Theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2019, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 06/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo đề mục. Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Trưởng phòng Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản QPPL đã trình bày về sự cần thiết cũng như những nội dung cơ bản của Quyết định thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg. Trong đó tập trung trình bày về nhưng thay đổi của Dự thảo Quyết định so với Quyết định số 843/QĐ-TTg.
|
|
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất các nội dung như: (1) Về sự cần thiết ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg: ngày 06/6/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo đề mục. Tuy nhiên, sau 05 năm triển khai thực hiện công tác pháp điển, hệ thống pháp luật nước ta có nhiều thay đổi như nhiều Luật được Quốc hội thông qua mới (Luật Tiếp cận thông tin, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật quy hoạch…); nhiều Nghị định được nâng lên thành Luật (Luật
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…). Do đó, Bộ pháp điển cần được bổ sung thêm các đề mục tương ứng với các Luật mới này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong đề mục theo Quyết định số 843/QĐ-TTg bị bãi bỏ hoặc có văn bản mới ban hành với tên gọi khác thay thế. Trường hợp văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong đề mục bị bãi bỏ thì Bộ Tư pháp có trách nhiệm loại bỏ đề mục tương ứng ra khỏi Bộ pháp điển. Trường hợp có văn bản mới ban hành với tên gọi khác thay thế văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong đề mục thì tên đề mục được thay đổi theo quy định. Căn cứ Điểm a Khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh pháp điển quy định “trong trường hợp có QPPL mới được ban hành chưa thuộc đề mục đã có trong Bộ pháp điển, cơ quan được quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh này đề xuất tên đề mục, vị trí của đề mục gửi Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung đề mục và phân công cơ quan thực hiện”. Vì vậy, việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg để bổ sung các đề mục mới vào Bộ pháp điển và phân công cơ quan thực hiện pháp điển một cách cụ thể đối với từng đề mục, đồng thời sắp xếp lại vị trí của các đề mục cho phù hợp là rất cần thiết. (2) Về những nội dung cơ bản của Quyết định thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg: Một là bổ sung 20 đề mục mới vào Bộ pháp điển và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo đề mục ; Hai là loại bỏ 11 đề mục khỏi Bộ pháp điển; Ba là đổi tên gọi của 20 đề mục.
|
|
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đối với việc xác định vị trí và đánh số thứ tự các đề mục trong các trường hợp bổ sung đề mục mới, loại bỏ đề mục ra khỏi Bộ pháp điển hoặc đổi tên đề mục và việc bổ sung thêm đề mục “Một số hoạt động kinh doanh đặc thù”. Vì việc bổ sung đề mục mới hay loại bỏ đề mục ra khỏi Bộ pháp điển cũng như đổi tên đề mục đều theo quy định của Pháp lệnh pháp điển và Nghị định số 63/NĐ-CP dẫn đến tình trạng Bộ pháp điển khi xây dựng xong, trong các chủ đề sẽ có nhiều đề mục bị bỏ trống, nhiều đề mục không được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt. Trong khi đó, hiện nay Bộ pháp điển đang trong giai đoạn xây dựng (Chính phủ đã thông qua 94 đề mục; các Bộ, ngành đang pháp điển khoảng 60 đề mục; gần 100 đề mục chưa pháp điển), nên trong một số trường hợp cụ thể, khi bổ sung đề mục mới, loại bỏ đề mục ra khỏi Bộ pháp điển hay đổi tên đề mục thì ta có thể sắp xếp lại vị trí của các đề mục cho phù hợp. Việc bổ sung đề mục mới “Một số hoạt động kinh doanh đặc thù”: Điều
2 Nghị định số 63/NĐ-CP quy định: “Tên gọi của đề mục là tên gọi của văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội thuộc chủ đề”; “Cấu trúc của đề mục được xây dựng theo bố cục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục”. Như vậy, trong mỗi đề mục chỉ có duy nhất một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất. Tuy nhiên, trong thực tiễn hệ thống pháp luật, Chính phủ ban hành nhiều Nghị định theo thẩm quyền để điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định, cụ thể là quy định về việc quản lý kinh doanh trong một số ngành nghề đặc thù như Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/01/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế; Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 về kinh doanh casino; Nghị định số 93/2016/NĐ-CP về điều kiện sản xuất mỹ phẩm...
Kết luận cuộc họp, đồng chí Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL ghi nhận, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Bộ trước khi gửi lấy ý kiến các bộ, ngành chính thức bằng văn bản.