Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan pháp điển xong đề mục “Phòng, chống bạo lực gia đình”. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua.
Theo đó, đề mục này có cấu trúc gồm 06 chương (46 Điều) theo cấu trúc của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 và được pháp điển từ 09 văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: (1) Luật 02/2007/QH12 Phòng, chống bạo lực gia đình; (2) Nghị định 08/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; (3) Quyết định 21/2016/QĐ-TTg Ban hành Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; (4) Thông tư 16/2009/TT-BYT Hướng dẫn việc tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (5) Thông tư 02/2010/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn, chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình; (6) Thông tư 23/2014/TT-BVHTTDL Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động, giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn; cấp thẻ nhân viên tư vấn; chứng nhận nghiệp vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình; (7) Thông tư liên tịch 143/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL Quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình; kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập; (8) Thông tư 23/2011/TT-BVHTTDL Quy định thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Thông tư 24/2011/TT-BVHTTDL Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện khen thưởng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; đối tượng, điều kiện, cơ quan hoàn trả thiệt hại về giá trị tài sản cho người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; (9) Thông tư liên tịch 13/2016/TTLT-BGDĐT-BVHTTDL-BLĐTBXH-BCA Hướng dẫn thực hiện giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Các nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Phòng, chống bạo lực gia đình” như sau:
- Chương I gồm 08 điều quy định về các vấn đề chung như: Phạm vi điều chỉnh; Các hành vi bạo lực gia đình; Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình; Nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình; Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình; Chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; Hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình; Những hành vi bị nghiêm cấm.
- Chương II gồm 3 mục với 9 điều quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình. Cụ thể, Mục 1 quy định về thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình như: Mục đích và yêu cầu của thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; Nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; Hình thức thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Mục 2 quy định về hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình như: Nguyên tắc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do gia đình, dòng họ tiến hành; Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do cơ quan, tổ chức tiến hành; Hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp do tổ chức hòa giải ở cơ sở tiến hành. Mục 3 quy định về tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình như: Tư vấn về gia đình ở cơ sở; Góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư.
- Chương III gồm 2 mục với 13 điều quy định về bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Cụ thể, Mục 1 quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình như: Phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình; Biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; Cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Cấm tiếp xúc theo quyết định của Toà án; Giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc; Chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình; Hỗ trợ khẩn cấp các nhu cầu thiết yếu. Mục 2 quy định về cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình như: Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Cơ sở bảo trợ xã hội; Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
- Chương IV gồm 11 điều quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chồng bạo lực gia đình như: Trách nhiệm của cá nhân; Trách nhiệm của gia đình; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; Trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trách nhiệm của Bộ Y tế; Trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường và các cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng; Trách nhiệm của cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát.
- Chương V gồm 03 điều quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và khiếu nại, tố cáo như: Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Chương VI gồm 02 điều như: Hiệu lực thi hành; Hướng dẫn thi hành của các văn bản sử dụng pháp điển vào đề mục.
Nhìn chung, các quy định về phòng, chống bạo lực gia đình ra đời là một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, là cơ sở pháp lý để nâng cao vai trò, hiệu quả trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình của Việt Nam.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển này và đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.