Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị
, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã đánh giá cao kết quả công tác xây dựng Bộ pháp điển. Với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tổ chức triển khai nghiêm túc, toàn diện, hiệu quả Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL năm 2012 và các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển. Bộ pháp điển được xây dựng đã giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật, qua đó giảm chi phí tuân thủ pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp điển còn một số hạn chế, khó khăn trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, cụ thể như: Bộ pháp điển chưa bảo đảm đầy đủ các QPPL đang còn hiệu lực; vị trí một số quy phạm pháp luật được sắp xếp chưa phù hợp, việc chỉ dẫn chưa đầy đủ; số lượng truy cập Bộ pháp điển hiện nay còn khiêm tốn so với nhu cầu tra cứu tìm kiếm các quy định của pháp luật trong đời sống xã hội hiện nay; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển còn bất cập, chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới. Từ những lý do nêu trên, ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và phát huy giá trị của Bộ pháp điển trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã phổ biến, giới thiệu nội dung cơ bản tại Quyết định số 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đã xác định được các mục tiêu cụ thể như: khắc phục hạn chế, bất cập của Bộ pháp điển hiện nay; tổ chức nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện các kỹ thuật pháp điển hợp lý, khoa học hơn, góp phần thuận tiện trong khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; phấn đấu 80% công chức các bộ, ngành và địa phương được phổ biến, giới thiệu, hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, 50.000 lượt truy cập Bộ pháp điển mỗi ngày. Từ các mục tiêu cụ thể đó, Đề án đã xác định 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, đó là: (1) Rà soát, hoàn thiện Bộ pháp điển bảo đảm chính xác, đầy đủ theo quy định; (2) Tổ chức nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật pháp điển bảo đảm Bộ pháp điển sắp xếp hợp lý, khoa học hơn; (3) Tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển hiệu quả, chất lượng; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong xây dựng, duy trì, quản lý và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; (5) Tăng cường các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển.
Tiếp theo, đồng chí Trần Thanh Loan, Phó Chánh Văn phòng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã trao đổi, hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Quyết định số 143/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như: Tổ chức pháp chế các bộ, ngành tham mưu Thủ trưởng cơ quan ban hành kế hoạch triển khai Quyết định trên tại bộ, ngành mình; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã được đặt ra tại Đề án bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những trường hợp phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện đề án và góp ý hoàn thiện nội dung tài liệu hướng dẫn. Các đại biểu có nhiều đề xuất kiến nghị như: tiếp tục tăng cường công tác cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đối với các tính năng tra cứu, khai thác sử dụng Bộ pháp điển, đặc biệt là đẩy mạnh giới thiệu, tuyên truyền, đưa Bộ pháp điển sớm đi vào cuộc sống.
Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao sự tham gia, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự. Đồng chí Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh các bộ, ngành cần phải xác định pháp điển hệ thống QPPL, cập nhật QPPL mới vào Bộ pháp điển là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình công tác của cơ quan mình, do đó, cần bảo đảm các nguồn lực, củng cố tổ chức pháp chế và các điều kiện cần thiết khác nhằm triển khai được kịp thời, hiệu quả. Việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng Bộ pháp điển và đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, vì vậy, đề nghị các các bộ, ngành cần chủ động thông tin, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa với Bộ Tư pháp để nắm bắt đầy đủ thông tin và có các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg./.