Tại buổi tập huấn, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã giới thiệu qua về công tác pháp điển của Việt Nam và tập trung hướng dẫn kỹ thuật pháp điển đối với một đề mục nói chung cũng như hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể thực hiện pháp điển đối với đề mục Hải quan.
Theo đó, về kỹ thuật pháp điển, đồng chí Nguyễn Duy Thắng hướng dẫn cách Xây dựng cấu trúc của đề mục; cách xác định nội dung không pháp điển; cách ghi chú, cách xác định nội dung liên quan và thực hiện chỉ dẫn; cách sắp xếp các Điều trong văn bản vào đề mục theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản chứa đựng QPPL được pháp điển từ cao xuống thấp (trường hợp các văn bản cùng cấp thì được sắp xếp theo trật tự thời gian ban hành); các QPPL quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các QPPL được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Duy Thắng hướng dẫn kỹ về các trường hợp đặc thù như: (1) Trường hợp có nhiều điều của một văn bản cùng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn; (2) Trường hợp một điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn; (3) Trường hợp có nhiều điều của nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn; (4) Trường hợp trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có điều không hướng dẫn cụ thể điều nào của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; (5) Cách pháp điển các quy định về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành, các quy định chuyển tiếp, các Phụ lục, biểu mẫu. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Duy Thắng cũng lưu ý cách pháp điển trong một số trường hợp đặc biệt khác như: Những Thông tư quy định về công tác đặc thù đối với nội bộ của các Bộ, ngành thì pháp điển như thế nào; Các văn bản QPPL mà nội dung không chứa QPPL; Pháp điển các điều trong văn bản sửa đổi, bổ sung; Thực hiện pháp điển đối với một văn bản QPPL/một nhóm QPPL không quy định chi tiết, hướng dẫn, giải thích hay liên quan trực tiếp đến bất kỳ văn bản có trong đề mục; Các văn bản QPPL hết hiệu lực thực tế; Việc bổ sung đề mục mới, bỏ đề mục; Việc đánh số, ký hiệu của Quyết định của Thủ tướng và Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Chỉ thị của Thủ tướng và Chỉ thị của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Ủy ban thường vụ của Quốc Hội và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (nếu có) được thực hiện như thế nào?...
Về việc thực hiện đề mục Hải quan, đồng chí Nguyễn Duy Thắng tập trung hướng dẫn quy trình thực hiện pháp điển đối với đề mục Hải quan và cách phân định công việc cũng như công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục Hải quan với Vụ Pháp chế của Tổng cục Hải quan. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch chung; Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch pháp điển riêng đối với đề mục Hải quan; Các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan rà soát, xác định các QPPL, các văn bản QPPL đang còn hiệu lực quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành hoặc có nội dung gần với các Điều của Luật hải quan được phân công pháp điển và các văn bản có nội dung liên quan (Đối với các QPPL: Để đơn vị sử dụng pháp điển sau, đối với các văn bản QPPL có nội dung thuộc đề mục và văn bản có nội dung liên quan: Tổng hợp thành 02 Danh mục để gửi về Vụ Pháp chế tổng hợp chung); Các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan rà soát, xác định các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp để kiến nghị xử lý theo quy định (Đối với các quy định trong các văn bản do Bộ Tài chính ban hành thì kiến nghị Lãnh đạo Bộ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trước khi thực hiện pháp điển. Đối với các văn bản do Bộ, ngành khác ban hành thì kiến nghị Bộ, ngành đó ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ trước khi thực hiện pháp điển. Đối với văn bản do Thủ tướng Chính phủ ban hành trở lên thì vẫn thực hiện pháp điển bình thường. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý theo quy định); Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan kiến nghị Vụ Pháp chế Bộ Tài chính thực hiện Cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật đối với các văn bản thuộc thẩm quyền cập nhật của Bộ Tài chính. Đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành khác thực hiện cập nhật các văn bản thuộc thẩm quyền cập nhật của cơ quan họ ( Các văn bản cần thu thập gồm các văn bản thuộc nội dung của đề mục gồm: Văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành văn bản đó và các văn bản có nội dung liên quan); Các đơn vị thuộc Tổng cục thực hiện pháp điển trên bản Word và gửi Vụ Pháp chế của Tổng cục đưa vào Phần mềm pháp điển; Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổng hợp kết quả pháp điển, hoàn thiện Hồ sơ kết quả pháp điển; Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan gửi Hồ sơ kết quả pháp điển đến Vụ Pháp chế Bộ Tài chính để kiểm tra trước khi trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Bộ Tư pháp để thẩm định theo quy định.
Ngoài ra, tại buổi Tập huấn, đồng chí Trần Thanh Loan - chuyên viên Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL đã hướng dẫn các đại biểu tham dự kỹ thuật thực hiện pháp điển và thực hành pháp điển trên Phần mềm pháp điển điện tử đối với đề mục Hải quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã lắng nghe; trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến công tác thực hiện pháp điển, kỹ thuật thực hiện pháp điển pháp điển, đặc biệt là những nội dung liên quan đến pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Hải quan. Qua đó, các công chức của Tổng cục Hải quan đã xác định được tầm quan trọng cũng như các nhiệm vụ cụ thể đối với việc pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Hải quan.
Buổi tập huấn nghiệp vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Hải quan kết thúc đã đạt được những thành công, hiệu quả nhất định và góp phần quan trọng trong việc phổ biến kiến thức, nghiệp vụ pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật cũng như việc tra cứu, áp dụng kết quả pháp điển trong Bộ pháp điển cho cán bộ, công chức của Tổng cục Hải quan, từ đó phục vụ hiệu quả cho công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật trong lĩnh vực Hải quan./.