Hệ thống các quy phạm pháp luật còn hiệu lực từ kết quả pháp điển đề mục Trọng tài thương mại
Triển khai thực hiện công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện pháp điển đề mục Trọng tài thương mại. Đến nay, đề mục này đã được thẩm định, ký xác thực, đóng dấu theo quy định và đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới theo chủ đề “Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp”.
Đề mục Trọng tài thương mại có cấu trúc được xây dựng theo cấu trúc của Luật trọng tài thương mại năm 2010. Theo đó, đề mục này bao gồm 13 chương, được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật từ 04 văn bản (01 Luật; 01 Nghị quyết; 01 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán và 01 Thông tư), cụ thể như sau:
Luật 54/2010/QH12 Trọng tài thương mại; Nghị định 63/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại; Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật trọng tài thương mại; Thông tư 12/2012/TT-BTP Ban hành một số biếu mẫu về tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại.
Đề mục Trọng tài thương mại được pháp điển bởi các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực quy định về về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài, thủ tục đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài, Chi nhánh Trung tâm trọng tài; thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài. Cụ thể:
Chương I gồm 31 điều quy định về các nội dung cơ bản như sau: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài: tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài bao gồm các nguyên tắc sau: Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội; Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật; Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; Phán quyết trọng tài là chung thẩm. Ngoài ra, Chương I bao gồm các nội dung về xác định Cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài: Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết; Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài là Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng.
Chương II gồm 05 điều quy định các nội dung cơ bản về thỏa thuận trọng tài như: Các hình thức thoả thuận trọng tài: Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản: Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Chương III gồm 03 điều quy định về trọng tài viên với các nội dung cơ bản như sau: Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên; Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên. Những người có đủ tiêu chuẩn quy định nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên: Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án; Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
Chương IV gồm 23 điều quy định các nội dung cơ bản về Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài. Điều lệ của Trung tâm trọng tài bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây: Tên của Trung tâm trọng tài; tên nước ngoài của Trung tâm trọng tài (nếu có); Trụ sở chính; Lĩnh vực, mục tiêu hoạt động; Thời gian hoạt động; Điều kiện cơ sở vật chất và nguồn tài chính, chế độ tài chính của Trung tâm trọng tài; Cơ cấu tổ chức, cơ chế quản trị, tổ chức lại, giải thể Trung tâm trọng tài, cơ chế giải quyết tranh chấp nội bộ của Trung tâm trọng tài; Người đại diện theo pháp luật của Trung tâm trọng tài, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật; Danh sách các sáng lập viên; phương thức thay đổi sáng lập viên của Trung tâm trọng tài; điều kiện kết nạp, khai trừ trọng tài viên; quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên; Chế độ lưu trữ hồ sơ, tài liệu; Thể thức thông qua điều lệ; Thể thức công bố Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài; Những nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật. Về đăng ký hoạt động của Trung tâm trọng tài: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Giấy phép thành lập, Trung tâm trọng tài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Trung tâm trọng tài đặt trụ sở. Hết thời hạn này nếu Trung tâm trọng tài không đăng ký thì giấy phép không còn giá trị. Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Trung tâm trọng tài chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu đăng ký. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, Trung tâm trọng tài phải đăng báo hằng ngày của trung ương hoặc báo địa phương nơi đăng ký hoạt động trong ba số liên tiếp về những nội dung chủ yếu sau đây: Tên, địa chỉ trụ sở của Trung tâm trọng tài; Lĩnh vực hoạt động của Trung tâm trọng tài; Số Giấy đăng ký hoạt động, cơ quan cấp, ngày, tháng, năm cấp; Thời điểm bắt đầu hoạt động của Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài phải niêm yết tại trụ sở những nội dung quy định và danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài.
Chương V bao gồm 09 điều quy định các nội dung cơ bản về khởi kiện: Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được quy định như sau: Trường hợp tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi Trung tâm trọng tài nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.Trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn.Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Phí trọng tài là khoản thu từ việc cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Phí trọng tài gồm: Thù lao Trọng tài viên, chi phí đi lại và các chi phí khác cho Trọng tài viên; Phí tham vấn chuyên gia và các trợ giúp khác theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài; Phí hành chính; Phí chỉ định Trọng tài viên vụ việc của Trung tâm trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp; Phí sử dụng các dịch vụ tiện ích khác được cung cấp bởi Trung tâm trọng tài. Phí trọng tài do Trung tâm trọng tài ấn định. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài vụ việc, phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định. Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác. Kể từ thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài, các bên vẫn có quyền tự mình thương lượng, thỏa thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp các bên tự thỏa thuận được với nhau chấm dứt việc giải quyết tranh chấp thì có quyền yêu cầu Chủ tịch Trung tâm trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp.
Chương VI bao gồm 14 điều quy định các nội dung cơ bản Hội đồng trọng tài. Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.Trọng tài viên phải từ chối giải quyết tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp trong các trường hợp sau đây: Trọng tài viên là người thân thích hoặc là người đại diện của một bên; Trọng tài viên có lợi ích liên quan trong vụ tranh chấp; Có căn cứ rõ ràng cho thấy Trọng tài viên không vô tư, khách quan; Đã là hòa giải viên, người đại diện, luật sư của bất cứ bên nào trước khi đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại trọng tài, trừ trường hợp được các bên chấp thuận bằng văn bản. Kể từ khi được chọn hoặc được chỉ định, Trọng tài viên phải thông báo bằng văn bản cho Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài và các bên về những tình tiết có thể ảnh hưởng đến tính khách quan, vô tư của mình. Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu Hội đồng trọng tài chưa được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định. Nếu Hội đồng trọng tài đã được thành lập, việc thay đổi Trọng tài viên do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên. Đối với vụ tranh chấp do Hội đồng trọng tài vụ việc giải quyết, việc thay đổi Trọng tài viên sẽ do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định. Trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp, thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của một hoặc các Trọng tài viên nói trên, của một hoặc các bên tranh chấp, Chánh án Toà án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên. Chương VI cũng quy định về thẩm quyền xác minh sự việc của Hội đồng trọng tài: Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài có quyền gặp hoặc trao đổi với các bên với sự có mặt của bên kia bằng các hình thức thích hợp để làm sáng tỏ các vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tìm hiểu sự việc từ người thứ ba, với sự có mặt của các bên hoặc sau khi đã thông báo cho các bên biết.
Chương VII bao gồm 08 điều quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.Việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.
Chương VIII bao gồm các nội dung cơ bản về phiên họp giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thời gian và địa điểm mở phiên họp do Hội đồng trọng tài quyết định. Trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, giấy triệu tập tham dự phiên họp phải được gửi cho các bên chậm nhất 30 ngày trước ngày mở phiên họp. Thành phần, thủ tục phiên họp giải quyết tranh chấp được quy định như sau: Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp.
Chương IX bao gồm 09 điều quy định các nội dung cơ bản về phán quyết trọng tài như: Nguyên tắc ra phán quyết: Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, phán quyết của Trọng tài vụ việc được đăng ký tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài đó. Chương X bao gồm các quy định thi hành phán quyết trọng tài: Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Quyền yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài được quy định như sau: Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Đối với phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài sau khi phán quyết được đăng ký theo quy định. Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Chương X bao gồm các nội dung cơ bản về Thi hành phán quyết trọng tài: Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành phán quyết trọng tài. Hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Chương XI bao gồm các nội dung cơ bản về hủy phán quyết trọng tài: Căn cứ huỷ phán quyết trọng tài bao gồm một trong các trường hợp sau đây: Không có thoả thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu; Thành phần Hội đồng trọng tài, thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật này; Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài; trường hợp phán quyết trọng tài có nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì nội dung đó bị huỷ; Chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng trọng tài căn cứ vào đó để ra phán quyết là giả mạo; Trọng tài viên nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của một bên tranh chấp làm ảnh hưởng đến tính khách quan, công bằng của phán quyết trọng tài; Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Chương XI bao gồm 13 điều quy định về tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Các nội dung cơ bản tại chương này bao gồm: Điều kiện hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; Hình thức hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; Tên Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài; Quyền và nghĩa vụ của Chi nhánh của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; Hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; Thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; Chấm dứt hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Chương XIII bao gồm các nội dung về tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành và các quy định chuyển tiếp.
Như vậy, thông qua việc pháp điển đề mục Trọng tài thương mại đã xác định được toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về trọng tài thương mại đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật. Qua đó có thể thấy hệ thống pháp luật về trọng tài thương mại đã và đang từng bước được hoàn thiện và ổn định./.
Trần Thanh Loan