Triển khai sử dụng Bộ pháp điển với công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL
Sign In

Tin hoạt động

Triển khai sử dụng Bộ pháp điển với công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL

Ngày 12/4/2018, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã tổ chức Hội nghị giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển Việt Nam đối với các công chức của Cục. Hội nghị do đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với toàn thể cán bộ, công chức của Cục.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Trưởng phòng Pháp điển, hợp nhất văn bản QPPL đã giới thiệu khái quát về Bộ pháp điển, ý nghĩa của Bộ pháp điển giúp công chức của Cục có cái nhìn tổng thể, toàn diện về Bộ pháp điển hiện nay. Theo đó, việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất của hệ thống pháp luật hiện đang còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc, với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản QPPL, số lượng văn bản QPPL được ban hành rất lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng.
 

Trên thế giới hiện có 02 cách thức thực hiện pháp điển là pháp điển về nội dung và pháp điển về hình thức. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL quy định: Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển (có khoảng hơn 10.000 văn bản QPPL sử dụng để pháp điển). Ngoài ra, Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL cũng quy định việc pháp điển phải đảm bảo “không làm thay đổi nội dung của quy phạm pháp luật được pháp điển”. Do đó, Bộ pháp điển Việt Nam hiện nay là Bộ pháp điển về mặt hình thức.
Bộ pháp điển được xây dựng theo quy định tại Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật. Các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Bộ pháp điển miễn phí. 
Thẩm quyền và trách nhiệm thực hiện pháp điển không được giao tập trung cho một cơ quan cụ thể. Điều 4 Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL quy định các cơ quan có thẩm quyền thực hiện pháp điển bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước (27 cơ quan). Về cơ bản, các cơ quan này thực hiện pháp điển văn bản QPPL do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; quy phạm pháp luật trong văn bản QPPL do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình. Theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ pháp điển chứa đựng 265 đề mục thuộc 45 chủ đề và phân công cụ thể cho cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển theo các đề mục.
Theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Bộ pháp điển được xây dựng trong 10 năm (2014 - 2023). Theo đó, Giai đoạn 1(2014 - 2017) hoàn thành 22 đề mục; Giai đoạn 2 (2017 - 2020) hoàn thành 144 đề mục và Giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 99 đề mục. Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, đến nay, các bộ, ngành đã thực hiện pháp điển xong 87/265 đề mục. Trong đó, Chính phủ đã thông qua hai lần với 67 đề mục (Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 và Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 18/01/2018). Theo Kế hoạch công tác, các bộ, ngành đang thực hiện pháp điển và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 thêm khoảng 50 đề mục. Với tiến độ pháp điển các đề mục như hiện nay, việc xây dựng và hoàn thành Bộ pháp điển có thể “về đích sớm” so với lộ trình đề ra (phấn đấu hoàn thành vào năm 2021).
Cấu trúc của Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 265 đề mục thuộc 45 chủ đề). Trong mỗi đề mục có các Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều và nội dung của các Điều. Cụ thể:
- Chủ đề: Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề được sắp xếp theo trật tự alfabet trong đó chứa đựng các QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực.
- Đề mục: Đề mục là bộ phận cấu thành chủ đề, trong đó chứa đựng các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định.
- Cấu trúc đề mục (Phần, Chương, Mục, Tiểu mục, Điều): Cấu trúc của đề mục cơ bản dựa trên cấu trúc của văn bản có giá trị pháp lý cao nhất pháp điển vào đề mục đó.
- Cách sắp xếp các điều trong đề mục: Điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc điều có nội dung liên quan gần nhất, theo thứ tự thứ bậc hiệu pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản cùng thứ bậc hiệu lực.  
Cách thức tra cứu, sử dụng Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển: Cấu trúc của Bộ pháp điển được thiết kế theo hình cây từ chủ đề đến đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều. Bên phải mỗi cấu trúc đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều đều có cụm từ “xem chi tiết”. Người dùng click chuột vào cụm từ “xem chi tiết” để mở ra nội dung phần cấu trúc mà mình muốn xem (có thể xem nội dung của cả 1 đề mục hoặc 1 phần, chương, mục, tiểu mục, điều cụ thể). Ngay dưới số và tên điều trong Bộ pháp điển là phần ghi chú cụ thể là điều số mấy của văn bản nào, hoặc ghi sự biến động trong nội dung của điều (điều có nội dung được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ). Phần ghi chú được gán link đến điều tương ứng của văn bản sử dụng để pháp điển trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Giữa các phần, chương, mục, tiểu mục, điều có thể được chỉ dẫn liên quan đến nhau.
Để các cá nhân, tổ chức sớm tiếp cận với Bộ pháp điển, ngay tại Nghị quyết số  Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 16/01/2018, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan liên quan thực hiện phổ biến, tuyên truyền về kết quả pháp điển, đưa Bộ pháp điển vào đời sống.
 

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Đồng Ngọc Ba đặc biệt nhất mạnh, Bộ pháp điển rất hữu ích đối với các người làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Qua việc pháp điển 87/265 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành đã rà soát, làm “sạch” được hơn 2 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 10 nghìn văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, góp phần phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. Bộ pháp điển giúp xác định hệ thống văn bản QPPL đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện kiểm tra, rà soát cũng như việc phân tích các nội dung QPPL để phát hiện, xác định những nội dung trái pháp luật, hết hiệu lực.
Vũ Thị Mai

Các tin khác

Chính phủ tiếp tục thông qua và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng công khai trên mạng internet kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với các chủ đề Tương trợ tư pháp; Văn thư lưu trữ và 28 đề mục Chính phủ chỉ đạo “đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 Công tác xây dựng Bộ pháp điển là một trong 10 sự kiện nổi bật năm 2017 của ngành Tư pháp Bộ Y tế tổ chức Tập huấn nghiệp vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế năm 2017 Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh thông qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL trong lĩnh vực Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu Hội nghị đối thoại những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư Tọa đàm trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển đề mục Doanh nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thành công Hội nghị tập huấn hướng dẫn kỹ năng thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật
Chung nhan Tin Nhiem Mang