Triển khai thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị được giao chủ trì thực hiện pháp điển đề mục Quản lý sản xuất, kinh doanh muối (Đề mục số 8 thuộc Chủ đề số 24 Nông nghiệp, nông thôn). Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển xong đề mục Quản lý sản xuất, kinh doanh muối, đồng thời đề mục này cũng đã được tổ chức họp thẩm định theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và trình Bộ Tư pháp để kiểm tra, sắp xếp vào Chủ đề trình Chính phủ thông qua theo quy định.
Đề mục Quản lý sản xuất, kinh doanh muối có cấu trúc được xác định theo cấu trúc của Nghị định 40/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ Về quản lý sản xuất, kinh doanh muối bao gồm 05 Chương, 25 Điều. Bên cạnh đó, đề mục Quản lý sản xuất, kinh doanh muối còn được pháp điểntừ các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của 03 văn bản, bao gồm: (1)Nghị định 40/2017/NĐ-CP Về quản lý sản xuất, kinh doanh muối; (2) Thông tư 04/2011/TT-BYT Ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; (3) Thông tư 34/2014/TT-BNNPTNT Hướng dẫn kiểm tra chất lượng muối nhập khẩu và Thông tư 11/2017/TT-BNNPTNT Sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đề mục Quản lý sản xuất, kinh doanh muối quy định về quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh muối. Nội dung cơ bản trong mỗi Chương của đề mục “Quản lý sản xuất, kinh doanh muối” như sau:
- Chương I gồm 04 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ của các văn bản được sử dụng để pháp điển vào đề mục Quản lý sản xuất, kinh doanh muối. Ngoài ra, Chương này còn quy định về Quản lý nhà nước về muối (Nội dung quản lý nhà nước về muối, gồm: (i) Xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch và các chính sách phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh muối; (ii) Ban hành, tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sản xuất, chế biến, kinh doanh muối; (iii) Xây dựng, tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm muối; (iv) Tổ chức điều tiết cung cầu, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng muối, dự trữ quốc gia muối, bình ổn giá muối ăn và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật; (v) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, chế biến, kinh doanh muối, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, chế biến, kinh doanh muối theo quy định pháp luật).
- Chương II gồm 2 Mục với 06 Điều quy định về Quản lý quy hoạch đất làm muối và sản xuất, kinh doanh muối. Cụ thể:
+ Mục 1 quy định về Quản lý quy hoạch đất làm muối như: Quy hoạch đất làm muối (Nội dung quy hoạch đất làm muối thực hiện theo quy định của Luật đất đai và được thể hiện cụ thể trong Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia);
Quản lý quy hoạch và quỹ đất làm muối;
Trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất làm muối trong quy hoạch (Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm muối đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt; Tổ chức sản xuất muối đúng quy hoạch, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất muối và bảo vệ môi trường sinh thái; Không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm đất; Không sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm chưa qua xử lý để sản xuất, chế biến muối, không xả chất thải, nước thải làm ô nhiễm môi trường và có giải pháp chống nhiễm mặn môi trường đất, nước ngầm xung quanh vùng sản xuất, chế biến muối; Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất làm muối theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật có liên quan; Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ đầu tư việc cải tạo đất làm muối thủ công thành đất làm muối quy mô công nghiệp trong quy hoạch.
+ Mục 2 quy định về Quản lý sản xuất, kinh doanh muối như:
Quản lý sản xuất, chế biến, kinh doanh muối (quy định trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh muối: Các tổ chức, cá nhân được tổ chức sản xuất, chế biến, kinh doanh muối theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan; Hệ thống các thiết bị, công trình hạ tầng kỹ thuật sản xuất, chế biến kinh doanh muối đảm bảo; Công bố hợp chuẩn, hợp quy chất lượng muối phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm muối thực phẩm, muối tinh, muối công nghiệp theo quy định; Sản phẩm muối khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng theo công bố hợp chuẩn, hợp quy đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; có bao bì, nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và an toàn thực phẩm; Việc bổ sung tăng cường vi chất i-ốt, gia vị, phụ gia hoặc dược liệu vào sản phẩm muối dùng cho ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm thực hiện theo quy định của pháp luật về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; Quảng cáo sản phẩm hàng hóa muối, muối tăng cường vi chất i-ốt thực hiện theo quy định của Luật quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành; Thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, người lao động trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối);
Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu muối(quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu muối của các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của các văn bản thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và các văn bản hướng dẫn thực hiện);
Cân đối cung cầu và điều tiết thị trường muối (quy định các biện pháp điều tiết thị trường muối khi có biến động: Trong trường hợp cần thiết phải tạm trữ muối ăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc mua tạm trữ muối cho người dân làm muối; Điều tiết cung cầu, xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Nghị định số
187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Điều tiết qua việc xuất, nhập, bảo quản muối dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia).
- Chương III gồm 05 Điều quy định về Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh muối. Cụ thể Chương này quy định những nội dung cơ bản như sau: Đầu tư cơ sở hạ tầng (bao gồm các nội dung: (i) Nguyên tắc; (ii) Trình tự thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất muối ; (iii) Nội dung đầu tư; (iv) Phân cấp hỗ trợ đầu tư; (v) Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân huy động vốn từ các nguồn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh muối);
Tín dụng hỗ trợ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối(Tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất, kinh doanh muối, dịch vụ phục vụ sản xuất muối, kho chứa muối được áp dụng các chính sách về tín dụng thương mại, tín dụng đầu tư và tín dụng chính sách theo các quy định hiện hành của pháp luật.);
Khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ;
Đào tạo nguồn nhân lực;
Ưu đãi thuế(Cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh muối được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế hiện hành).
- Chương IV gồm 08 Điều quy định về tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương như:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính;
Bộ Công Thương;
Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Bộ Khoa học và Công nghệ;
Bộ Y tế;
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Chương V gồm 02 điều quy định về hiệu lực thi hành; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; trách nhiệm thi hành của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân liên quan.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xác định danh mục các văn bản có nội dung liên quan đến đề mục Quản lý sản xuất, kinh doanh muối như: Luật 55/2010/QH12 An toàn thực phẩm; Nghị quyết 55/2010/QH12 Về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật 45/2013/QH13 Đất đai; Nghị định 38/2012/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 80/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Nghị định 187/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định 09/2016/NĐ-CP Quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; Nghị định 122/2016/NĐ-CP Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan; Nghị định 01/2017/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Thông tư 63/2010/TT-BNNPTNT Hướng dẫn việc quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tư 03/2011/TT-BYT Ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với chất được sử dụng để bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm; Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT Quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Như vậy, có thể nói, thông qua việc pháp điển đề mục Q
uản lý sản xuất, kinh doanh muối, đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về Quản lý sản xuất, kinh doanh muối đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.