cập nhật, hủy bỏ, chuyển giao, ngừng chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; Cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho người tiêu dùng; Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; Hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Giải thích hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Thực hiện hợp đồng theo mẫu; Thực hiện điều kiện giao dịch chung; Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; Cung cấp bằng chứng giao dịch; Bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện; Trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng; Trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; Thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; Bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra; Trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.
- Chương III gồm 3 mục quy định về Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, cụ thể:
Mục 1 quy định về Giao dịch từ xa như: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa; Giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng; Trách nhiệm công khai, gỡ bỏ thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.
Mục 2 quy định về Cung cấp dịch vụ liên tục như: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp dịch vụ liên tục; Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục.
Mục 3 quy định về Bán hàng trực tiếp như: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng tận cửa; Hợp đồng bán hàng tận cửa; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; Hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong hoạt động bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên
- Chương IV quy định về Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của mặt trận tổ quốc việt nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội như: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội; Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gồm: Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh; Tham gia góp ý xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan; Tham gia hỗ trợ thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu; Độc lập khảo sát, thử nghiệm, công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm do mình thực hiện về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; phản ánh, đánh giá mức độ tin cậy của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Đại diện cho người tiêu dùng thực hiện khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có yêu cầu và ủy quyền theo quy định của pháp luật; Tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi đáp ứng điều kiện quy định; Tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho người tiêu dùng. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật; Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng hoặc vì lợi ích công cộng liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng; Có thời gian hoạt động tối thiểu 01 năm kể từ ngày tổ chức xã hội được thành lập đến ngày tổ chức xã hội thực hiện quyền tự khởi kiện; Có phạm vi hoạt động từ cấp huyện trở lên; Quyền của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Tham gia các hoạt động kiểm tra liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Được cơ quan quản lý nhà nước thông báo kết quả tiếp nhận, xử lý, bảo mật thông tin do mình cung cấp, kiến nghị; Được đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Gia nhập các tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về hội và quy định khác của pháp luật có liên quan; Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện, giám định xã hội và các hoạt động khác liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; Trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Chương V gồm 5 mục quy định về Giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, cụ thể:
Mục 1 quy định về Quy định chung như: Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh
Mục 2 quy định về Thương lượng như: Yêu cầu và tiếp nhận thương lượng; Trình tự, thủ tục thương lượng; Trường hợp không tiếp nhận và giải quyết yêu cầu hỗ trợ thương lượng; Quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng; Kết quả thương lượng.
Mục 3 quy định về Hòa giải như: Trình tự, thủ tục hòa giải; Nguyên tắc thực hiện hòa giải; Tổ chức hòa giải; Hòa giải viên; Kết quả hòa giải; Thực hiện và công nhận kết quả hòa giải thành.
Mục 4 quy định về Trọng tài như: Hiệu lực của điều khoản trọng tài; Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài; Nghĩa vụ chứng minh.
Mục 5 quy định về Giải quyết tranh chấp tại Tòa án như: Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Án phí đối với vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Công khai thông tin về vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện; Tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.
- Chương VI quy định về Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm triển khai hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực được phân công quản lý, phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương; Trách nhiệm của Bộ Công Thương: Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, kế hoạch, dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, công nghệ thân thiện môi trường, thực hành kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế và thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan; Tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức và pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tổ chức hoạt động khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực được phân công quản lý; Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của luật khác có liên quan; Quản lý hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức hòa giải về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; Xây dựng cơ chế phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan để triển khai các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền; Yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổng hợp báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo thẩm quyền; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền; Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.
- Chương VII quy định về Điều khoản thi hành: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Bộ luật số 45/2019/QH14, Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 13/2022/QH15; Hiệu lực thi hành; Điều khoản chuyển tiếp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển Đề mục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Ngoài ra, một số quy định trong Đề mục Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn có nội dung liên quan trực tiếp đến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các đề mục khác cũng đã được chỉ dẫn có liên quan đến nhau./.
Vũ Thị Mai