Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển đề mục Dân số. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới”.
Đề mục Dân số có cấu trúc được xây dựng theo cấu trúc của Luật Dân số 06/2003/PL-UBTVQH11 ban hành ngày 09/01/2003 (Luật 2008 sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi cấu trúc đề mục). Theo đó, đề mục này bao gồm 07 chương, được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật từ 14 văn bản (01 Luật, 03 Nghị định, 02 Quyết định Thủ tướng Chính phủ và
08 Thông tư, Thông tư liên tịch), cụ thể như sau: Luật số 06/2003/PL-UBTVQH11; Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số; Nghị định số 20/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 18/2011/NĐ-CP Sửa đổi khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số); Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; Quyết định số 52/2009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2009 – 2020; Quyết định số 17/2013/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Bộ Y tế; Thông tư số 05/2008/TT-BYT hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ở địa phương; Thông tư số 06/2009/TT-BYT quy định về định mức thuốc thiết yếu và các vật tư tiêu hao trong các dịch vụ, thủ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản; Thông tư số 10/2011/TT-BYT hướng dẫn về biên chế của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thông tư liên tịch số 20/2013/TTLT-BTC-BYT quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012- 2015; Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BYT-BTC quy định chế độ quản lý tài chính đối với việc thực hiện hoạt động tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai, phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; Thông tư số 03/2014/TT-BYT ban hành Danh mục dị tật, bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền để xác định cặp vợ chồng sinh con thứ ba không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con; Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH quy định chi tiết Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là ngưòi dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dân số.
Đề mục Dân số được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực điều chỉnh về quy mô dân số, cơ cấu dân số, phân bố dân cư, chất lượngdân số, các biện pháp thực hiện công tác dân số và quản lý nhà nước về dân số. Cụ thể:
Chương I gồm 40 điều quy định về các nội dung cơ bản như sau: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; Nguyên tắc của công tác dân số; Mục tiêu chính sách dân số; Quyền và nghĩa vụ của công dân về công tác dân số; Trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức trong công tác dân số; Hồ sơ xét hưởng chính sách hỗ trợ; Định mức hỗ trợ, thời điểm hỗ trợ và phương thức hỗ trợ; Trình tự, thủ tục đề nghị cấp kinh phí cho đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ; Thu hồi kinh phí khi đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ vi phạm cam kết; Lập dự toán, phân bổ và quyết toán ngân sách nhà nước; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốcViệt Nam và các đoàn thể nhân dân trong công tác dân sốTrách nhiệm của cá nhân, các thành viên gia đình trong việc thực hiện chính sách dân số; Các hành vi bị nghiêm cấm; Nghiêm cấm các hành vi cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình; Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; Nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp một số phương tiện tránh thai; Nghiêm cấm một số hành vi tuyên truyền, phổ biến thông tin về dân số.
Chương II gồm 03 Mục với 29 điều quy định về các nội dung cơ bản quy mô, cơ cấu và phân bố dân cư.
Mục 1 quy định các nội dung cơ bản về quy mô dân số như: Điều chỉnh quy mô dân số; Biện pháp điều chỉnh quy mô dân số; Kế hoạch hóa gia đình; Mục tiêu chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; Biện pháp chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; Nội dung quản lý chương trình, dự án, kế hoạch về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình; Những trường hợp không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con; Tuyên truyền và tư vấn về kế hoạch hóa gia đình; Hình thức, tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, tư vấn về dân số, sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; Cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; Trách nhiệm của cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình; Các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình;Điều kiện đối với người sử dụng biện pháp tránh thai và điều kiện đối với người và cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình; Định mức thuốc thiết yếu và các vật tư tiêu hao trong các dịch vụ, thủ thuật chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Mục 2 quy định các nội dung về cơ cấu dân số như: Điều chỉnh cơ cấu dân số; Các dịch vụ xã hội chăm sóc người cao tuổi; Quyền bình đẳng giới; Bảo đảm cơ cấu dân số hợp lý; Bảo vệ các dân tộc thiểu số; Bảo vệ các dân tộc thiểu số. Mục 3 quy định về phân bố dân cư như: Phân bố dân cư hợp lý; Phân bố dân cư nông thôn; Phân bố dân cư đô thị; Di cư trong nước và di cư quốc tế.
Chương III gồm 11 điều quy định về chất lượng dân số như: Nâng cao chất lượng dân số; Biện pháp nâng cao chất lượng dân số; Trách nhiệm nâng cao chất lượng dân số; Biện pháp hỗ trợ sinh sản; Kiểm tra sức khoẻ và bệnh di truyền; Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững; Nâng cao chất lượng dân số của cộng đồng; Tuyên truyền, hướng dẫn gia đình thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.
Chương IV gồm 07 điều quy định các nội dung cơ bản về
các biện pháp thực hiện công tác dân số như: Quy hoạch, kế hoạch phát triển dân số; Xã hội hóa công tác dân số; Huy động nguồn lực cho công tác dân số; Thực hiện giáo dục dân số; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dân số; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số; Nghiên cứu khoa học về dân số.
Chương V gồm 25 điều quy định các nội dung quản lý nhà nước về dân số, cụ thể như: Nội dung quản lý nhà nước về dân số Cơ quan quản lý nhà nước về dân số; Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Vị trí và chức năng của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ của mình; Khiếu nại, tố cáo về công tác dân số; Cán bộ làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở xã; Mã số và phân hạng chức danh nghề nghiệp dân số; Đăng ký dân số và hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp; Dân số viên hạng II - Mã số: V.08.10.27; Dân số viên hạng III - Mã số: V.08.10.28; Dân số viên hạng IV - Mã số: V.08.10.29.
Chương VI gồm 04 điều quy định về các nội dung cơ bản như: Khen thưởng; Xử lý vi phạm trong công tác dân số.
Chương VII (chương bổ sung) gồm 15 điều quy định về kinh phí thực hiện công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình như: Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình; Nội dung và mức chi chung của Chương trình; Thủ tục cấp phát kinh phí thu được; Công tác kế toán Hạch toán ngân sách nhà nước; Nội dung tiếp thị xã hội; Tỷ lệ khung chi phí tiếp thị xã hội; Quản lý kinh phí thu hồi nộp ngân sách nhà nước; Quy định về xử lý hàng tồn kho, hàng hết hạn sử dụng, các vi phạm trong hoạt động tiếp thị xã hội.
Chương VIII gồm 31 điều quy định các nội dung về hiệu lực thi hành, tổ chức thực hiện và điều khoản chuyển tiếp.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển đề mục Dân số đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về công tác dân số, quản lý nhà nước về dân số đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Qua đó có thể thấy hệ thống pháp luật về dân số đã và đang từng bước được hoàn thiện và ổn định.