Tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Đất đai; Kinh doanh bất động sản
Sign In

Tin hoạt động

Tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Đất đai; Kinh doanh bất động sản

Được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020, ngày 11/12/2020, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Đất đai; Kinh doanh bất động sản. Buổi Tọa đàm do đồng chí Nguyễn Duy Thắng - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì cùng với sự tham gia của các đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành; viện kiểm sát, tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự và đại diện một số doanh nghiệp, văn phòng luật, chuyên gia trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đại diện các sở, ban, ngành một số tỉnh lân cận.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Duy Thắng đã nêu rõ thực trạng hệ thống văn bản QPPL hiện nay khá cồng kềnh (với khoảng 8.800 văn bản ở cấp Trung ương), mỗi lĩnh vực lại được quy định tản mạn trong rất nhiều văn bản khiến cho việc tiếp cận quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức gặp nhiều khó khăn. Trong rất nhiều nỗ lực nhằm khắc phụ tình trạng nêu trên, Chính phủ đã trình UBTVQH thông qua Pháp lệnh Pháp điển nhằm xây dựng Bộ pháp điển - là nơi rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp. Bộ pháp điển được cấu thành từ 45 Chủ đề và 271 Đề mục. Cho đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 191/271 đề mục, Bên cạnh đó, qua việc pháp điển 191/271 đề mục, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 05 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 8.800 văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được lắng nghe đồng chí Nguyễn Duy Thắng giới thiệu tổng quan về Bộ pháp điển, cách thức khai thác và sử dụng Bộ pháp điển cũng như kết quả pháp điển các đề mục: Đất đai; Kinh doanh bất động sản. Đồng chí đã tập trung giới thiệu cho các đại biểu tham dự tọa đàm về những nội dung cơ bản của các đề mục trên và một số vấn đề trong việc xác định phạm vi văn bản QPPL thực hiện pháp điển vào các đề mục. Đối với đề mục Đất đai (đề mục số 1 thuộc Chủ đề số 11 “Đất đai”) được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các bộ, ngành xác định văn bản có nội dung thuộc đề mục và văn bản có nội dung liên quan đến đề mục nêu trên. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành thực hiện pháp điển, hoàn thiện Kết quả pháp điển đề mục Đất đai bảo đảm theo các quy định hiện hành về nguyên tắc, kỹ thuật pháp điển cũng như tính hợp lý, dễ dàng tra cứu đối với các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Đề mục Đất đai đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 13/6/2017 của Chính phủ phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với chủ đề Đất đai và 35 đề mục.

Sau khi lắng nghe phần trình bày của các báo cáo viên tại Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã đánh giá Bộ pháp điển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực tiễn tra cứu, tìm kiếm QPPL của mọi cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về tính hiệu lực, chính xác, kịp thời của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển; sự kiểm duyệt, cập nhật các văn bản như thế nào? để tạo niềm tin hơn cho người tra cứu, bởi Bộ pháp điển chỉ mới được đưa vào sử dụng và còn ít người biết đến.
Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã khẳng định lại ý nghĩa, vai trò, mục tiêu của Bộ pháp điển. Bộ pháp điển đã phần nào cụ thể hóa Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đó là xây dựng một hệ thống pháp luật công khai, minh bạch. Đồng thời, đồng chí cũng đánh giá về độ tin cậy, tính chính xác của các QPPL được đưa vào Bộ pháp điển để các cá nhân, tổ chức có thể yên tâm tra cứu. Đ/c hy vọng thông qua việc sử dụng, khai thác các cá nhân, tổ chức có thể góp ý để hoàn thiện hơn Bộ pháp điển, đặc biệt hướng tới việc thực hiện pháp điển về mặt nội dung trong tương lai./.
 
 
Vũ Thị Mai

Các tin khác

Tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Các tổ chức tín dụng; Bảo hiểm tiền gửi và Ngoại hối Bộ Tư pháp tổ chức thành công Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tỉnh Kiên Giang Hội nghị đối thoại về những vấn đề pháp lý phát sinh qua hoạt động pháp điển hệ thống QPPL trong các lĩnh vực quản lý ngoại thương, đầu tư công và điều kiện kinh doanh Tọa đàm tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng kết quả pháp điển các đề mục: Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thuế giá trị gia tăng; Thuế tiêu thụ đặc biệt Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển tại Đà Nẵng Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật về y tế năm 2019 Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tập huấn công tác Pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Tọa đàm tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức, người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển
Chung nhan Tin Nhiem Mang